Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy:

Xác định trọng tâm, đưa văn hóa trở thành nguồn lực quan trọng

PHƯƠNG ANH, ảnh: TRẦN HUẤN

VHO - Chủ trì buổi làm việc với tỉnh Hưng Yên sáng nay 25.3 tại trụ sở Bộ VHTTDL, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh: “Hưng Yên là vùng đất địa linh nhân kiệt, nhiều tiềm năng, lợi thế. Kỳ vọng rằng đây sẽ là địa phương tiên phong, gương mẫu, kiểu mẫu trong triển khai hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2030”.

Xác định trọng tâm, đưa văn hóa trở thành nguồn lực quan trọng - ảnh 1
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy phát biểu tại buổi làm việc

Buổi làm việc giữa Bộ VHTTDL và tỉnh Hưng Yên nhằm thống nhất các nhiệm vụ trong Danh mục thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2030; Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Đồng chủ trì buổi làm việc có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Duy Hưng. Tham dự có lãnh đạo các Cục, Vụ, đơn vị chức năng thuộc Bộ VHTTDL; lãnh đạo Sở VHTTDL, Sở Tài chính, đại diện các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho biết, với tinh thần hướng về các địa phương, Bộ VHTTDL đang trong quá trình tổng hợp các kiến nghị, đề xuất của các địa phương, Bộ ngành để hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2030 (Chương trình).

Hoan nghênh tỉnh Hưng Yên đã chủ động nghiên cứu, bám sát thực tiễn để đề xuất các mục tiêu cụ thể tham gia Chương trình, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đề nghị địa phương tiếp tục nghiên cứu, có kiến nghị, đề xuất với Bộ trong quá trình hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu khả thi trước khi trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, căn cứ thực tiễn và bám sát 10 nội dung thành phần của Chương trình để đề xuất những nội dung tham gia, với tinh thần rõ trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo tính khả thi, có sản phẩm cụ thể, thiết thưc, hiệu quả, hướng đến đối tương hưởng lợi là người dân, biến văn hóa trở thành nguồn lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế xã hội.

Xác định trọng tâm, đưa văn hóa trở thành nguồn lực quan trọng - ảnh 2
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh, kỳ vọng rằng Hưng Yên sẽ trở thành địa phương tiên phong, gương mẫu, kiểu mẫu trong triển khai hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2030

“Hưng Yên là vùng đất địa linh nhân kiệt, đầy đủ tiềm năng, lợi thế và những yếu tố cần thiết để tham gia Chương trình cũng như đóng góp thiết thực cho các mục tiêu phát triển trong thời gian tới. Kỳ vọng rằng Hưng Yên sẽ trở thành địa phương tiên phong, gương mẫu, kiểu mẫu trong triển khai hiệu quả Chương trình”, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh.

Báo cáo kết quả công tác văn hóa, du lịch trên địa bàn, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Hưng Yên Đỗ Hữu Nhân cho biết, theo số liệu thống kê di tích trên địa bàn, Hưng Yên hiện còn bảo lưu được 1.804 di tích các loại, trong đó có 177 di tích xếp hạng cấp Quốc gia, 279 di tích xếp hạng cấp tỉnh, 4 di tích xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, 8 bảo vật quốc gia cùng hàng nghìn tài liệu, hiện vật, cổ vật có giá trị.

Trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể, Hưng Yên hiện có hơn 500 lễ hội truyền thống, nhiều lễ hội có quy mô lớn, đặc sắc. Đây là những di sản quý báu, là cốt lõi của bản sắc văn hóa dân tộc và là niềm tự hào của mỗi người dân.

Ông Đỗ Hữu Nhân cho biết, những năm qua, các lĩnh vực văn hóa, du lịch tại Hưng Yên được quan tâm chỉ đạo, đầu tư, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá của dân tộc; đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của cộng đồng, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương. Kết quả đạt được thể hiện trên nhiều mặt.

Đáng chú ý, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 8.10.2021 về Chương trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, di tích lịch sử gắn với phát triển du lịch tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

 “Trong thời gian qua, Sở VHTTDL đã chủ động, tích cực tham mưu giúp Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh ban hành nhiều chương trình, kế hoạch để phát triển văn hóa và du lịch ở địa phương; tăng cường hợp tác với các tỉnh xây chương trình phát triển văn hóa và du lịch.

Xác định trọng tâm, đưa văn hóa trở thành nguồn lực quan trọng - ảnh 3
Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Hưng Yên Đỗ Hữu Nhân báo cáo kết quả công tác văn hóa, du lịch trên địa bàn

Thường xuyên phối hợp với các ngành, các cấp để đẩy mạnh các hoạt động văn hóa và du lịch phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, giải trí của nhân dân, góp phần xây dựng, phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”, ông Đỗ Hữu Nhân cho biết.

