Thắp sáng tri thức từ những trang sách

NGUYỄN LINH

VHO - Sáu tháng đầu năm 2025, trong khi nhiều thiết chế văn hóa cơ sở còn gặp khó khăn về nguồn lực và không gian hoạt động, thì Thư viện tỉnh Thanh Hóa vẫn đều đặn mở rộng không gian đọc, đưa sách về vùng sâu vùng xa, tổ chức hàng loạt sự kiện văn hóa, tri thức ý nghĩa.

Ở nơi ấy, những người “giữ lửa” vẫn lặng lẽ cống hiến, miệt mài vun đắp cho tình yêu sách nảy nở từ những mái trường, trại giam đến từng xã, phường.

Những người âm thầm gieo chữ

Sáng sớm một ngày hè, khuôn viên Thư viện tỉnh Thanh Hóa đã tấp nập người ra vào. Giữa dòng người ấy có cả cụ ông tóc bạc đến mượn sách báo hằng ngày, có nhóm học sinh cấp hai ríu rít tìm truyện tranh, có những sinh viên đang dò từng mã mục lục sách chuyên khảo. Không ồn ào, không vội vã, nhịp điệu ở đây mang hơi thở của tri thức, đều đặn và sâu lắng.

Thắp sáng tri thức từ những trang sách - ảnh 1
Chương trình “Hè vui 2025 – Lan tỏa tình yêu sách” do Thư viện tỉnh Thanh Hóa tổ chức, thu hút đông đảo thiếu nhi tham gia với nhiều hoạt động hấp dẫn, bổ ích. Ảnh: Thư viện tỉnh Thanh Hóa

Ít ai biết rằng, phía sau không gian yên bình ấy là một bộ máy hoạt động không ngơi nghỉ. Sáu tháng đầu năm 2025, dù phải đối mặt với không ít khó khăn về cơ sở vật chất và kinh phí, nhưng Thư viện tỉnh vẫn hoàn thành xuất sắc nhiều nhiệm vụ: tổ chức 8 cuộc triển lãm sách lớn, duy trì gần 700.000 lượt sách báo phục vụ bạn đọc, tổ chức thành công Ngày hội đọc sách, Hội báo xuân, triển khai Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc trên quy mô toàn tỉnh…

“Chúng tôi không chỉ phục vụ bạn đọc tại chỗ mà còn đi tới tận nơi trường học, xã nghèo, thậm chí cả trại giam để đưa sách đến tay người cần đọc,” anh Hà Văn Hường, Trưởng phòng Xây dung phong trào - Thư viện tỉnh Thanh Hoá chia sẻ. Sáu tháng qua, những chuyến xe thư viện đã đến với 38 điểm trường, luân chuyển sách cho 33 đơn vị cơ sở.

Đó không chỉ là hành trình vận chuyển sách, mà còn là hành trình mang ánh sáng tri thức, thắp lên khát vọng đổi đời trong mỗi bạn nhỏ vùng sâu vùng xa.

Với hơn 17.300 bản sách được bổ sung, trong đó có hơn 6.000 bản sách theo kế hoạch, hàng nghìn bản sách luân chuyển đến các trại giam, xã phường, trường học, những cán bộ thư viện không chỉ làm công việc “cho mượn sách” đơn thuần.

Họ đang gìn giữ và lan tỏa những giá trị bền vững của văn hóa đọc, điều mà nhiều thiết chế văn hóa khác đang dần đánh mất trong nhịp sống hiện đại.

Những con số như 319.000 lượt bạn đọc, 134% kế hoạch sách báo luân chuyển, hay 42 đề tài nghiên cứu khoa học được phục vụ… không phải là những thống kê khô khan.

Đằng sau đó là biết bao câu chuyện cảm động: những cụ già lần đầu làm thẻ thư viện, những học sinh háo hức nhận thẻ bạn đọc miễn phí trong ngày hội đọc sách, những phạm nhân xúc động viết bài cảm nhận sách gửi về cuộc thi...

Không gian vật chất chật hẹp, không có khu trưng bày chuyên dụng khiến nhiều hoạt động phải dồn ghép, xoay xở. Kinh phí hạn hẹp khiến kế hoạch số hóa tài liệu gặp trở ngại.

Nhưng chưa khi nào tinh thần sáng tạo và nỗ lực của những người làm thư viện bị bóp nghẹt. Họ tìm đến xã hội hóa, vận động tài trợ, gọi vốn từ cộng đồng để bổ sung thêm hơn 3.200 đầu sách, bằng chính lòng tin vào sứ mệnh giáo dục bền bỉ mà họ theo đuổi.

Lan tỏa tình yêu sách – từ trại giam đến giảng đường

Không dừng lại ở việc phục vụ bạn đọc cá nhân, Thư viện tỉnh còn tích cực tham mưu, tổ chức hàng loạt hoạt động lớn có ý nghĩa lan tỏa sâu rộng. Từ lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc 2025, đến phối hợp tổ chức Hội thơ Rằm tháng Giêng, Hội báo xuân và Lễ hội Thư pháp, mỗi sự kiện là một lát cắt sinh động trong bức tranh văn hóa của tỉnh.

Đặc biệt, việc tổ chức cuộc thi “Cảm nhận sách” tại các trại giam, hay luân chuyển sách đến hàng chục thư viện xã, phường, trường học đã tạo ra những chuyển biến thầm lặng nhưng mạnh mẽ.

