Tôn vinh, lan tỏa những tấm gương bình dị mà cao quý
VHO - Triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý” đã khai mạc chiều 18.5 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh của Người (19.5.1890 - 19.5.2025); tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Ngô Đông Hải; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương dự và cắt băng khai mạc triển lãm.
Đây là lần thứ 13 Triển lãm Những tấm gương bình dị mà cao quý được tổ chức tại Bảo tàng.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc nêu gương người tốt, việc tốt. Người từng nói: “Mỗi người tốt, mỗi việc tốt là một bông hoa đẹp, cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp...”.
Năm 1968, để việc tuyên truyền, giáo dục gương người tốt, việc tốt ngày càng lan tỏa rộng rãi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo xuất bản sách “Người tốt, việc tốt”.

Bộ sách tập hợp những tấm gương tiêu biểu trong chiến đấu, lao động và sản xuất được Chủ tịch Hồ Chí Minh biểu dương và thưởng huy hiệu của Người.
Bộ sách đi vào thực tiễn đời sống xã hội, có sức lan toả lớn, khích lệ lòng yêu nước trong mỗi cá nhân, tập thể, tạo nên sức mạnh kỳ diệu, giúp dân tộc ta vượt qua những giai đoạn lịch sử vô cùng khó khăn, gian khổ của sự nghiệp cách mạng, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, phong trào học tập và làm theo tấm gương của Người đã được Đảng ta phát động, trở thành việc làm thường xuyên, lâu dài, thiết thực, đi vào thực tế của đời sống xã hội.
Các phong trào thi đua như Học tập và làm theo Di chúc của Hồ Chủ tịch, Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại!, Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng, thực hiện sôi nổi, rộng khắp trong cả nước.

Phát biểu tại lễ khai mạc, TS. Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh khẳng định: “Sức lan tỏa mạnh mẽ của các phong trào đó đã làm xuất hiện ngày càng nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong các lĩnh vực: Xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; Phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; Xây dựng QĐND, CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, góp phần vào việc xây dựng con người, xây dựng tổ chức, tạo nên những thành tựu to lớn của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...”.

Với gần 200 hình ảnh, tài liệu, hiện vật, Triển lãm giới thiệu tới công chúng 135 tấm gương điển hình tiên tiến, gồm 71 tập thể, 64 cá nhân được BTC lựa chọn từ gần 600 tấm gương trong hơn một năm qua do Ban Tuyên giáo và Dân vận các Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương giới thiệu và tôn vinh.
Mỗi hình ảnh, bài viết là một câu chuyện cảm động về các tập thể và những con người bình dị đã vượt lên hoàn cảnh, số phận, dám nghĩ, dám làm, không ngừng cố gắng, hết lòng vì lợi ích của cộng đồng, vì sự bình yên và sự phồn vinh của đất nước.

Triển lãm còn giới thiệu thêm một số tư liệu các bài viết, sách và sưu tập sách nội dung về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; một số huy hiệu Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng những tấm gương người tốt việc tốt.
Nội dung Triển lãm gồm 02 phần: Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là việc làm thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân ta; Những tấm gương bình dị mà cao quý.

Ông Vũ Mạnh Hà nhấn mạnh, giữa những bộn bề của cuộc sống hiện đại hôm nay, vẫn luôn hiện hữu những con người bình dị mà cao quý, lặng thầm cống hiến, không phô trương, nhưng để lại dấu ấn sâu đậm.
Tiêu biểu như tấm gương cụ bà Nguyễn Thị Sáu ở Bình Dương, gần 90 tuổi - người đã lặng lẽ trao đi những bữa sáng ấm lòng cho học sinh, công nhân, người lao động nghèo. Từ gánh bánh mì nhỏ, bà lan tỏa tình người, để lại bài học quý về lòng nhân ái và một lối sống đẹp giữa đời thường.
Tấm gương TS, bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn ở Hà Nam - người thầy thuốc trẻ tận tụy, từng cứu sống hàng ngàn bệnh nhân nguy kịch, với 2000 ca chụp động mạch vành, trong đó có 600 bệnh nhân được can thiệp đặt stent động mạch vành thành công. Anh không chỉ giỏi chuyên môn mà còn lan tỏa y đức, tinh thần “lương y như từ mẫu” của đội ngũ y, bác sĩ.

Ở tuyến đầu phòng cháy chữa cháy, Thượng úy Nguyễn Viết Quân đã dũng cảm cứu sống 4 người trong vụ cháy tại Quỳnh Lôi, Hà Nội năm 2024. Anh là minh chứng sống động cho tinh thần “vì dân phục vụ” của người chiến sĩ CAND.
Mỗi tấm gương tiêu biểu là các tập thể, những con người bình dị đã vượt lên hoàn cảnh, số phận, dám nghĩ, dám làm, hết lòng, hết sức cống hiến vì lợi ích của cộng đồng, vì sự bình yên, phồn vinh và phát triển của đất nước.
“Họ xứng đáng là những tấm gương sáng để chúng ta học tập và tôn vinh. 135 tấm gương tập thể và cá nhân được giới thiệu trong Triển lãm lần này cũng chính là 135 bông hoa tươi thắm nhất kính dâng Chủ tịch Hồ Chí Minh đúng vào dịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh của Người”, ông Vũ Mạnh Hà bày tỏ.

Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh chia sẻ, Triển lãm Những tấm gương bình dị mà cao quý được tổ chức trong 13 năm liên tiếp (2013-2025) là một hoạt động chính trị và văn hóa vô cùng ý nghĩa, không chỉ giới thiệu, tôn vinh những tấm gương “Người tốt, việc tốt” mà thông qua đó góp phần giúp công chúng nhận thức sâu sắc hơn về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Từ đó, mỗi người, mỗi gia đình, mỗi tập thể sẽ tiếp tục đóng góp những việc làm thiết thực, có sức lan tỏa sâu rộng trong đời sống, để đất nước là một rừng hoa đẹp về người tốt, việc tốt như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Triển lãm trưng bày từ 18.5 đến tháng 8. 2025.