Hiến pháp sửa đổi năm 2025:

Nền tảng pháp lý vững chắc cho sự phát triển bền vững của đất nước

QUANG ANH; ảnh: NXB

VHO - Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thuật vừa H. Đây là tài liệu thiết yếu cho mọi cá nhân, tổ chức quan tâm đến công cuộc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền ở nước ta.

Nền tảng pháp lý vững chắc cho sự phát triển bền vững của đất nước - ảnh 1
Đây là ấn phẩm chính thống hợp nhất toàn bộ nội dung gốc của Hiến pháp 2013 và phần sửa đổi, bổ sung bởi Nghị quyết số 203/2025/QH15.

Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là văn kiện pháp lý có giá trị cao nhất, phản ánh ý chí, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, đồng thời là nền tảng chính trị, pháp lý cho sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước.

Sau hơn một thập kỷ thi hành Hiến pháp năm 2013, trước yêu cầu đổi mới mô hình quản trị quốc gia, sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, Quốc hội đã tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung một số điều quan trọng của bản Hiến pháp này.

Ngày 16.6.2025, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 203/2025/QH15, sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Đây là kết quả của quá trình nghiên cứu công phu, đánh giá thực tiễn khách quan, tiếp thu ý kiến từ các cơ quan, tổ chức, chuyên gia và đông đảo nhân dân.

Những nội dung sửa đổi không chỉ mang tính kỹ thuật lập pháp, mà còn thể hiện tầm nhìn chiến lược trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện đại, dân chủ và phát triển.

Một trong những nội dung quan trọng được sửa đổi lần này là việc làm rõ vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với tư cách là trung tâm của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Cùng với đó, Hiến pháp cũng ghi nhận rõ nét hơn vị trí, vai trò của Công đoàn Việt Nam, tổ chức đại diện cho người lao động trong thời kỳ phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Một điểm mới có tính đột phá nữa là việc mở rộng quyền trình dự án luật, pháp lệnh cho các tổ chức chính trị - xã hội phù hợp với vị trí và năng lực.

Điều này thể hiện tư duy pháp quyền hiện đại, phát huy dân chủ, khuyến khích các tổ chức đại diện của nhân dân chủ động tham gia xây dựng pháp luật, góp phần tạo nên hệ thống pháp luật minh bạch, gần dân, sát thực tiễn.

Đặc biệt, điểm nhấn có tính đột phá trong lần sửa đổi năm 2025 là việc tổ chức lại chính quyền địa phương theo mô hình hai cấp: cấp tỉnh và cấp xã, chính thức kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện từ ngày 01.7.2025.

Quy định này mở ra giai đoạn cải cách sâu sắc về tổ chức bộ máy nhà nước, giảm tầng nấc trung gian, tăng cường tính tự chủ và khả năng điều hành của chính quyền địa phương.

Đây được xem là bước đi có tính cách mạng, phản ánh rõ tư duy đổi mới trong quản trị nhà nước, đồng thời hiện thực hóa chủ trương “tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả” của hệ thống chính trị.

Cuốn sách Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 (sửa đổi, bổ sung năm 2025), do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành, là ấn phẩm chính thống hợp nhất toàn bộ nội dung gốc của Hiến pháp 2013 và phần sửa đổi, bổ sung bởi Nghị quyết số 203/2025/QH15.

Với kết cấu chặt chẽ, trình bày khoa học, cuốn sách tạo điều kiện thuận lợi để nghiên cứu một cách hệ thống về các nguyên lý lập hiến, cơ chế tổ chức quyền lực nhà nước, nguyên tắc phân quyền phối hợp, kiểm soát quyền lực giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Đây không chỉ là tài liệu quan trọng với các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, sinh viên ngành luật - hành chính, mà còn là tài liệu phổ biến pháp luật thiết thực đối với toàn thể nhân dân.

Song song với đó, để cụ thể hóa các nguyên tắc hiến định trong lĩnh vực quản lý hành chính, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật cũng phát hành cuốn Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025.

Luật này điều chỉnh toàn diện cơ cấu tổ chức, cơ chế hoạt động và thẩm quyền của chính quyền các cấp, bảo đảm tính thống nhất với mô hình hai cấp mới.

Nền tảng pháp lý vững chắc cho sự phát triển bền vững của đất nước - ảnh 2
Luật này điều chỉnh toàn diện cơ cấu tổ chức, cơ chế hoạt động và thẩm quyền của chính quyền các cấp

Đặc biệt, Luật làm rõ vai trò của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân trong việc đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, tăng cường tính tự chủ và tinh thần phục vụ trong hoạt động quản lý địa phương.

Hiến pháp và các luật tổ chức bộ máy không chỉ là những văn bản khô cứng về quy định, mà chính là “bộ khung” vận hành đất nước, nơi pháp luật thể hiện rõ tư tưởng, đường lối của Đảng, phản ánh thực tiễn phát triển và đáp ứng kỳ vọng của nhân dân.

Việc nắm chắc nội dung Hiến pháp và Luật tổ chức chính quyền địa phương sẽ góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiểu biết pháp lý trong xã hội, tăng cường kỷ cương, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa vững mạnh, phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.