Đắk Lắk:

Khai mạc Ngày hội Sách và Văn hóa đọc lần thứ 4 năm 2025

HƯƠNG TRÀ

VHO - Sáng 17.4, tại Thư viện tỉnh, Sở VHTTDL Đắk Lắk đã tổ chức lễ khai mạc Ngày hội Sách và Văn hóa đọc lần thứ 4 năm 2025 với chủ đề: “Cùng sách bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.

Ngày hội Sách và Văn hóa đọc tỉnh Đắk Lắk năm nay diễn ra từ ngày 17 – 20.4 với nhiều hoạt động phong phú, lan tỏa tinh thần yêu sách, khơi dậy khát vọng học tập, rèn luyện trong cộng đồng.

Với sự chuẩn bị công phu và đồng hành của nhiều đơn vị, sự kiện không chỉ là dịp tôn vinh giá trị của sách mà còn là sân chơi văn hóa, giáo dục ý nghĩa cho người dân các lứa tuổi trên địa bàn.

Tại Lễ khai mạc, đông đảo cán bộ, học sinh, sinh viên, người dân địa phương đã tham gia vào các không gian trưng bày sách theo chủ đề, cùng nhiều gian hàng giới thiệu, bán sách, tranh ảnh, sản phẩm STEM và thiết bị học tập.

Đặc biệt, xe ô tô thư viện lưu động đã thu hút đông đảo học sinh tham gia trải nghiệm đọc sách, chơi trò chơi trí tuệ và tham gia các hoạt động hướng nghiệp, giáo dục kỹ năng sống gắn với sách.

Phát biểu tại buổi lễ, Giám đốc Sở VHTTDL Đắk Lắk Trần Hồng Tiến nhấn mạnh, Ngày hội không chỉ là dịp khẳng định tầm quan trọng của sách trong việc bồi dưỡng tri thức, kỹ năng, phát triển tư duy và nhân cách cho con người, mà còn góp phần nuôi dưỡng tinh thần dân tộc, tiếp sức cho thế hệ trẻ vươn lên trong thời đại mới.

Khai mạc Ngày hội Sách và Văn hóa đọc lần thứ 4 năm 2025 - ảnh 1
Giám đốc Sở VHTTDL Đắk Lắk Trần Hồng Tiến phát biểu tại Lễ khai mạc

Một trong những điểm nhấn đặc biệt tại Ngày hội năm nay là hoạt động trao tặng tủ sách cho các trường học và tài trợ sách nói cho địa phương. Theo đó, 9 tủ sách đã được trao tặng đến 9 trường học trên địa bàn tỉnh, mở rộng cơ hội tiếp cận sách cho học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Hoạt động này không chỉ tiếp sức kịp thời cho công tác giáo dục mà còn góp phần thu hẹp khoảng cách tri thức giữa các vùng miền.

Cùng với đó, Công ty Cổ phần BOOKAS đã tài trợ 1.000 bản sách nói cho Sở VHTTDL, giúp phát triển thư viện số, đặc biệt hỗ trợ người khiếm thị và những đối tượng khó tiếp cận sách in truyền thống.

Đây là bước đi tiên phong trong việc hiện đại hóa thư viện và đưa công nghệ vào việc lan tỏa tri thức đến mọi người.

Ngoài ra, đã có 20 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia đồng hành, tài trợ cho Ngày hội, với tổng kinh phí hỗ trợ lên tới 129 triệu đồng.

Sự đóng góp này không chỉ thể hiện tinh thần trách nhiệm cộng đồng, mà còn là minh chứng cho sự chung tay của toàn xã hội trong việc phát triển văn hóa đọc.

Nhiều hoạt động sân khấu hóa cũng được tổ chức trong khuôn khổ Ngày hội như: thi kể chuyện theo sách, vẽ tranh theo nội dung truyện, trình diễn trang phục dân tộc, đố vui kiến thức… góp phần làm phong phú thêm không khí lễ hội và tạo ra sân chơi bổ ích, hấp dẫn cho thanh thiếu niên, học sinh.

Khai mạc Ngày hội Sách và Văn hóa đọc lần thứ 4 năm 2025 - ảnh 2
Các đại biểu cắt băng khai mạc khai mạc Ngày hội Sách và Văn hóa đọc lần thứ 4 năm 2025

Việc tổ chức các hoạt động gắn với mục tiêu phát triển bền vững, thúc đẩy bình đẳng trong tiếp cận tri thức, chú trọng đến đối tượng yếu thế, người dân ở vùng sâu, vùng xa… đã thể hiện tầm nhìn sâu rộng của tỉnh trong việc đưa sách đến gần hơn với người dân.

Theo đại diện Ban tổ chức, sau Ngày hội, nhiều hoạt động sẽ được tiếp tục duy trì như tổ chức thư viện lưu động định kỳ về các huyện xa, phát động phong trào đọc sách tại trường học, và xây dựng hệ thống tủ sách cộng đồng tại các thôn, buôn.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc