Hồi âm về loạt bài Di tích Giếng Ngọc ở Thanh Hóa:

Tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan

NGUYỄN LINH

VHO - Sau khi Văn Hóa đăng tải loạt bài Di tích Giếng Ngọc thuộc cụm di tích lịch sử, thắng cảnh Nghi Sơn (Thanh Hóa): Di tích bị bức tử, đề nghị phục hồi bị ngó lơ (số 4048, ra ngày 12.6); Vùi lấp di tích Giếng Ngọc ở Thanh Hóa: Thị xã Nghi Sơn vẫn… né trách nhiệm? (số 4072, ra ngày 7.8); Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo “nóng” vụ di tích Giếng Ngọc bị vùi lấp (số 4074, ra ngày 13.8), Sở VHTTDL Thanh Hóa vừa có văn bản gửi các cơ quan chức năng trong đó khẳng định, nội dung phản ánh của Văn Hóa là hoàn toàn đúng sự thật.

Tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan - ảnh 1
Địa điểm di tích Giếng Ngọc bị vùi lấp hoàn toàn do quá trình thi công làm đường

 Sau chỉ đạo “nóng” Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng, Giám đốc Sở VHTTDL Thanh Hóa Phạm Nguyên Hồng đã ký và ban hành Quyết định số 681 về kiểm tra, xác minh theo nội dung phản ánh của Báo Văn Hóa. Kết quả kiểm tra, xác minh nêu rõ, hiện nay không xác định được dấu vết vị trí của di tích Giếng Ngọc đã được ghi tại trang 5 lý lịch di tích lập năm 1993; di tích đã bị vùi lấp, hư hại và tiêu hủy hoàn toàn do quá trình tổ chức thi công dự án nâng cấp tuyến đường 513, xã Nghi Sơn (nay có tên gọi là đường Đông Tây 4 đi cảng Nghi Sơn, Khu kinh tế Nghi Sơn), do Sở GTVT Thanh Hóa làm chủ đầu tư thời điểm trước năm 2001.

Sở VHTTDL cho biết, việc làm trên đã vi phạm Điều 4 Pháp lệnh của Hội đồng Nhà nước số 14-LCT/HĐNN ngày 4.4.1984 về bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, văn hóa và danh lam, thắng cảnh: “Nghiêm cấm làm hư hại, tiêu hủy di tích lịch sử, văn hóa và danh lam, thắng cảnh”. UBND huyện Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn) thời điểm năm 2001 về trước đã buông lỏng quản lý nhà nước về di sản văn hóa, không phát hiện ra hành vi vi phạm để có biện pháp ngăn chặn, xử lý dẫn đến để di tích bị vùi lấp, hư hại, tiêu hủy. Đồng thời, Sở VHTTDL cũng khẳng định, nội dung Báo Văn Hóa phản ánh “Vùi lấp di tích Giếng Ngọc nằm trong cụm di tích lịch sử thắng cảnh Nghi Sơn (Biện Sơn)” là hoàn toàn đúng; việc làm rõ mức độ vi phạm và xem xét xử lý vi phạm, xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm chưa được UBND huyện Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn) và UBND xã Nghi Sơn thực hiện.

Theo đó, trước sai phạm và thực trạng trên, Sở VHTTDL Thanh Hóa đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh này chỉ đạo UBND thị xã Nghi Sơn tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan và có hình thức xử lý theo quy định (nếu có) trong việc để di tích Giếng Ngọc, thôn Nam Sơn, xã Nghi Sơn, thị xã Nghi Sơn bị vùi lấp, hư hại, tiêu hủy. Sở VHTTDL Thanh Hóa cũng đề nghị Chủ tịch UBND thị xã Nghi Sơn, căn cứ các quy định, hướng dẫn để báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh cho phép nghiên cứu, lập lại hồ sơ khoa học Cụm di tích lịch sử, thắng cảnh Nghi Sơn (Biện Sơn), trình Chủ tịch UBND tỉnh xếp hạng, cấp bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh theo quy định pháp luật.

Như Văn Hóa đã phản ánh, di tích Giếng Ngọc nằm dưới chân núi Biện Sơn ở phía Tây Nam của xã Nghi Sơn (thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa), thuộc cụm di tích lịch sử, thắng cảnh Nghi Sơn (Biện Sơn) được Sở VHTT Thanh Hóa (nay là Sở VHTTDL) xếp hạng di tích cấp tỉnh tại quyết định số 136/VHQĐ ngày 4.5.1995 bị “mất tích” hơn hai thập kỷ qua khi làm đường trên địa bàn xã Nghi Sơn (thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa) khiến không ít người ngạc nhiên, chạnh lòng. Điều đáng nói là, từ khi làm xong đoạn đường vào Cảng nước sâu Nghi Sơn đến nay đã hơn hai thập kỷ, nhưng chủ đầu tư, đơn vị thi công không bị xem xét, xử lý trong khi di tích Giếng Ngọc đã được nhà nước xếp hạng, bảo vệ bị xóa sổ vĩnh viễn. Ngay sau đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng đã có văn bản chỉ đạo “nóng” Sở VHTTDL Thanh Hóa chủ trì và phối hợp với các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, xác minh, làm rõ. 

 Trước sai phạm và thực trạng trên, Sở VHTTDL Thanh Hóa đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh này chỉ đạo UBND thị xã Nghi Sơn tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan và có hình thức xử lý theo quy định (nếu có) trong việc để di tích Giếng Ngọc, thôn Nam Sơn, xã Nghi Sơn, thị xã Nghi Sơn bị vùi lấp, hư hại, tiêu hủy. Sở VHTTDL Thanh Hóa cũng đề nghị Chủ tịch UBND thị xã Nghi Sơn, căn cứ các quy định, hướng dẫn để báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh cho phép nghiên cứu, lập lại hồ sơ khoa học Cụm di tích lịch sử, thắng cảnh Nghi Sơn (Biện Sơn), trình Chủ tịch UBND tỉnh xếp hạng, cấp bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh theo quy định pháp luật.