Tập trung đột phá phát triển công nghiệp văn hoá

THU SÂM; ảnh: TRẦN HUẤN

VHO - Sáng 6.6, tại Kỳ họp thứ 7, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng tiếp tục trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao vào du lịch.

Tập trung đột phá phát triển công nghiệp văn hoá  - ảnh 1

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn sáng 6.6

Trách nhiệm không phải của Bộ nhưng Bộ ráo riết vào cuộc

Trả lời chất vấn đại biểu liên quan đến giải pháp hạ giá thành vé máy bay để kích thích phát triển du lịch, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định, trách nhiệm chính thuộc về Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính, nhưng Bộ VHTTDL cũng không đứng ngoài cuộc. Bộ đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham mưu Chính phủ; tiến hành tổ chức hội thảo, lắng nghe ý kiến các hiệp hội du lịch…

Từ đó thấy rằng, trong cơ cấu giá tour, giá vé máy bay chiếm 30-40%. Qua làm việc với các bộ, ngành cho thấy, giá vé máy bay tăng vì phụ thuộc vào chi phí dịch vụ ở trạm sân bay; chi phí về giá đầu vào nhiên liệu; số máy bay phải đi bảo dưỡng, bảo hành theo định kỳ nên số lượng máy bay không nhiều, đã ảnh hưởng đến giá máy bay.

Vì thế Bộ VHTTDL đã đề xuất và đề nghị Bộ Giao thông, Bộ Tài chính kịp thời báo cáo với cấp có thẩm quyền để xem xét ban hành các chính sách hỗ trợ giảm giá, phí điều hành khai thác tại các sân bay, góp phần hạ giá tour. Đối với các hãng hàng không, Bộ cũng đã đề xuất các doanh nghiệp này cố gắng đảm bảo có máy bay, thiết kế tăng cường các chuyến bay đêm để đảm bảo nhu cầu đi lại cho Nhân dân nói chung trong đó có du khách nói riêng.

Tập trung đột phá phát triển công nghiệp văn hoá  - ảnh 2

Toàn cảnh phiên chất vấn sáng 6.6

Bộ VHTTDL cũng đề nghị các doanh nghiệp lữ hành tối ưu hóa trong chương trình tour, xây dựng điểm đến linh hoạt, có thể kết nối xây dựng gói sản phẩm kích cầu du lịch, có sự hỗ trợ lẫn nhau để hạ giá thành. 

Và những đề xuất trên đã được xem xét, chấp thuận, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo vấn đề này, theo đó từ 28.5, giá vé máy bay trên các tuyến đã bắt đầu hạ nhiệt và đã có kết quả bước đầu.

Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu làm gì để đảm bảo du lịch miền núi, Tây Nguyên nói riêng và khu vực nông thôn nói chung phát triển, Bộ trưởng Bộ VHTTDL cho biết vừa qua Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 922/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, trong đó đã giao trách nhiệm chính cho Bộ NN&PTNT. Bộ VHTTDL cũng đã phối hợp với Bộ NN&PTNT để phát triển du lịch nông thôn dựa trên tài nguyên văn hoá, tạo các điểm du lịch cộng đồng phù hợp với tập quán, đặc trưng văn hoá, khả năng điều hành cũng như tính lan toả cộng đồng...

Bộ trưởng cũng dẫn chứng những địa phương đã làm tốt việc này như: Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Kon Tum, Đắk Nông, Lâm Đồng... Những điểm du lịch tiêu biểu hấp dẫn tại các địa phương này đã thu hút được nhiều du khách với cách làm riêng, quảng bá giới thiệu được những nét văn hoá, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, ẩm thực độc đáo như trâu gác bếp, chẩm chéo....

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng cho biết, trong quá trình triển khai, Bộ VHTTDL, Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT đã nhìn ra những bất cập. Ông cũng mong muốn các địa phương trong quá trình triển khai sẽ có những tính toán linh hoạt, phù hợp để vừa phát triển được du lịch nông thôn, vừa gìn giữ được những nét văn hoá độc đáo, cảnh quan môi trường...

Tập trung đột phá phát triển công nghiệp văn hoá  - ảnh 3
Tập trung đột phá phát triển công nghiệp văn hoá  - ảnh 4

Các đại biểu dự phiên chất vấn

Đột phá phát triển các ngành công nghiệp văn hoá

Trả lời câu hỏi phát huy vai trò của công nghiệp văn hóa, Bộ trưởng cho biết, trong Chiến lược phát triển văn hoá Việt Nam đến năm 2030, đã xác định có 12 ngành công nghiệp văn hóa, trong đó Bộ VHTTDL trực tiếp chỉ đạo, quản lý nhà nước 5 nhóm ngành gồm điện ảnh; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm; quảng cáo và du lịch văn hóa.

