Phát huy vai trò của báo chí trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh
VHO - Ngày 24.3 tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị toạ đàm “Báo chí, truyền thông tham gia xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” nhằm làm rõ vai trò của báo chí, truyền thông trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; định hướng chiến lược phát triển nội dung truyền thông, xây dựng mô hình báo chí gắn với giáo dục văn hoá.
Hội nghị do Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Hà Nội phối hợp cùng Hội Nhà báo thành phố Hà Nội, Báo Tuổi trẻ Thủ đô, Tổng Công ty Điện lực Hà Nội tổ chức.
Đây không chỉ là diễn đàn trao đổi kinh nghiệm giữa các cơ quan báo chí, truyền thông, nhà nghiên cứu mà còn là cơ hội để báo chí và các cơ quan truyền thông đề xuất giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa trong cộng đồng, góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Đến dự Hội nghị có PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; ông Nguyễn Huy Cường, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành uỷ Hà Nội cùng 150 đại biểu là các Tổng Biên tập, Phó Tổng Biên tập, đại diện lãnh đạo các cơ quan báo chí, các đại biểu đến từ các Sở, Ban, ngành của TP Hà Nội, nhà nghiên cứu văn hoá và đông đảo các nhà báo, phóng viên…
Phát biểu khai mạc Hội nghị toạ đàm “Báo chí, truyền thông tham gia xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, ông Nguyễn Huy Cường, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành uỷ Hà Nội khẳng định, lịch sử văn hiến hơn 1000 năm Thăng Long - Hà Nội hun đúc nên giá trị cốt cách của người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Tuy nhiên, việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch bộc lộ minh chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa đi vào thực chất, bền vững, còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém.

Những hành vi ứng xử thiếu văn hóa với môi trường tự nhiên, môi trường xã hội, những biểu hiện lệch lạc trong văn hóa gia đình, văn hóa học đường, văn hóa nơi công cộng; thái độ sùng bái đồng tiền, lối sống hưởng thụ, buông thả, không chú trọng xây dựng, phát triển thế hệ tương lai.
“Do đó, để góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình số 06-CTr/TU, Chỉ thị số 30-CT/TU, sự nghiệp phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đòi hỏi phải đặc biệt chú trọng đẩy mạnh xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Đặt con người Hà Nội vào vị trí trung tâm của chiến lược phát triển Thủ đô, là chủ thể quan trọng nhất quyết định trực tiếp thành công của sự nghiệp phát triển Thủ đô nhanh, bền vững”, Phó trưởng Ban Tuyên giáo – Dân vận Thành uỷ Hà Nội nhấn mạnh.
Tại Hội nghị toạ đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận 2 nhóm vấn đề chính: Vai trò, trách nhiệm của báo chí, truyền thông và sự phối hợp trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; và Giải pháp nâng cao hiệu quả báo chí, truyền thông tham gia xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Theo ông Kiều Thanh Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Hà Nội, Hội nghị toạ đàm “Báo chí, truyền thông tham gia xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh" đã khẳng định vai trò của báo chí không chỉ là kênh phản ánh hiện thực mà còn đóng vai trò quan trọng trong định hướng, giáo dục, truyền cảm hứng và thúc đẩy sự thay đổi tích cực trong xã hội.

Thời gian qua, các cơ quan báo chí của Trung ương và Hà Nội đã thể hiện vai trò tiên phong trong việc tuyên truyền về nét đẹp văn hóa, phong cách ứng xử thanh lịch của người Hà Nội thông qua nhiều hình thức đa dạng, từ báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình đến các nền tảng mạng xã hội.
Đồng thời, nhấn mạnh và bày tỏ mong muốn nhận được sự đồng hành, trách nhiệm và tâm huyết của báo chí, tiếp tục là động lực quan trọng để lan tỏa những giá trị tốt đẹp; góp phần đưa văn hoá và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực nội sinh quan trọng quyết định sự phát triển bền vững Thủ đô.

Trong hệ giá trị người Hà Nội không thể thoát ra khỏi hệ giá trị con người Việt Nam, rộng hơn nữa là hệ giá trị quốc gia. Hệ giá trị của người Hà Nội và người hệ giá trị người Việt Nam có những điểm chung nhưng cũng có những điểm khác biệt tạo ra “chất” người Hà Nội.
Những khí chất khác biệt của người Hà Nội đó là sự tinh tế, nhẹ nhàng từ lối sống, ẩm thực, ứng xử… Tuy nhiên, trong thực tế đã có ít nhiều sự pha trộn và “chất” đó đang mất dần, mà không thể đổ lỗi cho sự di dân từ các địa phương khác.
Báo chí, truyền thông Thủ đô đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, lan tỏa các giá trị văn hóa, nâng cao nhận thức của người dân về những chuẩn mực đạo đức, nếp sống thanh lịch, văn minh.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của báo chí là tôn vinh, lan tỏa những tấm gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến - những nhân tố góp phần làm giàu thêm truyền thống nhân văn, nghĩa tình của người Hà Nội.
Vì vậy, trước hết báo chí, tryền thông cần tập trung vào tuyên truyền phổ biến những chuẩn mực văn hoá, nêu gương người tốt, ứng xử có văn hoá trong cộng đồng; phê phán, lên án hành vi thiếu văn minh.
Đồng thời, cần đẩy mạnh xây dựng các chuyên mục, chương trình, talk show nhằm quảng bá về người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Đặc biệt, khuyến khích mỗi người dân trở thành mỗi nhà báo để lan toả những hành động đẹp, hành động truyền cảm hứng của người Hà Nội.
Các cơ quan báo chí cần phát triển công nghệ, đa nền tảng, để phổ biến tốt hơn các chuẩn mực về ứng xử văn hóa, tuyên truyền hành động đẹp, đồng thời phản ánh hành vi lệch chuẩn. Lâu nay, hành vi đẹp thì lan toả yếu nhưng đưa hành vi xấu thì lan toả rất mạnh trên mạng xã hội", Nhà báo Nguyễn Anh Vũ, Tổng Biên tập báo Văn Hoá nhấn mạnh.