“Bộ trưởng Bộ VHTTDL trả lời thẳng thắn, tâm huyết, cụ thể...“

THU SÂM; ảnh: TRẦN HUẤN

VHO - Kết thúc phiên chất vất và trả lời chất vấn kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV vào sáng qua 6.6, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã nhận được 45 lượt ý kiến phát biểu (trong đó có 37 ý kiến chất vấn, 8 ý kiến tranh luận), còn 34 đại biểu đăng ký chưa được chất vấn.

“Bộ trưởng Bộ VHTTDL trả lời thẳng thắn, tâm huyết, cụ thể...“ - ảnh 1

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ VHTTDL

Phát biểu kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá: “Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã chuẩn bị kỹ lưỡng nội dung, nắm chắc vấn đề, trả lời thẳng thắn, tâm huyết, cụ thể, đầy đủ các vấn đề đại biểu Quốc hội đặt ra...”.

 Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng là Bộ trưởng nhận được nhiều câu hỏi chất vấn nhất, thời gian trả lời lâu nhất và phần trả lời được đánh giá đã đáp ứng được sự hài lòng của đa số đại biểu.

“Bộ trưởng Bộ VHTTDL trả lời thẳng thắn, tâm huyết, cụ thể...“ - ảnh 2

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội

Tập trung vào 5 nhiệm vụ, giải pháp

 Phát biểu kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, phiên chất vấn và trả lời chất vấn với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực VHTTDL diễn ra sôi nổi với tinh thần xây dựng, trách nhiệm cao... Phiên chất vấn đã nhận được 45 lượt ý kiến phát biểu (trong đó có 37 ý kiến chất vấn, 8 ý kiến tranh luận). Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã chuẩn bị kỹ lưỡng nội dung, nắm chắc vấn đề, trả lời thẳng thắn, tâm huyết, cụ thể, đầy đủ các vấn đề đại biểu Quốc hội đặt ra.

Qua chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, thời gian qua, Chính phủ, Bộ VHTTDL đã tích cực triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Các chính sách bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc thiểu số đã cơ bản đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của đồng bào. Công tác tuyển chọn, đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực nghệ thuật được quan tâm. Thể thao thành tích cao có nhiều tiến bộ, có thành tích đạt cấp khu vực, châu lục và quốc tế. Công tác hỗ trợ vận động viên thể thao sau thời kỳ thi đấu đỉnh cao được quan tâm hơn với sự tham gia tích cực của nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.

Ngành du lịch đã phục hồi mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả tích cực, đóng góp vào sự tăng trưng kinh tế ca đt nưc. Bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ, lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch còn nhiều vấn đề đặt ra cần quan tâm giải quyết. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ VHTTDL, các Bộ trưởng liên quan quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp:

Thứ nhất, rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách về tuyển chọn, đào tạo, thu hút nguồn nhân lực trong các lĩnh vực nghệ thuật, đặc biệt trong lĩnh vực nghệ thuật chuyên sâu, đặc thù. Tiếp tục chăm lo, xây dựng, phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ. Khẩn trương sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các chính sách về chế độ tiền lương, phụ cấp nghề, chế độ bồi dưỡng đối với người làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn; tăng cường hợp tác với các đối tác có năng lực, uy tín về đào tạo nghệ thuật. Thứ hai, khẩn trương ban hành Chiến lược phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Khuyến khích phát triển thể dục, thể thao quần chúng, chú trọng xây dựng nơi vui chơi, luyện tập thể dục thể thao cộng đồng. Xây dựng chiến lược dài hạn, đồng bộ, đầu tư trọng tâm, trọng điểm, hoàn thiện hệ thống phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng huấn luyện viên, vận động viên thi đấu thể thao chuyên nghiệp, thể thao thành tích cao. Tôn vinh và đãi ngộ xứng đáng các vận động viên xuất sắc. Có giải pháp hỗ trợ đào tạo nghề cho vận động viên sau khi kết thúc thi đấu. Xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực thể dục, thể thao.

