Xuyên tạc sách giáo khoa lịch sử trên mạng xã hội: Mối nguy hại cần xử lý

KHẢI HƯNG

VHO - Những thông tin sai lệch về lịch sử, được lan truyền trên mạng xã hội dưới danh nghĩa trích dẫn từ sách giáo khoa, không chỉ gây hoang mang dư luận mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của các nhà xuất bản.

Xuyên tạc sách giáo khoa lịch sử trên mạng xã hội: Mối nguy hại cần xử lý - ảnh 1
Nội dung sai lệch được đăng tải trên "Diễn đàn Lịch sử Việt Nam LSVN".

Gần đây, trên một nhóm Facebook có tên "Diễn đàn Lịch sử Việt Nam LSVN", một bài đăng đã xuất hiện kèm theo hình ảnh trang sách bị chỉnh sửa với nội dung sai lệch. Cụ thể, bài đăng này trích dẫn:

"Sau khi tiêu diệt căn cứ phòng thủ Xuân Lộc và Phan Rang, 5 giờ chiều ngày 26-4, năm cánh quân cùng lúc tiến vào trung tâm thành phố, đánh chiếm các cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn. 11 giờ 30 phút cùng ngày, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, báo hiệu sự toàn thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử."

Tuy nhiên, theo xác minh nội dung trên đã bị cắt ghép, chỉnh sửa so với nguyên bản trong sách giáo khoa Lịch sử lớp 12, thuộc bộ Kết nối tri thức với cuộc sống của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN).

Trong sách giáo khoa chính thức, trang 51 có đoạn viết chính xác như sau: "Sau khi tiêu diệt căn cứ phòng thủ Phan Rang và Xuân Lộc, 5 giờ chiều ngày 26-4, năm cánh quân cùng lúc tiến vào trung tâm thành phố, đánh chiếm các cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn. 11 giờ 30 phút ngày 30-4, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, báo hiệu sự toàn thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử."

Sự khác biệt nằm ở chi tiết về thời điểm lá cờ tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Nội dung sai lệch khiến người đọc hiểu nhầm rằng sự kiện này diễn ra vào ngày 26-4, thay vì ngày 30-4-1975, ảnh hưởng đến tính chính xác của lịch sử.

Xuyên tạc sách giáo khoa lịch sử trên mạng xã hội: Mối nguy hại cần xử lý - ảnh 2
Sách giáo khoa Lịch sử 12, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống của NXBGDVN.

Nhà xuất bản lên tiếng về thông tin sai lệch

Trước sự việc trên, PGS.TS. Nguyễn Văn Tùng, Thành viên Hội đồng Thành viên, Phó Tổng Biên tập NXBGDVN khẳng định rằng:

"Nội dung xuyên tạc này hoàn toàn không có trong bất kỳ cuốn sách giáo khoa nào của NXBGDVN. Việc cố tình chỉnh sửa, cắt ghép thông tin để lan truyền trên mạng xã hội là hành động gây tổn hại đến uy tín của Nhà xuất bản, đồng thời tạo ra dư luận tiêu cực trong xã hội."

NXBGDVN cũng khuyến cáo phụ huynh, học sinh và người dân cần thận trọng với các thông tin chưa được kiểm chứng trên mạng xã hội, tránh tiếp nhận hoặc chia sẻ những nội dung sai sự thật.

Hiện tại, NXBGDVN đang xem xét đề nghị các cơ quan chức năng điều tra nguồn gốc thông tin bị xuyên tạc, đồng thời xác minh trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên quan đến việc đăng tải nội dung sai lệch này.

Trước đó, vào cuối năm 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo từng đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ một vụ việc tương tự, khi mạng xã hội lan truyền thông tin sai lệch về bài thơ "Giã gạo thổi cơm", dù thực tế nội dung này không hề có trong sách giáo khoa.

Những vụ việc này cho thấy nguy cơ xuyên tạc nội dung sách giáo khoa, đặc biệt là lịch sử, đang ngày càng gia tăng trên mạng xã hội. Vì vậy, cộng đồng cần nâng cao ý thức kiểm chứng thông tin, tránh để những nội dung sai sự thật gây hiểu lầm và tác động tiêu cực đến nhận thức lịch sử.