Kỷ niệm 110 năm thành lập Trường Vẽ Gia Định - Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM

VHO - Sáng nay 31.8, Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM đã tổ chức Lễ Kỷ niệm 110 năm thành lập Trường Vẽ Gia Định - Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM (1913-2023). Đến tham dự có lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo TP.HCM và các địa phương; đại diện các cơ quan ngoại giao; các thế hệ lãnh đạo, giảng viên, viên chức, học viên, sinh viên Nhà trường.

Kỷ niệm 110 năm thành lập Trường Vẽ Gia Định - Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM - Anh 1

Ông Nguyễn Hoàng Hưng, Phó trưởng ban phụ trách ban Thi đua, khen thưởng TP.HCM trao Cờ Thi đua truyền thống cho tập thể Nhà trường

Phát biểu tại Lễ Kỷ niệm, PGS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Nhà trường  bày tỏ, hôm nay chính là ngày hội đầy ý nghĩa của thầy, trò các thế hệ Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM cùng nhau gặp gỡ, chia sẻ, động viên nhau tiếp bước truyền thống tốt đẹp trong sự nghiệp đào tạo mỹ thuật với chặng đường 110 năm hình thành và phát triển. 

Ôn lại truyền thống Nhà trường, ông Nguyễn Văn Minh cho biết, vào thời điểm này của 110 năm trước, “Trường dạy vẽ" (École de Dessin), thường gọi là “Trường Vẽ Gia Định" được thành lập năm 1913 là tiền thân của Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM ngày nay.

Năm 1917, Trường Vẽ Gia Định là trường mỹ thuật duy nhất được xếp vào loại “trường trung học đệ nhất cấp" và được công nhận là hội viên của “Hiệp hội Trung ương Trang trí Mỹ thuật Paris" (Membre Perpetuel de l'Union Centrale des Arts décoratifs de Paris). Đây là cột mốc quan trọng vì lần đầu tiên học sinh của trường được tiếp xúc với hội họa phương Tây. Trường bắt đầu đào tạo có hệ thống, có phương pháp khoa học thay cho cách đào tạo truyền nghề. Đây chính là nơi đào tạo về trang trí mỹ nghệ một cách bài bản, có hệ thống và chuẩn mực về kiến thức mỹ thuật và kỹ năng thực hành. 

Trải qua nhiều lần đổi tên theo yêu cầu và sứ mệnh lịch sử, năm 1981, Trường được Thủ tướng Chính phủ nâng cấp đổi tên thành Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM. Từ năm 1990, trường mở chuyên ngành hội họa hoành tráng; năm 1992 mở ngành mỹ thuật ứng dụng; năm 1993 trường được Bộ Văn hóa Thông tin và Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ đào tạo cao học mỹ thuật, năm 1996 lập phòng máy vi tính thực hành, phòng triển lãm; năm 1997 thành lập Trung tâm Mỹ thuật ứng dụng (gồm xưởng in, xưởng điêu khắc, xưởng hoạt hình); năm 1998 thành lập khoa Sư phạm mỹ thuật... Thời gian này, nhà trường còn liên kết mở các lớp đào tạo mỹ thuật tại chức ở các địa phương như: Lâm Đồng, Cần Thơ, Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu, Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Bình Dương,...

Một thành tích nổi bật của nhà trưởng trong công tác phục vụ xã hội là thành lập Trung tâm Mỹ thuật ứng dụng, Tin học và Ngoại ngữ với chức năng nhằm nâng cao kỹ năng thực hành cho sinh viên và đào tạo mỹ thuật ứng dụng phục vụ nhu cầu của xã hội. Trung tâm từ ngày thành lập đến nay đã tổ chức sáng tác, tư vấn lập dự án, thiết kế và thi công thành công nhiều công trình mỹ thuật mang ý nghĩa sâu sắc và đạt hiệu quả thiết thực, như: Công trình tượng đài Bác Hồ tại Quảng trưởng Hồ Chí Minh, Thành phố Vinh, Nghệ An và công trình tranh ghép gốm hoành tráng tại đền Bến Dược, Củ Chi, TP.HCM.

Kỷ niệm 110 năm thành lập Trường Vẽ Gia Định - Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM - Anh 2

Thừa ủy quyền lãnh đạo Bộ VHTTDL, PGS.TS Lê Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Đào tạo trao Bằng khen của Bộ trưởng cho các tập thể

Nhà trường đang triển khai tổ chức 6 chương trình đào tạo bậc đại học (hội họa, đồ họa, điêu khắc, lý luận và lịch sử mỹ thuật, thiết kế đồ họa, sư phạm mỹ thuật) với 10 chuyên ngành (sơn dầu, sơn mài, lụa; điêu khắc; đồ họa tranh in, tranh truyện; lý luận và lịch sử mỹ thuật, sư phạm mỹ thuật; thiết kế đồ họa, thiết kế mỹ thuật truyền thông đa phương tiện); 3 chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ (với 3 ngành: Mỹ thuật tạo hình; Mỹ thuật ứng dụng; Lý luận và lịch sử mỹ thuật); 1 chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ chuyên ngành Lý luận và lịch sử mỹ thuật.

