Trang nghiêm Lễ Giỗ tổ Hùng Vương 2025:
Triệu trái tim hướng về nguồn cội dân tộc
VHO - Hôm nay 7.4, tức 10 tháng 3 âm lịch - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, hàng triệu trái tim người Việt từ khắp mọi miền đất nước và kiều bào trên toàn thế giới đều đồng lòng hướng về Khu di tích lịch sử Đền Hùng (Phú Thọ), nơi khởi nguồn văn hóa và tâm linh dân tộc.

Đây là dịp thiêng liêng để thế hệ hôm nay bày tỏ lòng thành kính, tri ân sâu sắc đối với công lao to lớn của các Vua Hùng, những người đã có công dựng nước, mở đầu cho truyền thống vẻ vang và sự phát triển bền vững của đất nước.
Theo kế hoạch, sáng nay, nghi thức dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Đền Thượng được tổ chức long trọng, với sự tham dự của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và tỉnh Phú Thọ, cùng đại diện các Bộ, Ban, ngành Trung ương, địa phương và đông đảo đồng bào, du khách thập phương.
Ngay sau nghi thức dâng hương, đoàn đại biểu dự kiến sẽ tiến hành lễ dâng hoa tại Bức phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong” - hình ảnh minh chứng cho sự nối tiếp giữa truyền thống dựng nước của tổ tiên và tinh thần bảo vệ đất nước trong thời kỳ hiện đại.
Không khí linh thiêng trên núi Nghĩa Lĩnh càng trở nên trang trọng trong tiếng trống đồng, hòa quyện theo bước chân của những dòng người thành kính dâng hương lên bậc tiền nhân, như một lời nguyện cầu cho đất nước mãi trường tồn, phát triển.
Sôi nổi nhiều hoạt động trước ngày Quốc giỗ
Trước đó, sáng 6.4, Giải bơi chải Việt Trì mở rộng năm Ất Tỵ 2025 được tổ chức tại hồ Công viên Văn Lang, quy tụ 9 đội với 270 vận động viên.
Theo ghi nhận, mặc dù trời đổ mưa nhưng rất đông người dân tỉnh Phú Thọ và du khách thập phương đã có mặt cổ vũ cho các đội thi. Chung cuộc, đội chải phường Bạch Hạc (TP Việt Trì) giành giải nhất.
Song song với thời gian thi đấu giải bơi chải, nghi lễ dâng bánh chưng, bánh giầy lên Vua Hùng được tổ chức trang trọng, như một hành động biểu trưng cho lòng thành kính của con cháu đối với tổ tiên.
Đầu giờ chiều cùng ngày, Festival Tinh hoa võ thuật hướng về cội nguồn sẽ được tổ chức tại sân khấu trung tâm lễ hội Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, quy tụ nhiều màn biểu diễn đặc sắc.
Bên cạnh đó, chương trình bế mạc Liên hoan văn nghệ quần chúng và dân ca Phú Thọ diễn ra vào lúc 10h30 tại cùng địa điểm, góp phần làm phong phú thêm không khí lễ hội, là dịp để những nghệ sĩ và đồng bào Phú Thọ gửi gắm tình yêu với quê hương qua những làn điệu dân ca sâu lắng.
Các hoạt động truyền thống và văn hóa dân gian được tổ chức với nội dung phong phú, tiêu biểu như buổi biểu diễn múa rối nước tại hồ Khuôn Mồi và Giải bóng chuyền các đội mạnh tranh Cúp Hùng Vương tại Nhà luyện tập và thi đấu thể dục thể thao tỉnh Phú Thọ, TP Việt Trì.
Bên cạnh đó, nhiều sự kiện hấp dẫn khác cũng diễn ra đồng loạt, như “Sắc màu Du lịch Đất Tổ - Phú Thọ năm 2025” tại Công viên Văn Lang và các khu vực lân cận trên tuyến đường Trần Phú; Hội chợ thương mại và trưng bày sản phẩm OCOP tại SVĐ Bảo Đà; trình diễn hát Xoan tại các đình làng cổ như An Thái, Hùng Lô và miếu Lãi Lèn.
Đặc biệt, UBND TP Việt Trì tổ chức bắn pháo hoa nổ kết hợp tầm thấp và tầm cao tại cầu đi bộ Công viên Văn Lang, ngay sau chương trình nghệ thuật “Về miền lễ hội” vào tối 6.4.

