Đà Nẵng phát triển văn hóa đọc

NGỌC HÀ

VHO - Hiện nay, văn hóa đọc tại Đà Nẵng đang phát triển mạnh mẽ, điều đó được ghi nhận thông qua những cuộc thi viết, phong trào phát động đọc sách, và nhiều điểm đọc mới mẻ, hấp dẫn được duy trì, mở mới nhằm thu hút độc giả mọi tầng lớp.

Nhiều hoạt động gắn kết người dân với sách in

Hưởng ứng “Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam 2025”, các quận huyện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã liên tiếp tổ chức các chương trình chào mừng, khích lệ phong trào đọc sách trong cộng đồng.

Từ ngày 19 - 27.4, quận Hải Châu tổ chức “Cuộc thi Xếp sách và Sân khấu hóa các tác phẩm văn học trong nhà trường” tại công viên APEC. Chương trình thu hút đông đảo của các thí sinh, đến từ các trường THCS, Tiểu học trên địa bàn quận Hải Châu.

Các em đã tham gia phần thi “Sân khấu hóa các tác phẩm văn học” qua việc lựa chọn và thể hiện những tác phẩm văn học nổi tiếng.

Đà Nẵng phát triển văn hóa đọc - ảnh 1
Đà Nẵng tổ chức "Ngày Sách và Văn hóa đọc Đà Nẵng năm 2025" tại công viên APEC
 

Việc tham gia Sân khấu hóa các tác phẩm văn học không chỉ là hoạt động học tập sôi nổi mà còn là cơ hội để các em học sinh thể hiện tài năng diễn xuất, trí tưởng tượng phong phú, khả năng làm việc nhóm, sự tự tin trước đám đông.

Bên cạnh đó, phần thi “Xếp sách” dành cho khối THCS có 11 đội thi tham gia là dịp để các em thể hiện nhiều ý tưởng phong phú, sáng tạo, sự đa dạng, khéo léo trong cách trang trí, thể hiện, tạo hình.

Trước đó, quận Sơn Trà tổ chức Hội sách Sơn Trà năm 2025 với chủ đề “Sách - Cánh cửa tri thức”.

Đà Nẵng phát triển văn hóa đọc - ảnh 2
Một trong những tiết mục của phần thi "Sân khấu hóa tác phẩm văn học" do quận Hải Châu tổ chức

Theo đó có 20 gian hàng tiêu chuẩn cùng nhiều đầu sách, bản sách mới được ra mắt và các loại trang thiết bị học cụ, văn phòng phẩm đa dạng, phong phú.

Đến với Hội sách Sơn Trà năm 2025, ngoài việc mua bán, trao đổi sách, độc giả còn có cơ hội được tham gia nhiều hoạt động phong phú như trải nghiệm xe thư viện lưu động đa phương tiện, các trò chơi rèn luyện kỹ năng, khám phá không gian trưng bày, triển lãm tranh, ảnh.

Hội thi "Thuyết trình giới thiệu sách của học sinh khối THCS"; Hội thi “Kể chuyện theo sách” cho khối tiểu học trên địa bàn quận Sơn Trà, biểu diễn, giao lưu nghệ thuật giữa các nhóm nhạc và khán giả.

Theo ông Huỳnh Văn Hùng - Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà, Hội sách Sơn Trà được tổ chức hàng năm, nhằm phát triển sâu rộng văn hóa đọc trong mọi tầng lớp nhân dân.

Đà Nẵng phát triển văn hóa đọc - ảnh 3
Phần thi "Sân khấu hóa các tác phẩm văn học" là cơ hội để các em học sinh thể hiện tài năng diễn xuất, trí tưởng tượng phong phú

“Trong thời đại công nghệ phát triển mạnh mẽ như hiện nay, thói quen đọc sách truyền thống đang đứng trước nhiều thách thức.

Nhưng nếu mỗi người đều giữ cho mình một tình yêu với sách, thì dù là sách in hay sách điện tử, tri thức vẫn sẽ tiếp tục lan tỏa và nuôi dưỡng tâm hồn người Việt, sẽ có thêm nhiều cánh cửa tri thức được mở ra, thắp sáng niềm đam mê đọc sách và học tập”.

Nhân rộng điểm đọc sách cộng đồng

Bà Nguyễn Thu Phương, Phó Giám đốc Sở VHTT thành phố Đà Nẵng cho biết: “Thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền, sở, ban, ngành quan tâm chỉ đạo tổ chức, triển khai nhiều hoạt động thiết thực, góp phần thúc đẩy phong trào đọc sách trong quần chúng nhân dân.

Để sách đến gần hơn tới bạn đọc, ngành VHTT thành phố Đà Nẵng đã đề nghị các cơ quan, đơn vị, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức trong hệ thống chính trị và toàn xã hội về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc”.