Thứ ba, ban hành và triển khai thực hiện Quy hoạch hệ thống phát triển du lịch Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Phát triển thương hiệu du lịch quốc gia gắn với lịch sử, truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc. Thực hiện tốt chính sách, nhiệm vụ về phát triển sản phẩm du lịch mới, trong đó nghiên cứu thí điểm mô hình sản phẩm du lịch đêm tại các địa bàn trọng điểm có điều kiện. Thứ tư, đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả xúc tiến, quảng bá du lịch; chú trọng phát triển và khai thác phân khúc thị trường theo sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh; đẩy mạnh truyền thông về chính sách thị thực mới của Việt Nam. Rà soát, hoàn thiện cơ chế quản lý, vận hành và phát huy vai trò của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch.

Thứ năm, tăng cường đầu tư cho các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án đã được ban hành. Thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số, gắn với phát triển du lịch...

Tập trung đào tạo nhân lực để phát triển các ngành CNVH

Trả lời câu hỏi của nhiều đại biểu về việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH), Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, trong Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030, đã xác định có 12 ngành CNVH. Trong đó Chính phủ giao Bộ VHTTDL trực tiếp chỉ đạo, quản lý nhà nước 5 nhóm ngành gồm điện ảnh; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm; quảng cáo và du lịch văn hóa.

Trong thời gian qua, Bộ cũng đã tham mưu với Chính phủ tổ chức Hội nghị phát triển các ngành CNVH, Thủ tướng đã kết luận Hội nghị và đưa ra quan điểm: Tư duy phải sắc bén, hành động sắc sảo, lựa chọn tinh hoa để đột phá phát triển các ngành CNVH. Với tinh thần đó, Bộ đang tham mưu Chính phủ sớm ban hành chỉ thị để phát triển CNVH theo hướng sáng tạo, bản sắc, độc đáo, chuyên nghiệp, lành mạnh, cạnh tranh và bền vững. Bộ trưởng cũng khẳng định, nếu đi theo hướng này, chắc chắn CNVH sẽ có đóng góp vào GDP. Hy vọng đến năm 2030, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của doanh nghiệp, đội ngũ văn nghệ sĩ, CNVH sẽ đóng góp 7% GDP như mục tiêu đề ra.

Để đạt được mục tiêu này, các giải pháp cần được tiến hành đồng bộ, trong đó du lịch văn hóa được coi là một trong những sản phẩm chiếm tỷ trọng nhiều hơn. Bộ trưởng nêu các dẫn chứng sinh động về các địa phương đã làm tốt vấn đề này như Hà Nội đã thổi hồn cho các di tích Hỏa Lò, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, tháp nước Hàng Đậu..., biến chúng trở thành các sản phẩm văn hóa du lịch hấp dẫn. Bên cạnh đó, kinh nghiệm từ các nước phát triển mạnh như Hàn Quốc cho thấy muốn phát triển CNVH phải tập trung đào tạo nguồn nhân lực cho ngành CNVH và trong thời gian tới Bộ sẽ tập trung vào việc này.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn) về vấn đề di sản và việc khai thác sử dụng di sản thế nào để xử lý tốt mối quan hệ giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển kinh tế, xã hội, không vì mục tiêu kinh tế mà đánh đổi di sản văn hóa và môi trường, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, thời gian qua Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến di tích và di sản. Coi di tích, di sản là báu vật của thiên nhiên ban tặng, là giá trị ngàn đời cha ông ta vun đắp, xây dựng, kiến tạo mà thành. Vì thế trách nhiệm của chúng ta là phải bảo tồn, phát huy các giá trị di sản đó. Chính vì vậy, Luật Di sản văn hóa đã được Quốc hội sớm ban hành và tại kỳ họp này, Quốc hội cũng sẽ xem xét, cho ý kiến lần một về Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