Sắc màu hội tụ hồn dân tộc
Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ 2025, diễn ra từ ngày 29.3 - 7.4 (tức mùng 1-10.3 âm lịch), không chỉ là chuỗi hoạt động văn hóa, nghệ thuật và tâm linh đặc sắc, mà còn là cơ hội để tỉnh Phú Thọ khẳng định vai trò là trung tâm kết nối giữa giá trị lịch sử và sự phát triển du lịch bền vững.
Trong suốt 10 ngày lễ hội, hàng loạt hoạt động hấp dẫn đã diễn ra, thu hút sự tham gia đông đảo của người dân và du khách. Các nghi lễ truyền thống như lễ rước kiệu, lễ tế tổ, lễ giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và Tổ Mẫu Âu Cơ được phục dựng công phu, thể hiện sự tôn kính với các bậc tiền nhân và lòng biết ơn sâu sắc đối với nguồn cội.
Bên cạnh đó, các hoạt động nghệ thuật, văn hóa dân gian đặc sắc như Liên hoan hát Xoan, biểu diễn nghệ thuật đường phố cùng các trò chơi dân gian như kéo co, ném còn, bịt mắt bắt dê… đã làm phong phú thêm không khí lễ hội.
Không gian văn hóa các dân tộc cũng được tái hiện sinh động tại Quảng trường Hùng Vương và Công viên Văn Lang, tạo nên một bức tranh đa dạng về bản sắc văn hóa các vùng miền trên khắp đất nước.
Các triển lãm ảnh nghệ thuật, trưng bày hiện vật khảo cổ và tọa đàm về văn hóa thời Hùng Vương đã góp phần làm sâu sắc thêm nhận thức của công chúng về giá trị vĩnh cửu mà cha ông ta để lại.
Qua lễ hội, thế hệ trẻ cũng được giáo dục trực quan về lịch sử và truyền thống dựng nước, giữ nước của cha ông, từ đó góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa vô giá của dân tộc.
Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ cũng là cơ hội để Phú Thọ giới thiệu tiềm năng du lịch sinh thái và cộng đồng qua các tour tham quan độc đáo, như Hồ Ly, đồi chè Long Cốc, Vườn quốc gia Xuân Sơn và làng cổ Hùng Lô.
Những điểm đến này không chỉ mang lại trải nghiệm thực tế phong phú cho du khách, mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, tạo cơ hội để cộng đồng dân cư tham gia vào ngành du lịch và bảo vệ những giá trị thiên nhiên, văn hóa đặc sắc của địa phương.

Thu hút hàng triệu du khách hành hương về đất Tổ
Cùng với quy mô lễ hội ngày càng mở rộng, công tác đón tiếp và phục vụ du khách cũng được tỉnh đặc biệt chú trọng. Lượng du khách đổ về Đền Hùng và các điểm phụ cận tăng mạnh, với đỉnh điểm vào ngày 6.4, khi những dòng người hành hương nối dài như bất tận đã tề tựu tại Đền Hùng. Các ngả đường dẫn lên núi Nghĩa Lĩnh, Đền Thượng đều ken chặt, dòng người phải nhích từng bước một...
Giữa dòng người đông đúc ấy, một nhóm người Dao Quần Trắng nổi bật với bộ trang phục truyền thống. Bà Lý Thị Tầm, một người trong nhóm chia sẻ: “Từ nhỏ, tôi đã nghe ông bà, bố mẹ kể về Đền Hùng và ngày Giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba, nhưng hôm nay mới là lần đầu tiên được tận mắt chứng kiến. Khi đặt chân lên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh, tôi không nghĩ nơi đây lại đông đến thế. Người Dao chúng tôi cũng có tục thờ tổ tiên rất nghiêm cẩn, nên khi đứng trước bàn thờ Quốc Tổ Hùng Vương, tôi thấy tim mình như hòa chung nhịp đập với bao thế hệ cha ông đã có công dựng nước. Tôi mong sau này con cháu mình cũng sẽ có dịp về đây, để thấy cội nguồn không ở đâu xa, mà là ở ngay trong tim mỗi người dân Việt”.
Chị Nguyễn Thị Hồng, một du khách đến từ TP Hồ Chí Minh, chia sẻ: “Tôi đã đi nhiều nơi, nhưng đây là lần đầu tiên được tham dự lễ Giỗ Tổ tại chính Đền Hùng. Khi đặt chân lên Đền Thượng, tôi thực sự cảm nhận được sự linh thiêng của đất trời…”.
Cụ Trần Văn Phúc (75 tuổi, Phú Thọ) cũng bộc bạch: “Tôi năm nay 75 tuổi rồi, chân không còn nhanh, nhưng năm nào cũng thu xếp lên Đền Hùng đúng dịp Giỗ Tổ. Đi lễ không phải để cầu tài lộc, mà là để giữ cái gốc, nhắc con cháu đừng quên mình từ đâu mà có. Tôi thấy mừng khi năm nào cũng có rất đông người đến dâng hương. Đền Hùng không chỉ là nơi thờ cúng, mà còn là nơi giữ hồn dân tộc. Mình còn sức là còn đi, đi để biết ơn, để dạy con cháu biết sống cho phải đạo”.
Theo Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ Nguyễn Đắc Thủy, tỉnh dự kiến đón khoảng 4 triệu lượt khách trong dịp này. Để đảm bảo lễ hội diễn ra trong không khí trang nghiêm, an toàn và văn minh, địa phương đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ. Hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội, dân quân tự vệ, y bác sĩ và tình nguyện viên đã được huy động, bố trí tại các điểm nóng để điều phối, hướng dẫn và xử lý tình huống phát sinh.
Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng không chỉ là dịp hành hương và tưởng niệm, mà còn là cơ hội giáo dục truyền thống, khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc và ý thức trách nhiệm của mỗi người Việt Nam trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.