Đổi tên gọi Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch”

TÙNG QUANG - HÀ AN; ảnh: TRẦN HUẤN

VHO - Ngày 3.7.2025, Thứ trưởng Thường trực Bộ VHTTDL Lê Hải Bình đã ký Quyết định số 2312/QĐ-BVHTTDL đổi tên gọi Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch” được ban hành kèm theo Quyết định số 2450/QĐ- BVHTTDL ngày 5 tháng 10 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL thành Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa Việt Nam”. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Đổi tên gọi Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch” - ảnh 1
Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch” qua hai lần tổ chức đã khẳng định được uy tín, vị thế. Trong ảnh: Phó Thủ tướng Lê Thành Long và Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trao giải Nhất, Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch” lần thứ Hai, năm 2024

Vì sao đổi tên gọi?

Trước đó, ngày 12.5, tại trụ sở Bộ VHTTDL đã diễn ra cuộc họp Ban tổ chức Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch” lần thứ Ba. Chủ trì cuộc họp có Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ VHTTDL Lê Hải Bình, Trưởng ban tổ chức Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch” lần thứ Ba năm 2025; Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Phan Xuân Thủy, đồng Trưởng ban Tổ chức; Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi, đồng Trưởng ban Tổ chức.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Thường trực Bộ VHTTDL Lê Hải Bình cho biết, Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch” qua hai lần tổ chức đã khẳng định được uy tín, vị thế với sự tham gia của đông đảo các tác giả, nhóm tác giả, cơ quan báo chí.

Trong các năm 2023 và 2024, Giải thu hút hơn 1.000 tác phẩm tham gia dự thi, điều đó cho thấy sự quan tâm đặc biệt của các cơ quan báo chí đối với các lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, đóng góp vào sự phát triển chung của ngành.

Theo Thứ trưởng Thường trực Lê Hải Bình, mùa giải lần thứ Ba được tổ chức trong năm 2025 với nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, trong đó có kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.

Đồng thời, theo Nghị định 43/2025/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ,  Bộ VHTTDL có thêm chức năng quản lý nhà nước về báo chí, truyền thông, xuất bản và thông tin đối ngoại.

 “Vì vậy, Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch” lần thứ Ba cần được nâng tầm và mở rộng, phản ánh được sự đổi mới và nỗ lực của ngành Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch tăng tốc, bứt phá, cùng cả nước vững bước tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Trên cơ sở nói trên, Thứ trưởng gợi mở và đề nghị Ban Tổ chức thảo luận thêm về tên gọi Giải thưởng, làm sao ngắn gọn, súc tích, ấn tượng nhưng bao hàm được một Bộ đa ngành, đa lĩnh vực trong tình hình mới.

Theo hướng gợi mở của đồng chí Thứ trưởng Thường trực, sau các cuộc trao đổi, đối thoại, tên gọi Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa Việt Nam” đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình của các đại biểu tại cuộc họp, đáp ứng được tiêu chí “ngắn gọn, súc tích, ấn tượng nhưng bao hàm được một Bộ đa ngành, đa lĩnh vực trong tình hình mới”.

Trước đây, tên gọi của Giải khu biệt trong tên của Bộ: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Thực tế vào thời điểm đó, Bộ  3 ngành nhưng 4 lĩnh vực: Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Gia đình, nhưng có thể “sáp nhập” gia đình vào văn hóa, gọi chung là văn hóa.

Điều đó hoàn toàn chấp nhận được, bởi hai lĩnh vực có nội hàm tương đối gần nhau, quản lý gia đình dưới góc độ văn hóa (lúc đó Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế cũng quản lý nhà nước về gia đình nhưng ở các lĩnh vực khác).

Hơn nữa văn hóa là lĩnh vực rất rộng, mang tính phổ quát. Thế nhưng hiện nay Bộ VHTTDL có thêm chức năng quản lý nhà nước về báo chí, truyền thông, xuất bản và thông tin đối ngoại.

Rõ ràng tên gọi Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch” như trước đây giờ đã thiếu bao quát, không còn phù hợp. Còn nếu liệt kê đầy đủ “đa ngành, đa lĩnh vực” vào tên gọi của một Giải thì không tránh khỏi ôm đồm, dài dòng, cũng không thể.

Đổi tên gọi Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch” - ảnh 2
Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ VHTTDL Lê Hải Bình, Trưởng Ban tổ chức Giải Báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch" lần thứ Ba năm 2025 đồng chủ trì cuộc họp Ban tổ chức

Đâu là những điểm mới?

Đổi tên gọi cũng đồng nghĩa với đổi mới Giải. Thực hiện chỉ đạo của đồng chí Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng và đồng chí Thứ trưởng Thường trực Lê Hải Bình, Báo Văn Hóa, cơ quan thường trực của Giải và BTC đã dự thảo Thể lệ Giải lần thứ Ba với tinh thần đổi mới, kỳ vọng Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa Việt Nam” ngày càng chất lượng và chuyên nghiệp.

Theo đó, Giải được tuyển chọn và trao cho các tác giả hoặc nhóm tác giả, tác phẩm báo chí xuất sắc, phản ánh về người thật, việc thật, có tính phát hiện, phản ánh chính xác, kịp thời về những tập thể, cá nhân, hành động tích cực, điển hình tiên tiến, phê phán những thói hư, tật xấu trong xã hội… với một trong các nội dung trọng tâm:

Việc triển khai Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đi vào cuộc sống, Đại hội Đảng bộ các cấp hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; hiện thực hóa các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương, cấp ủy các cấp; vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Các bài viết chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước gắn với sự đổi mới, nỗ lực của ngành Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch, tăng tốc, bứt phá, cùng cả nước vững bước tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Các ngày kỷ niệm, ngày lễ lớn, các sự kiện trọng tâm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các sự kiện văn hóa, thông tin, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch nổi bật trên phạm vi cả nước.

Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách theo hướng “kiến tạo”, “khơi thông” nguồn lực phát triển VHTTDL, đặc biệt là Chương trình tổng thể phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2023-2025; Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035;

Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao và Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chiến lược phát triển Gia đình Việt Nam đến năm 2030; Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Đổi tên gọi Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch” - ảnh 3
Ủy viên BCH Trung ương Đảng Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Chung khảo Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch” lần thứ Nhất trả lời báo chí bên lề chấm Chung khảo (tháng 9.2023)

Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo.

Phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa: Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả sáng tạo các giá trị văn hóa mới.

Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh gắn liền với đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác, phi văn hóa, phản văn hóa; bảo vệ những giá trị chân - thiện - mỹ.

Nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân; xây dựng đời sống văn hóa vui tươi, lành mạnh, hạnh phúc; khắc phục sự chênh lệch về trình độ phát triển và hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, miền của đất nước.

Phát huy vai trò chủ thể sáng tạo, chủ thể thụ hưởng văn hóa là nhân dân; tôn trọng và bảo vệ sự biểu đạt đa dạng của văn hóa, của người dân, các dân tộc, các vùng, miền; phát triển các phong trào văn hóa sâu rộng, thực chất; cải thiện điều kiện, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân, bảo đảm sự công bằng. Đề cao, phát huy vai trò tiên phong của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, của những người làm công tác văn hóa.

Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; khai thác và thực thi bản quyền trên không gian mạng; Thúc đẩy phát triển và triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong việc phát triển công nghiệp văn hóa số;

Chuyển đổi số ngành Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch và các thành tựu của chuyển đổi số đồng bộ với các nội dung, nhiệm vụ về chuyển đổi số của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lich.

Công tác bảo vệ, quản lý và phát huy giá trị di sản văn hóa ở các lĩnh vực: Bảo tàng, di sản tư liệu, di tích và di sản văn hóa phi vật thể; vai trò của di sản văn hóa - nguồn lực phát triển kinh tế, xã hội. Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc Việt Nam.

Thành tích cũng như bài học để thể thao Việt Nam vươn tầm; nâng cao vai trò, nhận thức về thể dục, thể thao trong các tầng lớp nhân dân.

Những dấu ấn nổi bật của du lịch Việt Nam; nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Công tác giáo dục, xây dựng văn hóa gia đình trong thời kỳ hiện đại; giữ gìn, phát huy những giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam.

Những mô hình mới, cách làm hay, những gương tập thể, cá nhân tiêu biểu, những điển hình tiên tiến trong việc thực hiện các chủ trương, đường lối về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Cùng với việc phản ánh gương người tốt, việc tốt, các gương điển hình tiêu biểu, khuyến khích các tác phẩm dự thi nêu rõ thực trạng về cơ chế, chính sách trong lĩnh vực văn hóa, thông tin, gia đình, thể thao, du lịch và giải pháp hoàn thiện.

Chỉ ra những khó khăn, vướng mắc, bất cập, từ đó đưa ra giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác tham mưu, quản lý nhà nước và tổ chức các hoạt động phát triển sự nghiệp văn hóa, thông tin, thể thao và du lịch từ Trung ương đến địa phương.

Đặc biệt, dự thảo Thể lệ đã bổ sung thêm các nhóm nội dung liên quan đến báo chí, xuất bản, không gian mạng, văn hóa đối ngoại và thông tin điện tử thuộc lĩnh vực quản lý mới của Bộ VHTTDL.

Trong đó nhấn mạnh đến nội dung thúc đẩy và lan tỏa giá trị của sách và văn hóa đọc; tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc đối với việc nâng cao kiến thức và kỹ năng, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách và con người Việt Nam.

Truyền thông về chuyển đổi số trong thư viện nhằm hình thành mạng lưới thư viện hiện đại, nâng cao năng lực hoạt động của các thư viện, cung cấp các dịch vụ thư viện mới đáp ứng nhu cầu của người sử dụng, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập”.

Báo chí với trách nhiệm lan tỏa thông điệp về kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; chuyển đổi số báo chí; chào mừng kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (1925-2025).

Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trên không gian mạng, khơi dậy ý thức trách nhiệm, lòng tự hào dân tộc để dần loại bỏ những biểu hiện tiêu cực, ngăn chặn, đẩy lùi những hiện tượng “lệch chuẩn”, hướng con người tới chân - thiện - mỹ.

Các giải pháp giám sát, xử lý thông tin xấu độc, tuyên truyền văn hóa phẩm đồi trụy trên không gian mạng; nâng cao nhận thức, kỹ năng làm chủ thông tin và các công cụ, phương tiện kỹ thuật cho người dân khi tham gia các hoạt động văn hóa trên không gian mạng...

Bên cạnh đổi mới về nội dung, dự thảo Thể lệ cũng điều chỉnh quy định về thời gian đăng tải, nhận và chấm vòng sơ khảo, chung khảo, đặc biệt đổi mới hình thức giao nhận tác phẩm theo hướng đơn giản nhưng chặt chẽ, khoa học, tạo điều kiện thuận lợi cho các tác giả cũng như các hội đồng chấm giải, phù hợp xu thế chuyển đổi số, qua đó kỳ vọng thu hút được đông đảo các tác giả, tác phẩm, góp phần thành công mùa giải thứ Ba Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa Việt Nam”.