“Quan điểm chung là chúng ta phải bảo tồn, phát huy và biến các giá trị di sản thành tài sản như nhiều lần Thủ tướng đã chỉ đạo. Tuy nhiên, theo quan điểm này, không có nghĩa là làm bằng mọi giá, cũng như đại biểu nói là không phải đánh đổi mà khi chúng ta đã công nhận di tích, di sản thì chính quyền địa phương, nơi được giao trách nhiệm quản lý di tích, di sản đều có chương

 trình hành động đi kèm để bảo vệ, phát huy giá trị di tích, di sản đó. Tôi cho rằng giải pháp có tính chất căn cơ, bài bản là phải thực hiện nghiêm các phương án bảo vệ di tích, di sản sau khi được công nhận. Sau khi được công nhận rồi, chính quyền địa phương cần biết tổ chức khai thác, phát huy, biến những di sản đó thành tài sản”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Ông cũng cho rằng, muốn làm được điều này phải xây dựng được các sản phẩm du lịch gắn với các di tích và di sản để vừa gìn giữ, vừa phát huy giá trị của các di tích, di sản, thu hút khách du lịch. Bộ trưởng cũng nêu nhiều dẫn chứng sinh động về các địa phương đã có nhiều sáng tạo trong việc gìn giữ, phát huy giá trị của các di sản...

“Bộ trưởng Bộ VHTTDL trả lời thẳng thắn, tâm huyết, cụ thể...“ - ảnh 3

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà

Báo cáo khái quát kết quả nổi bật về kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm trước Quốc hội vào sáng 6.6, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chia sẻ trước khó khăn, hạn chế đang là rào cản đối với phát triển văn hóa; mong muốn Quốc hội tiếp tục quan tâm, sớm quyết định chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035. Phó Thủ tướng cũng cho biết, Chính phủ đã và đang ưu tiên nguồn lực và có cơ chế, chính sách phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; tập trung phát triển nguồn nhân lực cho các ngành VHTTDL và có nhiều biện pháp để thúc đẩy sự phát triển của du lịch Việt Nam.

Đào tạo, bồi dưỡng tài năng của 15 môn thể thao trọng điểm

Đại biểu Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) chất vấn về những nhiệm vụ, giải pháp và tình hình thực hiện Quyết định số 223 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể thao và nhân lực thể thao thành tích cao đến năm 2035 và những đề xuất về cơ chế, chính sách đặc thù, ưu đãi vận động viên, huấn luyện viên tài năng.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, sau khi đề án được Chính phủ phê duyệt, Bộ đã chủ động tập trung phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ giao. Trong đó có nhóm việc đề xuất để ban hành các chế độ, chính sách liên quan. Hiện các VĐV, HLV thể thao thành tích cao được thụ hưởng 7 nhóm chính sách về tiền lương, tiền công, tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, chế độ tiền thưởng bằng hiện vật khi đạt thành tích cao, chế độ dinh dưỡng đặc thù, chế độ về trang thiết bị luyện tập, chế độ về học tập văn hóa; đặc cách thi tốt nghiệp trung học phổ thông, ưu tiên xét thẳng vào trường đại học, chế độ về ưu đãi học nghề, giải quyết việc làm, chế độ đặc thù khi vào nghề ở tuổi 15 và dưới 13. Ngoài các chế độ nêu trên, nhiều địa phương còn có chế độ riêng khen thưởng khi các HLV, VĐV đạt được thành tích cao. Bộ trưởng cũng cho biết, để thực hiện đề án, Bộ đã tập trung xây dựng các quy định trong công tác tuyển chọn, đào tạo tài năng, xây dựng các chỉ tiêu, tiêu chí tuyển chọn, kế hoạch đào tạo và ban hành các giáo trình huấn luyện.

Cũng theo Bộ trưởng, với mục tiêu hướng tới đấu trường ASIAD, Olympic và căn cứ vào tình hình thực tiễn cũng như dự báo khả năng, thể thao Việt Nam đã chọn ra và tập trung công tác đào tạo, huấn luyện cho 15 môn thể thao trọng điểm. Ở cấp Trung ương, hiện đang đào tạo khoảng 2.500 VĐV thuộc các đội tuyển và đội tuyển trẻ quốc gia và thường xuyên cử VĐV ra nước ngoài tập luyện, thi đấu. Xét tổng thể về mặt chính sách ở lĩnh vực này, chúng ta cơ bản đã đầy đủ và đang thực hiện theo các quy định, chính sách theo hiện hành. Để nâng cao chất lượng công tác tuyển chọn, đào tạo trong lĩnh vực thể dục thể thao, Bộ trưởng cho biết, “Bộ sẽ tập trung nghiên cứu ứng dụng khoa học thể thao trong việc phát hiện năng khiếu, bồi dưỡng nhân tài. Nếu trước đây chúng ta vẫn làm cách cũ, chưa dựa trên các yếu tố khoa học trong việc phát triển năng khiếu, thì bây giờ phải ứng dụng gen, phân tích khả năng của gen để bắt đầu đào tạo các tài năng thể thao”.

