Tác giả Mỹ kêu gọi nhà xuất bản nói không với sách do AI viết

KHÁNH MY

VHO - Một nhóm gồm hơn 70 tác giả tên tuổi đã đồng loạt lên tiếng phản đối việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong ngành xuất bản. Trong bức thư ngỏ đăng trên trang văn học Lit Hub hôm 27.6, nhóm kêu gọi các nhà xuất bản lớn tại Mỹ cam kết “không bao giờ phát hành sách do máy móc tạo ra”.

Tác giả Mỹ kêu gọi nhà xuất bản nói không với sách do AI viết - ảnh 1
Các tác giả cảnh báo việc sử dụng AI trong viết sách có thể “xóa sổ” người viết thực sự và làm giảm giá trị văn học. Ảnh: Getty Images

Không chấp nhận “sách do máy viết”

Bức thư được gửi đến 5 "ông lớn" trong ngành xuất bản Mỹ: Penguin Random House, HarperCollins, Simon & Schuster, Hachette Book Group, Macmillan cùng nhiều nhà xuất bản khác.

Chỉ trong vòng chưa đầy 24 giờ sau khi công bố, bản kiến nghị đính kèm đã thu hút hơn 1.100 chữ ký, bao gồm nhiều tên tuổi nổi bật như Jodi Picoult, Olivie Blake và Paul Tremblay.

Các tác giả nêu rõ một loạt yêu cầu: từ việc không sử dụng nội dung có bản quyền để huấn luyện AI nếu chưa có sự đồng ý hoặc bồi thường cho tác giả, đến cam kết không thay thế nhân sự bằng công cụ tự động, đặc biệt là người kể chuyện sách nói.

“Những gì AI tạo ra có vẻ rẻ tiền, bởi vì đúng là như vậy. Nó đơn giản vì quá dễ tạo ra. AI có thể là công cụ mạnh mẽ và hữu ích, nhưng thay thế nghệ sĩ và tác phẩm nghệ thuật không phải là mục tiêu đúng đắn”, bức thư viết. 

Cho đến nay, phần lớn phản ứng từ giới sáng tác trước sự bành trướng của AI tập trung vào các vụ kiện chống lại công ty công nghệ chứ chưa nhắm trực tiếp vào các nhà xuất bản.

Những tên tuổi lớn trong làng văn học Mỹ như Ta-Nehisi Coates, Michael Chabon, Junot Díaz và Sarah Silverman đều đã tham gia các vụ kiện vi phạm bản quyền đối với những đơn vị phát triển AI lớn như Meta hay Anthropic.

Nỗi lo lan rộng trong ngành sách

Vừa qua, một số thẩm phán liên bang tại Mỹ đã ra phán quyết có lợi cho các công ty công nghệ, viện dẫn học thuyết "sử dụng hợp lý" để biện minh cho việc dùng dữ liệu có bản quyền làm nguyên liệu huấn luyện mô hình ngôn ngữ lớn, miễn là có được bản sao hợp pháp.

Trước xu hướng này, tác giả trẻ Rioghnach Robinson (bút danh Riley Redgate), một trong những người khởi xướng thư ngỏ, nhận định: “Tòa án có thể đã mở cửa cho AI, nhưng tuyến phòng thủ cuối cùng phải là các nhà xuất bản. Nếu họ không cam kết, không gì ngăn họ phát triển những dòng sách AI cạnh tranh trực tiếp với chính các tác giả của mình.”

Không chỉ lo ngại bị thay thế về nội dung, các tác giả cũng cảnh báo về những rủi ro trong khâu sản xuất, đặc biệt là sách nói. Nhiều nhà văn kiếm thêm thu nhập bằng việc tự đọc sách mình viết, nhưng việc kể chuyện và dịch thuật bằng AI đang gia tăng mạnh.

Nền tảng sách nói Audible mới đây công bố sẽ mở rộng hợp tác với các nhà xuất bản để phát triển nội dung bằng AI. CEO Bob Carrigan cho rằng đây là “cơ hội mở rộng tiếp cận sách nói trên toàn cầu”, nhưng các tác giả thì lo ngại điều ngược lại.

“AI có thể giúp mở rộng thị trường, nhưng cũng dễ dàng xóa sổ nguồn thu nhập quan trọng của hàng nghìn người kể chuyện, dịch giả, biên tập viên, những người sống nhờ vào chữ viết thật”, thư viết.

Nhà văn Robinson thừa nhận một số nhà xuất bản đã chủ động bổ sung điều khoản bảo vệ tác phẩm khỏi việc bị AI khai thác vào hợp đồng tác giả, nhưng bà cho rằng như thế là chưa đủ: “Nếu không có hành lang pháp lý nội bộ rõ ràng, AI có thể dần thay thế cả hệ thống xuất bản từ bên trong.”

Phía các nhà xuất bản chưa phản hồi đồng loạt. Simon & Schuster là đơn vị đầu tiên lên tiếng. Phát ngôn viên Susannah Lawrence cho biết: “Chúng tôi coi trọng những lo ngại này và đang tích cực bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các tác giả.”

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc