Đứng về phía sự thật và tình người
VHO - Vụ lật tàu Vịnh Xanh 58 tại vịnh Hạ Long để lại nỗi đau khôn nguôi cho hàng chục gia đình. Thế nhưng, giữa tang thương ấy, nhiều video giả mạo lan tràn trên mạng xã hội không phải để sẻ chia, mà để câu tương tác.
Khi lòng trắc ẩn bị đánh tráo bởi sự háo danh, câu hỏi đặt ra là, chúng ta sẽ chọn đứng về phía nào, phía sự thật và tình người, hay phía thờ ơ và lạnh lẽo vô cảm?
Một cơn dông lốc bất ngờ cuộn trào giữa vịnh Hạ Long đã cướp đi sinh mạng của 39 con người trong tích tắc. Đó là một bi kịch không ai mong muốn. Một ngày tưởng là kỳ nghỉ đáng nhớ đã hóa thành đại tang. Một con tàu du lịch, biểu tượng của thư giãn và khám phá, trở thành nơi chia lìa sinh tử.
Trong khoảnh khắc ấy, nước mắt không chỉ rơi ở bến cảng, mà rơi trong lòng cả triệu người dân khắp cả nước, những người dõi theo từng giây cứu hộ, từng dòng tin cập nhật danh sách nạn nhân, từng hình ảnh thi thể được vớt lên từ lòng vịnh.
Và giữa không khí tang thương ấy, điều khiến nhiều người đau lòng hơn cả là một “hiện tượng” khác, một vết thương vô hình nhưng sâu sắc: Hàng loạt video giả mạo, tin đồn thất thiệt, clip được dàn dựng về vụ tai nạn bắt đầu tràn lan trên mạng xã hội. Những tiếng gào thét được cắt ghép. Những hình ảnh không phải của vụ lật tàu nhưng được chú thích như thật. Những tài khoản tự xưng “người có mặt tại hiện trường”, bình luận ly kỳ như phim, tung ra các giả thuyết vô căn cứ…
Tất cả không nhằm mục đích sẻ chia hay thông tin mà chỉ để câu kéo lượt xem, thu hút tương tác, giật lấy vài giây “nổi tiếng”. Phải nói thẳng, đó là một tội ác về đạo đức. Là cú phản đòn nhẫn tâm giáng xuống lòng trắc ẩn của cộng đồng. Là sự xúc phạm không thể tha thứ đối với nỗi đau chân thật của những người vừa mất đi người thân và của cả những người đã can trường giành giật sự sống trong lằn ranh sinh tử.
Những video giả đó không chỉ phản ánh sự xuống cấp của đạo đức cá nhân trong thời đại số, mà còn gióng lên hồi chuông cảnh báo về một văn hóa ứng xử đang có nguy cơ biến dạng. Khi giá trị một con người được quy đổi ra số lượt “like”, “view”, khi bi kịch của đồng bào trở thành nguyên liệu dựng clip để kiếm tiền hoặc thỏa mãn cơn đói nổi tiếng, thì sự thật và tình người đang bị rẻ rúng đến nhường nào?
Văn hóa, suy cho cùng, không phải là những khẩu hiệu treo trên tường, cũng không chỉ nằm trong các bản quy hoạch di sản hay các lễ hội lớn nhỏ. Văn hóa, trong cốt lõi sâu thẳm, là cách ta sống cùng nhau trong những thời khắc thử thách nhất. Là khi tai nạn ập đến, người người lao ra cứu giúp. Là khi chưa rõ danh tính nạn nhân, cả cộng đồng chắp tay nguyện cầu. Và cũng là khi ta dám lên tiếng, ngăn chặn sự lan truyền của những nội dung độc hại, sai sự thật.
Trong lúc lực lượng chức năng và người dân Quảng Ninh đang gồng mình giữa mưa gió để tìm kiếm nạn nhân, thì nhiều tài khoản mạng xã hội lại đang… dựng clip giả hiện trường. Khi chính quyền địa phương họp khẩn để tổ chức cứu trợ, thì ở đâu đó, những kẻ thiếu lương tri lại đang tính toán từng khung hình để tối ưu tương tác.
Khi truyền thông chính thống dốc sức cung cấp thông tin minh bạch và kêu gọi giữ gìn sự bình tâm, thì một bộ phận người dùng mạng lại reo hò trước “drama” họ tự tạo ra.
Câu hỏi đặt ra không phải là “vì sao có tin giả”, mà là: Chúng ta, những người dùng mạng xã hội, những người làm văn hóa, làm báo chí, làm công tác giáo dục, sẽ chọn đứng ở đâu trong khoảnh khắc quyết định này? Đứng về phía sự thật, hay về phía sự hoài nghi? Đứng về phía tình người, hay đứng về phía những con số vô hồn?
Bởi một xã hội sẽ không thể giữ được phẩm giá nếu những người tử tế im lặng trước cái sai. Và nếu chúng ta không hành động ngay từ bây giờ, thì sự tử tế vốn đã mong manh sẽ càng bị xói mòn trong cơn lốc của công nghệ và thông tin nhiễu loạn. Chúng ta cần làm nhiều hơn là lên án. Chúng ta cần phổ cập kỹ năng truyền thông số cho người dân, đặc biệt là giới trẻ.
Cần tăng cường kiểm duyệt và xử phạt nghiêm các nội dung giả mạo, độc hại trên không gian mạng. Cần những nhà báo chính trực hơn, những người có ảnh hưởng có trách nhiệm hơn và trên hết một cộng đồng mạng biết tự điều chỉnh bằng lương tri tập thể.
Đồng thời, đây cũng là lời cảnh tỉnh cho các nền tảng công nghệ. Họ không thể chỉ hưởng lợi từ nội dung người dùng tạo ra mà bỏ mặc những hậu quả xã hội mà nội dung đó gây nên. Một nền tảng văn minh cần có đạo đức nền tảng. Không thể có “nút báo cáo vi phạm” cho có lệ mà không hành động dứt khoát khi phát hiện nội dung vi phạm đạo lý.
Vụ lật tàu tại Quảng Ninh là nỗi đau giáng xuống hàng chục gia đình. Nhưng nếu chúng ta không tỉnh táo, cú đòn ấy sẽ tiếp tục giáng xuống toàn bộ xã hội, khi sự thật bị bóp méo, khi tình người bị lợi dụng, và khi lòng trắc ẩn bị bào mòn bởi những trò đùa vô cảm trên mạng.
Vì vậy, hãy chọn đứng về phía sự thật và tình người không chỉ trong lời nói, mà trong hành động, trong cách ta chia sẻ thông tin, trong cách ta phản ứng với clip giả, trong cách ta dạy con mình phân biệt điều đúng, điều sai trên môi trường mạng.
Vì đôi khi, một cú click cũng là một tuyên ngôn đạo đức. Và giữa cơn dông lốc của thế giới ảo, lựa chọn của ta chính là ngọn hải đăng giữ gìn phương hướng cho một xã hội nhân văn.