Tuy nhiên, các lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch trên địa bàn cũng gặp phải những khó khăn nhất định. Phát triển văn hóa chưa tương xứng với phát triển kinh tế; nguồn vốn hỗ trợ từ Nhà nước trong công tác tu bổ, tôn tạo di tích còn hạn chế so với nhu cầu; các ngành công nghiệp văn hóa phát triển chậm; công tác tổ chức bảo vệ di tích một số nơi còn khó khăn...

Đây là những vấn đề cần giải pháp tháo gỡ. Trong đó, Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 -2030 chính là động lực quan trọng, góp phần khơi thông những điểm nghẽn cho sự phát triển.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Duy Hưng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2030 với ý nghĩa tạo động lực cho sự phát triển của địa phương.

Ông Hưng cho biết, lãnh đạo địa phương luôn kiên trì quan điểm lựa chọn trọng tâm, trọng điểm trong tham gia, đầu tư và triển khai thực hiện các mục tiêu trong Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2030.

Xác định trọng tâm, đưa văn hóa trở thành nguồn lực quan trọng - ảnh 4
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Duy Hưng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2030 với ý nghĩa tạo động lực cho sự phát triển của địa phương

“Theo lộ trình trong từng giai đoạn, các mục tiêu ưu tiên đầu tư cần được xác định rõ ràng, hướng đến những đề xuất cụ thể, khả thi, góp phần bảo vệ, phát huy giá trị những giá trị văn hóa truyền thống, kho tàng di tích, di sản cũng như hình thành nên những sản phẩm, thiết chế văn hóa với tầm nhìn xa, để lại cho nhiều thế hệ...”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên nhấn mạnh.

Trong danh mục nhiệm vụ đề xuất đưa vào Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2030, một số trọng tâm được nhấn mạnh như Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và xây dựng Đề án Bảo tàng sinh thái di tích Làng Nôm, xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm; Phục hồi một số lễ hội truyền thống; lập dự án Trưng bày của Bảo tàng tỉnh; Xây dựng đề án Phát triển văn hóa, con người Hưng Yên có nhân cách, lối sống tốt  đẹp, ươm mầm, hội nhập đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững…..

Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy cơ bản thống nhất với các nội dung trong báo cáo của Sở VHTTDL tỉnh Hưng Yên. Thứ trưởng nhấn mạnh, với bề dày truyền thống, tỉnh Hưng Yên trong những năm qua đã dành nhiều sự quan tâm đến lĩnh vực văn hóa.

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết riêng về Chương trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, di tích lịch sử gắn với phát triển du lịch tỉnh. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, phát triển du lịch… của Hưng Yên đã đạt được nhiều kết quả, với nhiều điểm sáng, đóng góp chung cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Xác định trọng tâm, đưa văn hóa trở thành nguồn lực quan trọng - ảnh 5
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy phát biểu kết luận buổi làm việc

Thứ trưởng cũng cho rằng, tiềm năng và thế mạnh của Hưng Yên chính là kho tàng di sản văn hóa, cần được bảo vệ và phát huy, biến di sản trở thành động lực cho sự phát triển. Đồng thời, trong danh mục nhiệm vụ để xuất, Hưng Yên cần tiếp tục rà soát, xác định những nhiệm vụ cụ thể, có trọng tâm trọng điểm, tập trung ưu tiên để đề xuất nguồn lực. 

Cho ý kiến cụ thể vào danh mục nhiệm vụ đề xuất đưa vào Chương trình, Thứ trưởng nêu, về di sản văn hóa, Hưng Yên cần ưu tiên một số hạng mục như: Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và xây dựng Đề án Bảo tàng sinh thái di tích Làng Nôm, xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm; Khu di tích Quốc gia đặc biệt Đa Hoà- Dạ Trạch xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên; Phục hồi khu đô thị cổ Phố Hiến.

Về thiết chế văn hóa, Hưng Yên có thể xây dựng một Trung tâm Nghệ thuật truyền thống, bao gồm nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau. Đây có thể trở thành điểm nhấn về nghệ thuật truyền thống của vùng đồng bằng sông Hồng.

Thứ trưởng gợi ý Hưng Yên có thể nghiên cứu hình thành một số thương hiệu, sản phẩm để thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; tổ chức "Lễ hội nhãn" với quy mô lớn, định kỳ hằng năm; chú trọng công tác giáo dục di sản, đào tạo nguồn nhân lực... 

“Bộ VHTTDL luôn ủng hộ, đồng hành cùng địa phương trong quá trình phát triển nói chung và triển khai thực hiện các mục tiêu trong Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa nói riêng. Đề nghị Hưng Yên tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các nội dung đề xuất đưa vào Chương trình đảm bảo tính khả thi và hiệu quả cao nhất.

Hi vọng với việc triển khai bài bản, có trọng tâm trọng điểm, Hưng Yên sẽ là địa phương đi đầu, trở thành một trong những hình mẫu trong triển khai Chương trình MTQG về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2030”, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh,

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc