Đồng hành cùng cộng đồng Cơ Tu gìn giữ hồn quê

NGỌC HÀ

VHO - UBND huyện Hòa Vang vừa ban hành “Kế hoạch bảo tồn và phát triển văn hóa cộng đồng người Cơ Tu năm 2025”, xác định mục tiêu lớn: Phát huy vai trò chủ thể của đồng bào trong việc bảo tồn truyền thống văn hóa, dần đưa văn hóa Cơ Tu thoát khỏi nguy cơ mai một, biến dạng giữa làn sóng hội nhập.

 Đồng hành cùng cộng đồng Cơ Tu gìn giữ hồn quê - ảnh 1
Thành phố Đà Nẵng kiên trì thực hiện nhiều chương trình nghiên cứu, hỗ trợ bà con Cơ Tu ở huyện Hòa Vang gìn giữ bản sắc văn hóa

Bà Lê Hà, Trưởng phòng VHTT huyện Hòa Vang chia sẻ: “Bảo tồn không chỉ để giữ lại ký ức, mà còn để tiếp sức sáng tạo cho các giá trị mới, phù hợp với nhịp sống hiện đại nhưng không làm mất đi cốt lõi tinh thần dân tộc”.

Theo kế hoạch, huyện Hòa Vang sẽ nghiên cứu, đề xuất chính sách về quy hoạch đất đai, tạo điều kiện để người Cơ Tu sinh sống tập trung, tái lập các làng bản truyền thống - nơi mỗi căn nhà, mỗi mái Gươl đều là cái nôi ươm mầm văn hóa và gắn kết cộng đồng.

Đồng thời, đến cuối năm 2025, 100% thôn có người Cơ Tu sẽ được tập huấn kỹ năng, củng cố các đội nghệ thuật truyền thống - những “ngọn lửa sống” của hồn dân tộc giữa đời thường.

Một sự kiện đặc biệt vừa diễn ra tại Nhà Gươl thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc: Liên hoan Văn hóa - Thể thao và Phục dựng lễ hội truyền thống người Cơ Tu. Không gian hội tụ những hoạt động đậm đà bản sắc: Đẩy gậy, kéo co, đi cà kheo, bắn nỏ; tái hiện “Lễ mừng lúa mới”, “Lễ kết nghĩa giữa các bản làng”; đốt lửa trại, hòa nhịp trống chiêng, say sưa trong những giai điệu Cơ Tu mộc mạc mà lắng sâu.

Những năm qua, TP Đà Nẵng đã kiên trì thực hiện nhiều chương trình nghiên cứu, hỗ trợ bà con Cơ Tu ở huyện Hòa Vang gìn giữ bản sắc văn hóa.

Sở VHTT TP đã tổ chức nhiều chuyến điền dã, khảo sát thực địa, lấy đó làm cơ sở đề xuất các phương án bảo tồn gắn với phát triển bền vững.

Bà Lê Thị Thu Trang, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở VHTT Đà Nẵng) cho biết: “Chúng tôi tập trung vào việc số hóa dữ liệu, đồng thời hỗ trợ đồng bào thực hành, lưu giữ các di sản văn hóa phi vật thể ngay trong đời sống hằng ngày. Bên cạnh đó là nâng cao ý thức bảo tồn trong từng gia đình, từng cộng đồng, song song với đào tạo đội ngũ cán bộ văn hóa kế cận”.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kết nối giữa Nhà nước và người dân, bà Trang khẳng định: Bảo tồn văn hóa không thể chỉ từ bên ngoài áp đặt, mà cần được nuôi dưỡng từ bên trong mỗi mái nhà, mỗi bản làng - nơi cha mẹ truyền dạy cho con cháu tình yêu văn hóa dân tộc như truyền một ngọn lửa thiêng liêng.

Ông Hà Vỹ, Phó Giám đốc Sở VHTT Đà Nẵng cho biết thêm: Công tác khảo sát đã bao quát toàn bộ các loại hình di sản văn hóa phi vật thể của người Cơ Tu tại Hòa Vang, từ đời sống mưu sinh, thiết chế xã hội, ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn, đến tập quán lễ hội, nghề thủ công và tri thức bản địa.

Đặc biệt, việc lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của đồng bào Cơ Tu được đặt lên hàng đầu trong xây dựng phương án bảo tồn - để mỗi nỗ lực giữ gìn văn hóa đều xuất phát từ trái tim người trong cuộc, vì một tương lai nơi văn hóa truyền thống và cuộc sống hiện đại cùng song hành bền vững.