Trường ĐH Mỹ thuật TPHCM phát động phong trào văn hóa đọc

THÙY TRANG

VHO - Ngày 22.4, Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM khai mạc Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024 với hoạt động trưng bày, giới thiệu sách đến sinh viên và công chúng quan tâm. Dịp này, Nhà trường đã phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc 2024 và tổ chức giới thiệu nhiều tác phẩm sách chuyên ngành Mỹ thuật có giá trị.

Trường ĐH Mỹ thuật TPHCM phát động phong trào văn hóa đọc  - ảnh 1
Các giảng viên, họa sĩ và sinh viên chụp ảnh lưu niệm tại khai mạc Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024

PGS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM cho biết, hoạt động trưng bày và giới thiệu sách mới trong Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam là sự kiện thường niên của Nhà trường, nhằm khơi dậy niềm đam mê đọc sách đối với thế hệ trẻ, trao đổi và chia sẻ những kinh nghiệm của việc đọc sách và phát triển văn hóa đọc. Từ đó khuyến khích, thúc đẩy phong trào đọc trong thanh niên, hình thành thói quen và kỹ năng đọc sách cho học viên, sinh viên, một yếu tố quan trọng góp phần phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng.

“Chính vì thế mà hôm nay, ngoài việc chia sẻ nhận thức về ý nghĩa của ngày sách và văn hóa đọc, thầy và trò Nhà trường còn được tham quan đọc sách mới trong năm do Thư viện sưu tập, với 50 đầu sách trong tổng số gần 19.000 đầu sách chuyên lĩnh vực Mỹ thuật và các lĩnh vực liên quan tại Thư viện Trường. Đây là một hoạt động mang tính truyền thống nhằm lan tỏa phong trào nghiên cứu và xuất bản của thầy, trò nhà trường”, ông Nguyễn Văn Minh bày tỏ.

Trường ĐH Mỹ thuật TPHCM phát động phong trào văn hóa đọc  - ảnh 2
Tác giả Nguyễn Văn Minh giới thiệu sách “Nghệ thuật hiện đại - khái lược và chú giải một số phong cách”

Tại chương trình khai mạc, Hiệu trưởng Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM Nguyễn Văn Minh đã phát động phong trào văn hóa đọc năm 2024 trong toàn trường. Ông nhấn mạnh: “Với phương châm đào tạo: Lý thuyết gắn liền với thực tiễn, học đi đôi với hành, nhà trường gắn liền với xã hội, nghệ thuật gắn liền với cuộc sống, từ Trường Vẽ Gia Định năm 1913 đến ĐH Mỹ thuật TPHCM năm 2024, đã 111 năm qua, Nhà trường luôn giữ vững truyền thống phát triển song hành mỹ thuật tạo hình và mỹ thuật ứng dụng với các ngành cơ bản và từng bước đa dạng hóa các chuyên ngành trong tương lai hướng đến kiểm định chương trình đào tạo.

Chúng tôi kêu gọi toàn thể giảng viên, viên chức và sinh viên các thế hệ tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của nhà trường, đoàn kết, ra sức phấn đấu, công tác, nghiên cứu và học tập, hoàn thành thật tốt các nhiệm vụ của năm học”.

Dịp này, Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM tổ chức Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc 2024. Theo đó, vòng sơ khảo tổ chức tổ chức tại trường từ ngày 22.4 - 25.6.2024. Những bài dự thi cấp trường đạt giải nhất, nhì, ba sẽ được gửi về Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL) để tham dự vòng chung kết.

Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2024 nhằm lan tỏa niềm yêu thích đọc sách, hình thành thói quen và kỹ năng đọc sách cho sinh viên. Từ đó, khơi dậy niềm đam mê, thúc đẩy phong trào đọc, văn hóa đọc trong sinh viên Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM. Vòng sơ khảo tổ chức tại Trường từ ngày 22.4 - 25.6.2024.

Mỗi thí sinh tham gia gửi bài thi độc lập bằng một trong hai hình thức là viết (đánh máy, viết tay) hoặc dựng video trả lời đầy đủ 2 câu hỏi đặt ra trong đề thi, có nội dung lành mạnh trong sáng, phù hợp với thuần phong mỹ tục và văn hóa Việt Nam. Đồng thời, đảm bảo tính chính xác, an toàn thông tin và các quy định pháp luật khác. Các cuốn sách được chia sẻ trong bài dự thi phải được phát hành hợp pháp tại Việt Nam.

Tại chương trình, Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM đã đón nhận nhiều đầu sách quý do các họa sĩ, gia đình cố họa sĩ, giảng viên, bạn bè, đồng nghiệp trao tặng.

Trường ĐH Mỹ thuật TPHCM phát động phong trào văn hóa đọc  - ảnh 3
Trưng bày sách tại không gian nghệ thuật, thu hút nhiều sinh viên đến xem

Bên cạnh đó, một số tác phẩm mới như: Nhận diện nghệ thuật đồ họa để nghiên cứu, sáng tác và giảng dạy Thiết kế đồ họa của tác giả, họa sĩ Uyên Huy (Huỳnh Văn Mười), nguyên Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM; Nghệ thuật hiện đại - khái lược và chú giải một số phong cách của tác giả Nguyễn Văn Minh; Thiết kế đồ họa TPHCM 1986-2019 của tác giả Đỗ Văn Dũng; Nghệ thuật thiết kế tương tác và giao diện người dùng của tác giả Nguyễn Đức Sơn… đã được các tác giả giới thiệu đến đồng nghiệp, giới nghiên cứu, sinh viên, học viên và công chúng quan tâm.