Thắp sáng tri thức từ những trang sách - ảnh 2
Các em học sinh chăm chú đọc sách tại một buổi phục vụ lưu động của Thư viện tỉnh Thanh Hóa, hoạt động góp phần đưa văn hóa đọc lan tỏa sâu rộng đến vùng nông thôn, miền núi. (Ảnh: Thư viện tỉnh Thanh Hóa)

Không chỉ là hoạt động phục vụ đơn thuần, mà còn góp phần cải tạo nhận thức, hun đúc nhân cách, mở ra hy vọng mới cho những người từng vấp ngã.

Cũng trong 6 tháng đầu năm, Thư viện tỉnh Thanh Hóa là đơn vị duy nhất trong khu vực Bắc Trung Bộ đoạt giải Nhì tại Liên hoan Cán bộ thư viện toàn quốc tuyên truyền phát triển văn hóa đọc tại Đắk Lắk. Đây là phần thưởng xứng đáng cho cả một tập thể tận tâm, bền bỉ, không ngừng đổi mới từ chuyên môn đến cách tổ chức hoạt động.

“Chúng tôi xác định rõ, thư viện không chỉ là nơi lưu giữ sách, mà là không gian sáng tạo, tương tác, gắn kết cộng đồng,” chị Phạm Thị Lan, cán bộ công tác hướng dẫn nghiệp vụ cho biết.

Chính vì thế, thư viện đã tổ chức các lớp tập huấn chuyển đổi số cho cán bộ cơ sở xã, phường; đồng thời duy trì dự án truy cập Internet công cộng nhằm hỗ trợ bạn đọc tiếp cận thông tin hiện đại.

Đáng chú ý, thư viện cũng đang thực hiện biên soạn thư mục chuyên đề, dịch thuật, sưu tầm tài liệu quý hiếm, bảo quản tài liệu cổ, những công việc âm thầm mà chỉ người yêu nghề mới kiên nhẫn theo đuổi.

Tính đến hết tháng 5, đã sưu tầm được 105 bản địa chí, biên soạn 36 số thư mục “Thanh Hóa qua báo chí Trung ương”, đồng thời thực hiện bộ sưu tập “Những tư liệu về Hàm Rồng và chiến thắng Hàm Rồng”.

Song song đó, công tác tổ chức cán bộ, thi đua, khen thưởng, đào tạo chuyên môn, tài chính, tài sản, công đoàn… đều được thực hiện đồng bộ, kịp thời.

Nhờ sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Sở VHTTDL, Thư viện tỉnh Thanh Hóa đã từng bước khắc phục khó khăn, phát huy quyền làm chủ, chủ động đề xuất và triển khai nhiều hoạt động hiệu quả.

Dù chưa có đề án, dự án cấp tỉnh giao thực hiện trong 6 tháng đầu năm, nhưng Thư viện tỉnh đã xây dựng một nền tảng hoạt động vững chắc, hướng tới hiện đại hóa hoạt động thư viện và phát triển văn hóa đọc bền vững.

Thắp sáng tri thức từ những trang sách - ảnh 3
Không gian đọc sách sinh động, thân thiện dành cho thiếu nhi tại Thư viện tỉnh Thanh Hóa, nơi vun đắp niềm yêu thích sách và thói quen đọc cho thế hệ mầm non. Ảnh: Thư viện tỉnh Thanh Hóa

Những hạn chế về không gian trưng bày, tài chính cho số hóa tài liệu… là những bài toán mà đơn vị đang từng bước tìm lời giải bằng cách đẩy mạnh xã hội hóa, truyền thông, kết nối các cấp các ngành.

Trong 6 tháng cuối năm 2025, Thư viện tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục là nhịp cầu nối giữa sách và người đọc bằng chuỗi hoạt động giàu ý nghĩa. Giám đốc Lê Thiện Dương cho biết, đơn vị sẽ tổ chức các triển lãm sách chào mừng những sự kiện trọng đại của đất nước như Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27.7), Cách mạng tháng Tám (19.8), Quốc khánh 2.9, Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22.12).

Cùng với đó là lễ tổng kết Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc, Hội nghị bạn đọc thiếu nhi, cuộc thi “Cảm nhận sách” tại các trại giam, những sân chơi tri thức đã trở thành điểm hẹn quen thuộc của tình yêu sách và hành trình tự học suốt đời.

Đặc biệt, những chuyến xe thư viện lưu động sẽ tiếp tục lăn bánh đến khắp các trường học vùng sâu, vùng xa; hàng vạn cuốn sách báo vẫn đều đặn được luân chuyển về thư viện xã, phường, thị trấn, nơi những đứa trẻ chưa từng bước chân vào thư viện vẫn có thể cảm nhận hơi thở của tri thức.

Công tác biên soạn thư mục, số hóa tài liệu quý, phục chế vốn tư liệu cổ và ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý thư viện cũng đang được quan tâm thúc đẩy, hướng tới một hệ thống thư viện hiện đại, thân thiện và bền vững.

Bởi khi một trang sách được mở ra, cũng là lúc một cánh cửa tri thức rộng mở. Những người làm công tác thư viện tỉnh Thanh Hóa không chỉ phục vụ nhiệm vụ chính trị - xã hội của địa phương, mà còn đang kiên trì gieo mầm cho một thế hệ công dân văn hóa, biết đọc, biết nghĩ, biết yêu thương và biết sẻ chia.

Sách không thay đổi thế giới trong một sớm một chiều. Nhưng một cuốn sách có thể thay đổi số phận của một con người, làm bừng sáng tương lai của một vùng đất. Và những người “giữ lửa” âm thầm nơi thư viện với sự bền bỉ, nhẫn nại và lặng lẽ vẫn đang lặng lẽ làm nên điều đó, mỗi ngày.