Trong thời gian qua, Bộ đã tham mưu Chính phủ lần đầu tiên tổ chức Hội nghị phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên quy mô toàn quốc, do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chủ trì. Từ ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, các địa phương..., Hội nghị đã đề ra được nhiều giải pháp. Thủ tướng đã kết luận và đưa ra quan điểm: Tư duy phải sắc bén, hành động sắc sảo, lựa chọn tinh hoa để đột phá phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. 

Với tinh thần đó, sau Hội nghị, Bộ VHTTDL đã tham mưu Thủ tướng sớm ban hành chỉ thị, hiện đã lấy ý kiến Bộ, ngành và địa phương, với tinh thần tập trung phát triển công nghiệp văn hóa theo hướng sáng tạo, bản sắc, độc đáo, chuyên nghiệp, lành mạnh, cạnh tranh và bền vững.

Bộ trưởng khẳng định, đi theo hướng này, chắc chắn công nghiệp văn hóa sẽ có đóng góp vào GDP; hy vọng đến năm 2030, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đội ngũ văn nghệ sĩ, công nghiệp văn hóa sẽ đóng góp 7% GDP như mục tiêu Chiến lược phát triển văn hoá đã đề ra. 

Để đạt được mục tiêu này, các giải pháp cần được tiến hành đồng bộ, trong đó du lịch văn hóa được coi là một trong những sản phẩm chiếm tỉ trọng nhiều hơn. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh kinh nghiệm từ các nước phát triển mạnh về công nghiệp văn hóa  như Hàn Quốc cho thấy, muốn phát triển công nghiệp văn hóa  thì phải tập trung đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp văn hóa  và trong thời gian tới Bộ sẽ tập trung vào việc này.

Bộ trưởng cũng nêu các dẫn chứng sinh động về các địa phương đã làm tốt việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa như thủ đô Hà Nội đã thổi hồn cho các di tích, biến chúng trở thành các sản phẩm văn hoá du lịch hấp dẫn như di tích Hoả Lò, Văn Miếu Quốc Tử Giám, tháp nước Hàng Đậu...

Đối với chất vấn đại biểu liên quan đến giải pháp tháo gỡ khó khăn du lịch đường sông, đường biển, Bộ trưởng cho biết, Việt Nam có lợi thế là bờ biển đẹp, được Đảng và Nhà nước quan tâm; hiện nay chúng ta có 6 cảng dịch vụ để phục vụ cho khách du lịch.

Bình quân mỗi năm Việt Nam đón khoảng 300.000 lượt khách bằng đường biển, đem lại nguồn thu khá lớn cho ngành du lịch. Thời gian tới, sẽ tiếp tục phát huy lợi thế của cảng biển; xây dựng gói sản phẩm để khi du khách di chuyển từ tàu lên đất liền được thăm quan, khám phá, trải nghiệm. Bộ VHTTDL đang hướng dẫn các địa phương có cảng biển xây dựng các tour linh hoạt, sáng tạo.

Đồng thời, đề nghị Bộ Giao thông vận tải báo cáo với Chính phủ tiếp tục quan tâm và quy hoạch tổng thể hệ thống cảng biển để tạo điều kiện cho các tàu khách lớn, tàu du lịch lớn được cập cảng, có thêm lượng khách đến Việt Nam.

Về giải pháp đột phá để bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và ngôn ngữ, chữ viết, Bộ trưởng cho biết, các đề án đã trình và báo cáo cấp có thẩm quyền, trong đó cách tiếp cận rất quan trọng, trong đó phải nâng cao nhận thức, phải phát huy yếu tố chủ thể văn hóa, bảo vệ và giới thiệu văn hóa của mình. Trong bối cảnh giao thoa giữa các nền văn hóa, điều quan trọng nhất, là gốc chính là chủ thể văn hóa, do đó, chúng ta phải biết trân trọng, yêu quý, giữ gìn và phát huy trách nhiệm của chúng ta, góp phần nâng cao nhận thức để tôn tạo, bảo vệ, giữ gìn nó.

Ý kiến bạn đọc