Công tác quan hệ quốc tế được nhà trường đặc biệt quan tâm, nhất là trong thời kỳ mở cửa, giao lưu và hội nhập. Nhà trường đã ký kết hợp tác về trao đổi giảng viên và sinh viên, hợp tác nghiên cứu khoa học với nhiều trường đại học ở các nước trong khu vực và quốc tế như: ĐH Nghệ thuật Hoàng gia Campuchia; Học viện Mỹ thuật Quốc gia Lào; ĐH KhonKaen, ĐH Silpakorn (Thái Lan); ĐH Nghệ thuật Tokyo (Nhật Bản); ĐH Chosun (Hàn Quốc); ĐH Minchen, ĐH Quảng Châu (Trung Quốc); Học viện Mỹ thuật Hoàng gia Bruxelles (Vương Quốc Bỉ), ĐH Nam Úc…

“Có thể nói, Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM đã kế thừa được tinh hoa nghệ thuật dân tộc và thế giới, giữ gìn nét đẹp truyền thống trong đào tạo của Nhà trường cũng như tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm đào tạo từ nhiều trường mỹ thuật trong nước và nước ngoài”, ông Nguyễn Văn Minh bày tỏ. 

Thừa ủy quyền lãnh đạo Bộ VHTTDL, PGS.TS Lê Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Đào tạo (Bộ VHTTDL) chúc mừng tập thể Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM, ghi nhận và biểu dương các thế hệ cán bộ, giảng viên qua các thời kỳ, các thế hệ sinh viên, học viên của Nhà trường về những thành tích đã đạt được trong chặng đường xây dựng và phát triển vừa qua. 

Ông Lê Anh Tuấn nhấn mạnh, tiền thân là Trường Vẽ Gia Định, trải qua 110 năm thành lập, Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM đã có nhiều cố gắng, nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thử thách và đạt được nhiều thành tích xuất sắc trong đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học, góp phần bảo tồn phát triển các giá trị nghệ thuật của nền mỹ thuật Việt Nam nói chung, khu vực Nam bộ nói riêng. Với những nỗ lực cống hiến không ngừng của tập thể cán bộ, viên chức, người lao động và sinh viên, học viên qua các thế hệ, đến nay Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM đã trở thành cái nôi trong đào tạo mỹ thuật có thương hiệu, uy tín và chất lượng trong thời kỳ đất nước đối mới, hội nhập và phát triển.

Kỷ niệm 110 năm thành lập Trường Vẽ Gia Định - Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM - Anh 3

Các cá nhân nhận Bằng khen của UBND TP.HCM

Vụ trưởng Vụ Đào tạo Lê Anh Tuấn cho biết, trước yêu cầu, mục tiêu phát triển văn hóa nghệ thuật theo chủ trương và chính sách của Đảng và Nhà nước và kết luận của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, các đơn vị trực thuộc Bộ VHTTDL, trong đó có các cơ sở đào tạo cần tập trung các nguồn lực để triển khai thực hiện thắng lợi các chương trình, kế hoạch hành động đã được Bộ VHTTDL ban hành.

“Do vậy, trong thời gian tới đây, đứng trước những yêu cầu của Đảng, Nhà nước, của Bộ VHTTDL, trước những khó khăn và thách thức trong tuyển sinh, đào tạo, phát triển và hội nhập giai đoạn hiện nay, đòi hỏi Đảng ủy, Ban Giám hiệu, các cán bộ, giảng viên, viên chức và người lao động, các em sinh viên, học viên của Trường phải luôn phát huy truyền thống, giữ vững uy tín, tăng cường đoàn kết, nhất trí; tập trung kiện toàn đội ngũ; hoàn thiện chương trình, giáo trình đào
tạo; tập trung phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ học tập, nghiên cứu và giảng dạy; tăng cường chất lượng đào tạo, thực hiện tốt chiến lược phát triển Nhà trường giai đoạn 2021-2026 để khẳng định được vị thế của mình trong đào tạo nhân lực, đào tạo tài năng lĩnh vực mỹ thuật cho đất nước”, ông Lê Anh Tuấn nhấn mạnh.

Kỷ niệm 110 năm thành lập Trường Vẽ Gia Định - Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM - Anh 4

Bà Ariadne Feo Labrada, Tổng Lãnh sự quán Cu Ba tại TP.HCM trao Huân chương kỷ niệm ICAP cho Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM

Tại Lễ Kỷ niệm 110 năm thành lập, UBND TP.HCM đã tặng Cờ Thi đua truyền thống cho Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM; tặng Bằng khen cho tám tập thể và 18 cá nhân. Bộ trưởng Bộ VHTTDL tặng Bằng khen cho 5 tập thể và 10 cá nhân đã có thành tích đóng góp trong xây dựng và phát triển Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM giai đoạn 2019-2023; Bộ VHTTDL tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Văn hóa, Thể thao và Du lịch” cho 15 cá nhân.

Nhằm ghi nhận những đóng góp của Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM đối với các hoạt động hữu nghị Việt Nam - Cuba, Viện Hữu nghị Cuba với các dân tộc đã trao Huân chương kỷ niệm “60 năm ICAP” cho tập thể Nhà trường.

Dịp này, Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục, ĐH Quốc gia TP.HCM đã trao Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục cho Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM.

Thể hiện sự tri ân với những hỗ trợ và hợp tác trong thời gian qua, Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM đã trao tặng Kỷ niệm chương cho các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế. 

THÙY TRANG

Ý kiến bạn đọc