Bộ trưởng cũng thông báo Bộ Chính trị vừa ban hành Kết luận 70 về phát triển thể thao trong giai đoạn mới, trong đó có nhiều nội dung để phát triển toàn diện nền thể thao nước nhà. Bộ VHTTDL cũng đang tham mưu với Chính phủ để ban hành Chiến lược phát triển TDTT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với những định hướng cho việc phát triển thể thao thành tích cao. Từ đó sẽ tạo tiền đề cho thể thao Việt Nam phát triển.

Liên quan đến tiêu cực trong thể thao thời gian và những giải pháp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết “đây là vấn đề nhức nhối của ngành, cụ thể là vấn đề bữa ăn của VĐV đội tuyển bóng bàn trẻ đang tập huấn không được đảm bảo và vụ việc ở đội tuyển thể dục dụng cụ”. Bộ trưởng cho hay, khi phát hiện ra, Bộ đã kiên quyết xử lý, thực hiện phương châm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước là không có ngoại lệ, làm theo quy định. “Bộ đã xử lý kỷ luật bằng phương pháp hành chính và cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng khác để xem xét, điều tra khi có dấu hiệu tội phạm, đủ điều kiện sẽ xem xét để xử lý theo quy định của pháp luật”. 

 Có sự chuyển biến tích cực

“Bộ trưởng Bộ VHTTDL trả lời thẳng thắn, tâm huyết, cụ thể...“ - ảnh 4

... Có thể nhìn lại một cách khái quát là sau thời gian tập trung thực hiện các nghị quyết của Đảng, đặc biệt là sau thành công của Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, tiếp đến là sự kiện tổ chức kỷ niệm 80 năm Đề cương Văn hóa Việt Nam, đến các hội thảo khoa học cấp quốc gia về thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa đến các nhiệm vụ và sự quan tâm của Quốc hội khi giao cho Bộ VHTTDL xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 -2035. Các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để khẩn trương trình Chính phủ ban hành Chiến lược về phát triển thể thao trong thời kỳ mới theo Kết luận số 70 của Bộ Chính trị. Điều đó đã khẳng định đã có sự chuyển biến mạnh mẽ của nhận thức về văn hóa, thể thao và du lịch, từ chuyển nhận thức đến hành động quyết liệt trong vấn đề tổ chức thực hiện. Trong Báo cáo của Chính phủ do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trình bày tại kỳ họp Quốc hội lần này cũng đã đánh giá khái quát về những kết quả văn hóa, thể thao và du lịch trong thời gian vừa qua.

Ngoài những nhận định mà Chính phủ báo cáo với Quốc hội thì ở góc độ tiếp cận theo điều tra dư luận xã hội học của Ban Tuyên giáo Trung ương do Viện Nghiên cứu dư luận xã hội thu thập và xử lý thông tin đã mang đến tín hiệu khá vui mừng khi hỏi về việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đã đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước hay chưa? Tỷ lệ này đã tăng 32% từ 43% năm 2019 lên 75% năm 2024, cho thấy đã có sự chuyển biến khá tích cực về lĩnh vực này...

(Bộ trưởng NGUYỄN VĂN HÙNG)

 Nhiều giải pháp tổng thể để phát triển Du lịch

Trả lời câu hỏi của đại biểu Vũ Thị Liên Hương (Quảng Ngãi) về phát triển du lịch đêm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 1129 về phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam, trong đó giao nhiệm vụ cho Bộ VHTTDL xây dựng thí điểm, ban hành một số sản phẩm du lịch đêm.

