Lý luận và thực tiễn giáo dục tại Việt Nam qua cuốn sách “Chính sách phát triển giáo dục”
VHO - Cuốn Chính sách phát triển giáo dục của tác giả Lê Khánh Tuấn là một công trình chuyên khảo quan trọng, cung cấp cái nhìn sâu sắc về quá trình xây dựng, thực hiện và đánh giá chính sách giáo dục tại Việt Nam. Với cách tiếp cận khoa học, sát thực tiễn, cuốn sách không chỉ là tài liệu hữu ích cho các nhà nghiên cứu, giảng viên, mà còn là nguồn tài liệu quan trọng cho những người làm công tác quản lý và hoạch định chính sách giáo dục trong bối cảnh đổi mới toàn diện hiện nay.

Trong bối cảnh giáo dục Việt Nam đang bước vào giai đoạn đổi mới toàn diện, yêu cầu đặt ra đối với công tác hoạch định và thực thi chính sách phát triển giáo dục ngày càng trở nên cấp thiết.
Cuốn Chính sách phát triển giáo dục (sách chuyên khảo) của tác giả Lê Khánh Tuấn, do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ấn hành, là một công trình có giá trị lý luận và thực tiễn, góp phần làm rõ quy trình xây dựng, tổ chức thực hiện và đánh giá các chính sách giáo dục tại Việt Nam trên nền tảng khoa học hiện đại.
Với cách tiếp cận hệ thống, chặt chẽ và cập nhật, cuốn sách được biên soạn nhằm phục vụ cho công tác giảng dạy, nghiên cứu, cũng như hỗ trợ đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý, hoạch định chính sách và các bên liên quan trong quá trình cải cách giáo dục.
Chương 1 trình bày những vấn đề chung về chính sách, tập trung làm rõ bản chất, vai trò và phân loại các chính sách công.
Đặc biệt, tác giả nhấn mạnh chu trình chính sách – từ khâu nhận diện vấn đề, xây dựng nội dung, tổ chức thực hiện đến giám sát và đánh giá hiệu quả.
Điểm đáng chú ý là việc giới thiệu phương pháp đánh giá tác động điều chỉnh chính sách (Regulatory Impact Assessment - RIA), vốn đang được áp dụng rộng rãi tại các quốc gia như Anh, Mỹ, Canada, từ đó gợi mở khả năng vận dụng vào điều kiện Việt Nam.
Chương 2 đưa lý luận vào thực tiễn với những phân tích sâu sắc về chính sách giáo dục Việt Nam hiện hành.
Trên cơ sở khảo sát thực tế, tác giả khái quát những đặc điểm đặc thù của nền giáo dục nước ta, từ đó đề xuất những khung chính sách khả thi.
Cách tiếp cận này không chỉ giúp người đọc hiểu rõ thực trạng mà còn thúc đẩy tư duy phản biện và sáng tạo trong việc đề xuất giải pháp.
Chương 3, được xem là điểm nhấn của cuốn sách, tập trung trình bày các kinh nghiệm quốc tế tiêu biểu như Malaysia, Singapore, Nhật Bản, Mỹ...
Đồng thời, chương này khái quát tiến trình hình thành và phát triển chính sách giáo dục Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử, từ thời phong kiến đến thời kỳ hội nhập hiện nay.
Trên nền tảng những bài học quốc tế và kinh nghiệm trong nước, tác giả đưa ra các quan điểm phát triển giáo dục Việt Nam gắn với tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2021–2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Cùng với đó là những đề xuất thiết thực nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục trong thời gian tới.
Không chỉ dừng lại ở lý thuyết, Chính sách phát triển giáo dục còn cho thấy một tinh thần thực hành cao, tiếp cận đa chiều và đề xuất khung chính sách cụ thể, khả thi.
Cuốn sách là tài liệu tham khảo bổ ích đối với đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, nhà nghiên cứu, giảng viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh, cũng như những ai quan tâm đến sự nghiệp phát triển giáo dục nước nhà.
Bạn đọc quan tâm có thể tìm hiểu và đặt mua ấn phẩm tại:
Công ty Cổ phần Dịch vụ Xuất bản Giáo dục Đà Nẵng
Điện thoại: (0236) 3.632.668