Trưng bày chuyên đề “Những cổ vật trang trí rồng tại Bảo tàng Thanh Hóa”
VHO - Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa vừa tổ chức trưng bày hai chuyên đề mới gồm: “Những cổ vật trang trí rồng tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa” và “Nghề làm hương truyền thống”.
Trưng bày chuyên đề “Những cổ vật trang trí rồng tại Bảo tàng Thanh Hóa”
Trong số 34.623 hiện vật hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh, có khoảng gần 400 hiện vật trang trí họa tiết rồng, niên đại từ thời kỳ văn hóa Đông Sơn đến đầu thế kỷ XX.
Bát gốm hoa lam trang trí rồng, thế kỷ XV-XVI
Chân đèn trang trí rồng, thế kỷ XVI-XVII
Qua khảo sát hiện vật tại kho cơ sở, Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa đã lựa chọn hơn 80 hiện vật có niên đại từ thời kỳ văn hóa Đông Sơn đến đầu thế kỉ XX để trưng bày, giới thiệu đến công chúng. Trưng bày bao gồm hai phần: “Hình tượng rồng trong văn hóa Việt Nam” và “Những cổ vật trang trí rồng tại Bảo tàng Thanh Hóa”. Trong đó, phần trưng bày “Những cổ vật trang trí rồng tại Bảo tàng Thanh Hóa” được chia làm hai chủ đề: “Hình tượng Rồng thế kỷ I - X” và “Hình tượng rồng qua các triều đại phong kiến”.
Sưu tập vật liệu kiến trúc trang trí rồng, thế kỷ XI-XII
Hệ thống trưng bày chính của Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa hiện nay được thể hiện theo tiến trình lịch sử, từ khi xuất hiện những con người tối cổ đầu tiên trên đất Thanh Hóa đến Đại thắng mùa xuân năm 1975, thống nhất đất nước. Bên cạnh 4 phòng trưng cố định là: “Thanh Hóa thời Tiền sử - Sơ sử”, “Thanh Hoá trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ quốc gia phong kiến độc lập tự chủ (từ thế kỷ X đến giữa thế kỷ XIX)”, “Truyền thống yêu nước và cách mạng Thanh Hoá, giai đoạn 1858-1945”, “Thanh Hoá trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ đất nước, giai đoạn 1945-1975”; Bảo tàng còn có 3 phòng trưng bày chuyên đề: “Trống đồng Thanh Hoá”, “Đặc trưng văn hoá dân tộc Mường ở Thanh Hoá” và “Đặc trưng văn hoá dân tộc Thái ở Thanh Hoá”; nhằm giới thiệu những sưu tập cổ vật đặc sắc, quý hiếm, những đặc trưng văn hóa độc đáo của các dân tộc cư trú trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa…
Không gian trưng bày chuyên đề “Nghề làm hương truyền thống” tai Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa
Với 7 phòng trưng bày, trên diện tích 1.200 m2 và với hơn 3.000 tư liệu, hiện vật; Bảo tàng lấy sự phong phú của sưu tập hiện vật làm ngôn ngữ biểu đạt chính, kết hợp giữa trưng bày phản ánh giai đoạn, sự kiện lịch sử với trưng bày sưu tập theo hướng trưng bày mở, tạo điều kiện để có thể cập nhật những tư liệu, hiện vật mới làm cho “diện mạo” trưng bày luôn mới mẻ, hấp dẫn người xem. Ngoài ra, Bảo tàng thường xuyên tổ chức các trưng bày chuyên đề, cùng với hệ thống trang thiết bị hiện đại như: bảng truy vấn điện tử tra cứu thông tin tài liệu hiện vật trưng bày, viđiô, máy chiếu… khách tham quan không chỉ thỏa mãn nhu cầu học tập, nghiên cứu mà còn có thể chủ động trong tiến trình tham quan Bảo tàng.
Ngoại thất của Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa, là nơi trưng bày các tác phẩm mỹ thuật điêu khắc đá tiêu biểu thời Lê - Nguyễn, những hiện vật có thể khối lớn như súng thần công thời Nguyễn, máy cày DT24 của Bác Hồ tặng hợp tác xã Yên Trường - Lá cờ đầu trong phong trào Hợp tác hoá nông nghiệp năm 1961, máy bay Míc 17 của Trung đoàn Không quân 921 trực tiếp tham gia chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng ngày 3-4.4.1965...
Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa
Hệ thống kho cơ sở của Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa, hiện lưu giữ, bảo quản gần 30.000 hiện vật trong đó có nhiều sưu tập hiện vật độc đáo, quý hiếm được các chuyên gia trong nước và nước ngoài đánh giá cao như: Sưu tập hiện vật thời Tiền - Sơ sử, sưu tập vũ khí Đông Sơn, sưu tập gốm Tam Thọ, sưu tập tiêu bản các loài thú quý hiếm, đặc sắc và tiêu biểu nhất là sưu tập trống đồng với số lượng lớn nhất trong cả nước…
Theo kế hoạch, trưng bày chuyên đề “Những cổ vật trang trí rồng tại Bảo tàng Thanh Hóa” kéo dài từ nay đến hết năm 2024.
NGUYỄN LINH