Theo đó, Bộ đã lựa chọn 12 tỉnh, thành phố để tập trung thực hiện một số sản phẩm du lịch ban đêm. Các địa phương này phát triển kinh tế, sản phẩm du lịch đêm theo mô hình phát triển các khu phố đi bộ, chợ đêm, tổ hợp giải trí... Nhờ sự nỗ lực của Bộ và các địa phương, tín hiệu bước đầu của việc phát triển sản phẩm du lịch đêm khá tích cực. Bộ trưởng cũng nêu ví dụ một số sản phẩm du lịch đêm tiêu biểu đã được các địa phương xây dựng, như “Tour đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám - tinh hoa đạo học”, “Đêm Hà Nội - điểm chạm của những xúc cảm”, “Đêm cố đô Hoa Lư - Ninh Bình” , “Quận 1 - Sắc màu đêm”... Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề mới và khó, du lịch là sản phẩm của ngành kinh tế tổng hợp, liên quan nhiều cấp, ngành. Và các địa phương cần giải bài toán quy hoạch, xác định địa điểm, khu để phát triển kinh tế đêm cũng như xây dựng cho mình sản phẩm du lịch đặc sắc mang đậm dấu ấn vùng, miền.

Về vấn đề liên kết phát triển du lịch, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh triết lý về phát triển kinh tế: Muốn đi nhanh thì đi một mình, nhưng đi xa phải đi cùng nhau. Lĩnh vực du lịch muốn phát triển cũng phải như vậy. Một sản phẩm du lịch ở địa phương này là tiêu biểu, đặc sắc, nhưng nếu chỉ khoanh vùng sẽ ít người biết đến. Nếu biết kết nối với các địa phương khác sẽ tăng cường hơn sự trải nghiệm và quảng bá được thương hiệu. Về giải pháp, Bộ trưởng cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, thành lập Ban chỉ đạo nhà nước về phát triển du lịch; các địa phương, các vùng cũng có cơ chế điều phối vùng, phối hợp rất kỹ, có họp giao ban theo định kỳ. Thủ tướng Chính phủ phân công thành viên Chính phủ đi các địa phương để lắng nghe, kịp thời chia sẻ, tháo gỡ khó khăn. Bộ trưởng cũng cho biết, trong Nghị quyết 82 về phát triển du lịch có nêu rõ mỗi địa phương phải xây dựng một sản phẩm du lịch đặc sắc, độc đáo, nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương...

“Bộ trưởng Bộ VHTTDL trả lời thẳng thắn, tâm huyết, cụ thể...“ - ảnh 5

Đối với quản lý điểm đến, Bộ trưởng thẳng thắn thừa nhận là còn nhiều điều nhức nhối. Ông cũng đồng tình với các địa phương đã xử lý nghiêm các hành vi “chặt chém” du khách, có các biểu hiện thiếu văn hóa ảnh hưởng đến khách. Về giải pháp, Bộ trưởng cho biết, công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, thanh tra về lĩnh vực du lịch, thanh tra về điểm đến sẽ được tăng cường để lập lại trật tự, kỷ cương. Lấy ví dụ Quảng Ninh lấy “Nụ cười Hạ Long” để làm thương hiệu, ông mong muốn thái độ thân thiện, cởi mở và những nụ cười nồng ấm sẽ ngày càng rạng ngời hơn nữa để Việt Nam thực sự là điểm đến hấp dẫn du khách.

 Các địa phương tập trung giải quyết bài toán hạ tầng du lịch...

Về các giải pháp phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn và là ngành kinh tế tổng hợp. Do đó cần có nhiều giải pháp phát triển lĩnh vực này. Vừa qua, Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch 6 vùng kinh tế theo nghị quyết chuyên đề của Bộ Chính trị, trong đó đều xác định các tuyến, trục, khu vực kết nối trong lĩnh vực du lịch, dựa trên kết nối giao thông là kết nối trọng yếu để phát triển các ngành dịch vụ khác. Đối với đồng bằng sông Cửu Long cũng đề cập đến các sản phẩm du lịch có lợi thế của vùng sông nước như du lịch miệt vườn, du lịch sông nước, trải nghiệm về thiên nhiên, cảnh quan và văn hóa bản địa. Những sản phẩm đó hiện nay đang được nhận diện, thu hút khách du lịch, còn nhiều điểm phát triển tốt và trở thành thương hiệu. Mỗi một vùng quê của khu vực này có một sản phẩm và quan điểm mỗi tỉnh có sản phẩm đặc sắc.