Đà Nẵng phát triển văn hóa đọc - ảnh 4
Mọi tầng lớp nhân dân cùng đọc sách

Trong các trường học, phong trào đọc sách được các thầy cô giáo, nhà trường tổ chức dưới nhiều hình thức phong phú, thu hút đông đảo học sinh hào hứng tham gia.

Tại Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu, phong trào thuyết trình sách cũng được nhà trường nhân rộng ở các lớp thông qua thi thuyết trình sách hay, phong trào đọc sách 15 phút đầu giờ.

Năm 2025, nhà trường có hơn 600 bài dự thi “Đại sứ Văn hóa đọc Đà Nẵng”, nhiều năm qua, học sinh nhà trường tham gia và đoạt giải cao ở cuộc thi văn hóa đọc cấp quận, thành phố và quốc gia.

Năm 2025, chào mừng kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng bộ thành phố Đà Nẵng (28.3.1930 – 28.3.2025), 50 năm Ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng (29.3.1975 – 29.3.2025).

Chào mừng Đại hội Đại biểu Đảng bộ phường Thanh Khê Tây lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2025-2030, UBND phường Thanh Khê Tây đã ra mắt “Phòng đọc sách cộng đồng” tại Trung tâm Văn hóa thể thao và Học tập cộng đồng phường, với sự hỗ trợ hơn 2.000 đầu sách từ các cơ quan, đơn vị, cá nhân.

Đà Nẵng phát triển văn hóa đọc - ảnh 5
Điểm đọc mới tại phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê) thu hút các em học sinh (Ảnh: Văn Giang)

Phòng đọc có nhiều đầu sách trên nhiều lĩnh vực như sách thiếu nhi, sách văn học Việt Nam, văn học nước ngoài, sách chính trị, pháp luật, kinh tế, y học và sức khỏe… 

Để hình thành điểm đọc, trong thời gian qua, Trung tâm Văn hóa thể thao và Học tập cộng đồng phường Thanh Khê Tây đã nỗ lực huy động sự góp sức từ các cơ quan, cá nhân để tạo điểm đọc phong phú cho độc giả.

Trong đó Trung tâm Văn hóa Thể thao quận Thanh Khê đã hỗ trợ 2.014 đầu sách, 2 loại báo, tạp chí, 5 bộ bàn ghế, 3 kệ sách và 3 tủ sách, 1 máy vi tính cũng như hỗ trợ chuyên môn nghiệp vụ, phương tiện kỹ thuật, hồ sơ sổ sách.

Bên cạnh đó, các Trường Tiểu học Lê Văn Tám, Dũng Sĩ Thanh Khê, Hội Công an hưu và một số hộ dân trên địa bàn phường, cũng đã ủng hộ hơn 400 đầu sách gồm các thể loại, góp phần tăng về số lượng sách và làm phong phú thêm về nội dung để phục vụ người đọc.

Song song với việc ra mắt “Phòng đọc sách cộng đồng”, Đoàn Thanh niên phường Thanh Khê Tây đã triển khai mô hình “Tập treo” với thông điệp “Một quyển tập, có thể làm nên một cuộc đời lớn cho các em”. 

Đà Nẵng phát triển văn hóa đọc - ảnh 6
Đà Nẵng huy động các tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động ủng hộ sách

Bước đầu, mô hình giúp một số  học sinh có hoàn cảnh khó khăn thông qua các phần quà ý nghĩa như trao tặng vở, bút và đồ dùng học tập… để động viên cho các em vượt khó, vươn lên học tập.

Để phong trào đọc sách ngày càng đi vào chiều sâu, có chất lượng, Sở VHTT Đà Nẵng cho biết đơn vị đã phối hợp với các tổ chức, cá nhân… huy động mọi nguồn lực xã hội để tổ chức các hoạt động văn hóa đọc.

Trong đó đẩy mạnh sự kết hợp các hoạt động truyền thống với phương thức tổ chức hiện đại theo xu thế phát triển của chuyển đổi số.

Theo bà Nguyễn Thu Phương, để phát triển văn hóa đọc tại Đà Nẵng, cần tổ chức các buổi hội thảo về xu hướng đọc, chia sẻ các thông tin về cách sử dụng công nghệ và nền tảng số đọc điện tử mới để khuyến khích việc đọc sách.

Ví dụ như xu hướng đọc sách số, sách âm thanh, sách tương tác và các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo và thực tế ảo.

Đồng thời tổ chức các câu lạc bộ đọc sách trực tuyến, tạo ra các nhóm đọc sách trực tuyến để thảo luận về tác phẩm thông qua các nền tảng trực tuyến như Zoom, Skype, Google Meet.