Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng:

Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến lĩnh vực TDTT và có nhiều chính sách hỗ trợ cho các VĐV

THU SÂM; ảnh: TRẦN HUẤN

VHO - Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về giải pháp việc làm cho vận động viên sau khi giải nghệ trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội vào chiều 5.6, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết, Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến lĩnh vực này và đã có nhiều chế độ, chính sách tạo điều kiện cho các vận động viên, nhất là sau khi giải nghệ.

Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến lĩnh vực TDTT và có nhiều chính sách hỗ trợ cho các VĐV - ảnh 1
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội

Chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, đại biểu Trần Quang Minh (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình) cho biết, đa số các vận động viên đều chung nỗi lo sẽ làm công việc gì sau khi giã từ sự nghiệp thi đấu. Sau khi giải nghệ, chỉ có số ít vận động viên được chuyển sang làm công tác huấn luyện hoặc các công việc khác liên quan đến thể thao, kinh doanh.

Theo quy định tại Điều 5, Điều 7 Nghị định số 36/2019/NĐ-CP, cần bảo đảm việc học tập văn hóa, chính trị cho vận động viên, ưu đãi về học nghề và giải quyết việc làm cho vận động viên thành công. Do đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp lâu dài để đảm bảo tương lai cho vận động viên sau khi giải nghệ?

Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, thời gian qua, Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm đến vấn đề thể thao, có nhiều cơ chế, chính sách được ban hành nhằm động viên, khích lệ các VĐV thể thao thành tích cao như các chế độ ưu đãi về dinh dưỡng, ưu đãi về đào tạo, tuyển chọn... Sự quan tâm này đã thể hiện bằng những kết quả đáng phấn khởi.

Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến lĩnh vực TDTT và có nhiều chính sách hỗ trợ cho các VĐV - ảnh 2
Toàn cảnh phiên chất vấn chiều 5.6

Tuy nhiên, đúng như đại biểu chia sẻ, không phải vận động viên nào khi giã nghiệp cũng có thể được chuyển sang làm huấn luyện viên và làm các công việc khác liên quan đến chuyên môn trong quá trình tập luyện và thi đấu. Vì vậy giải pháp về lâu dài là tiếp tục đổi mới cách tiếp cận để giải quyết việc làm bằng nhiều cách khác nhau.

Bộ VHTTDL sẽ đề xuất Chính phủ phối hợp với các bộ, ngành tập trung đánh giá tổng thể hệ thống chính sách vừa qua; đề xuất Chính phủ ban hành những chính sách mới, trong đó có các chính sách hỗ trợ về nhà ở, công việc cho vận động viên thể thao thành tích cao.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm nêu câu hỏi chất vấn về việc thời gian qua, dư luận xôn xao trước các vụ việc vận động viên thành tích cao tố cáo huấn luyện viên bớt xén tiền thưởng, khẩu phần ăn. Những vụ việc trên đã làm xấu đi hình ảnh thể thao Việt Nam trong mắt công chúng và cũng thể hiện mặt trái của thể thao thành tích cao, phản ánh hiện thực chế độ đãi ngộ cho đối tượng này chưa phù hợp, cơ chế quản lý chưa hiệu quả.

Điều này kéo theo hậu quả là thể thao thành tích cao của Việt Nam không thể phát triển trong môi trường công bằng, minh bạch, không tạo được động lực cho vận động viên và huấn luyện viên. Từ đó đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp lâu dài để quản lý và đảm bảo không tái diễn tình trạng trên?

Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến lĩnh vực TDTT và có nhiều chính sách hỗ trợ cho các VĐV - ảnh 3
Đại biểu chất vấn

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, 2 vụ việc đại biểu nêu là sự nhức nhối của ngành thể thao. Với vụ việc liên quan đến việc vận động viên tố huấn luyện viên thu lại phần trăm tiền thưởng, Bộ trưởng cho biết, vụ việc này cũng liên quan đến Trung tâm HL&TĐ TDTT Hà Nội.

Sau khi phát hiện sự việc, Bộ VHTTDL đã kiên quyết xử lý trên tinh thần xử lý nghiêm theo các quy định của pháp luật, không có ngoại lệ. Bộ cũng đã tiến hành xử lý kỷ luật với các cá nhân có vi phạm và đã cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng khác để điều tra nếu thấy có dấu hiệu vi phạm. "Đây cũng là lời cảnh tỉnh trong công tác huấn luyện", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Ông cũng thẳng thắn thừa nhận việc nắm thông tin về vụ việc này còn chậm; ban đầu quỹ đội được thành lập với mục đích tốt đẹp nhằm chi cho các hoạt động thăm hỏi ốm, đau, hiếu, hỉ. Tuy nhiên sau đó việc lập quỹ đã bị lạm dụng. Về giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng cho biết, Bộ sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, không chỉ về công tác chuyên môn như trước và với cả các vấn đề tổ chức hành chính tại các đội.

Ý kiến bạn đọc