Bộ trưởng cho rằng, thời gian tới cần liên kết, kết nối tích cực hơn nữa với TP.HCM, điểm “đầu tàu” để liên kết giữa đồng bằng sông Cửu Long với miền Đông Nam Bộ; liên kết các sản phẩm du lịch thông qua kết nối tour, tuyến và xây dựng các sản phẩm du lịch mới để đáp ứng được du khách. Hy vọng với cách tiếp cận như vậy, chúng ta dần dần thúc đẩy vùng có nhiều tài nguyên về du lịch chưa được đánh thức. Bộ trưởng cũng mong muốn các địa phương tập trung giải quyết bài toán hạ tầng du lịch, trong đó có hạ tầng về lưu trú, các điểm du lịch và doanh nghiệp lớn đầu tư và tạo ra được các sản phẩm độc đáo.

Về chính sách visa, Bộ trưởng cho biết nhiều quốc gia sử dụng điều này như một lợi thế cạnh tranh về du lịch. Việt Nam cũng nhận thức được điều này và đã sửa đổi một số luật liên quan, tạo điều kiện mở cửa, thúc đẩy phát triển du lịch. “Tham khảo mô hình một số quốc gia, Bộ VHTTDL đã báo cáo Chính phủ có giải pháp tổng thể về mặt chính sách visa trong thời gian qua trên tất cả các phương diện, đồng thời đề xuất các giải pháp ưu tiên theo hướng song phương, bạn miễn cho ta ta sẽ miễn visa cho bạn”, Bộ trưởng nhấn mạnh. Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội liên quan tới điện ảnh trong việc quảng bá, xúc tiến du lịch, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, sau khi Luật Điện ảnh có hiệu lực Chính phủ đã ban hành các Nghị định, nền điện ảnh có dấu hiệu khởi sắc… “Vừa qua, Bộ đã phối hợp với các tổ chức quốc tế xây dựng bộ phim về du lịch đã tạo hiệu ứng lan tỏa, giới thiệu đến bạn bè quốc tế về vùng đất, vẻ đẹp con người Việt Nam. Năm 2023, Bộ đã tổ chức hội nghị xúc tiến du lịch qua điện ảnh cũng như tạo điều kiện để các doanh nghiệp ký kết sản xuất phim về vấn đề này. Trong thời gian tới cần tiếp tục phát huy lợi thế, vẻ đẹp tự nhiên của đất nước, đặc biệt là triển khai thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách trong Luật Điện ảnh…”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu.

Một nội dung khác cũng được nhiều đại biểu quan tâm chất vấn đó là Quỹ phát triển du lịch. Đối với vấn đề này, Bộ trưởng cho biết, theo Luật du lịch Quỹ du lịch bắt đầu xem xét cấp kinh phí từ năm 2021. Bộ trưởng thẳng thắn, thời gian qua hoạt động của quỹ này bộc lộ nhiều bất cập, trong đó có nguồn vốn điều lệ không được chi cho hoạt động xúc tiến mà chỉ cho phép gửi ngân hàng để bổ sung các hoạt động; và cũng chỉ được chi cho bộ máy, tổ chức hoạt động. Đối với các hoạt động xúc tiến du lịch được trích từ phần trăm hoạt động của du lịch thu được như phí vé tham quan, Bộ trưởng cũng thừa nhận bộ máy của quỹ hoạt động chưa thực sự hiệu quả, cần tiếp tục phát hiện. Ngoài ra Bộ trưởng cũng cho biết thêm, số ngân sách chưa chi hết, Bộ Tài chính không cho chuyển nguồn cho năm sau. “Đến thời điểm này vẫn chưa phát hiện tham nhũng, tiêu cực, tuy nhiên cách điều hành quỹ chưa hiệu quả nên phải điều chỉnh cho phù hợp…”, Bộ trưởng khẳng định.