Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam yêu cầu làm rõ hành vi xâm phạm bản quyền sách giáo khoa

KHẢI HƯNG

VHO - Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết đã phát hiện nhiều website và nền tảng học tập trực tuyến có hành vi vi phạm bản quyền, đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý.

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam yêu cầu làm rõ hành vi xâm phạm bản quyền sách giáo khoa - ảnh 1
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam bị một số website, nền tảng học tập trực tuyến vi phạm bản quyền

Ngày 19.03.2025, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thông báo rằng một số nền tảng học tập trực tuyến, bao gồm Easyclass (thuộc Công ty TNHH Công nghệ Giáo dục Easy Class) và một số đơn vị khác, đã đăng tải trái phép các tệp âm thanh (audio) từ sách giáo khoa.

Ngoài ra, các đơn vị này còn tạo ra học liệu điện tử dựa trên cấu trúc, chủ đề, ngữ liệu và ý tưởng biên soạn của hai bộ sách giáo khoa "Kết nối tri thức với cuộc sống" và "Chân trời sáng tạo", cũng như sách Tiếng Anh do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành. Hành vi này không chỉ vi phạm bản quyền mà còn thu phí sử dụng từ người học.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung vào các năm 2009. 2019. 2022), bất kỳ tác phẩm phái sinh nào được tạo ra từ một tác phẩm gốc đều phải có sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả. Đồng thời, bên sử dụng phải trả tiền bản quyền và các quyền lợi vật chất khác (nếu có).

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam yêu cầu làm rõ hành vi xâm phạm bản quyền sách giáo khoa - ảnh 2
Công ty TNHH Công nghệ Giáo dục Easy Class sản xuất, kinh doanh các học liệu điện tử dựa trên sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam

Lãnh đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam khẳng định rằng Công ty TNHH Công nghệ Giáo dục Easy Class cùng một số tổ chức khác đã vi phạm nghiêm trọng luật sở hữu trí tuệ khi sử dụng nội dung từ sách giáo khoa để kinh doanh mà không có sự đồng ý của nhà xuất bản. 

Hành vi này không chỉ xâm phạm quyền lợi của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và các tác giả, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến giáo viên và học sinh khi sử dụng các nền tảng học tập trực tuyến không chính thống.

Trước tình trạng này, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã gửi kiến nghị lên các cơ quan chức năng, đề nghị làm rõ hành vi vi phạm và có biện pháp xử lý phù hợp nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà xuất bản, giáo viên và học sinh trên cả nước.