Di tích Giếng Ngọc thuộc cụm di tích lịch sử, thắng cảnh Nghi Sơn (Thanh Hóa):

Di tích bị bức tử, đề nghị phục hồi bị ngó lơ

NGUYỄN LINH

VHO - Câu chuyện về di tích Giếng Ngọc gắn liền với truyền thuyết Mỵ Châu thời Hùng Vương bị “mất tích” hơn một thập kỷ qua khi làm đường trên địa bàn xã Nghi Sơn (thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa) khiến không ít người ngạc nhiên, chạnh lòng.

Di tích bị bức tử, đề nghị phục hồi bị ngó lơ - ảnh 1
Ông Nguyễn Ngọc Thương, Chủ tịch UBND xã Nghi Sơn khẳng định, nơi đây chính là vị trí di tích Giếng Ngọc bị lấp do quá trình thi công làm đường

 Điều đáng nói là, từ khi làm xong đoạn đường vào Cảng nước sâu Nghi Sơn đến nay đã hơn một thập kỷ, nhưng chủ đầu tư, đơn vị thi công chẳng thấy ai hề hấn gì trong khi di tích Giếng Ngọc đã được nhà nước xếp hạng, bảo vệ bị xóa sổ vĩnh viễn. Giếng Ngọc nằm dưới chân núi Biện Sơn ở phía Tây Nam của xã Nghi Sơn (thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa), thuộc cụm di tích lịch sử, thắng cảnh Nghi Sơn (Biện Sơn) được Sở VHTT Thanh Hóa (nay là Sở VHTTDL) xếp hạng Di tích cấp tỉnh tại quyết định số 136/VHQĐ ngày 4.5.1995. Đây là nơi gắn với truyền thuyết Mỵ Châu - Trọng Thủy và An Dương Vương đã có lịch sử hàng nghìn năm.

Trong cái nắng chát chúa đầu hè, theo chân ông Nguyễn Ngọc Thương, Chủ tịch UBND xã Nghi sơn, chúng tôi tìm đường về nơi Giếng Ngọc tọa lạc. Tại vị trí này, ông Thương khẳng định, đây chính là di tích Giếng Ngọc gắn với truyền thuyết Mỵ Châu. Nghe và tận mắt chứng kiến mà không khỏi xót xa vì hơn một thập kỷ qua, sau khi thi công đường vào Cảng nước sâu Nghi Sơn, di tích Giếng Ngọc đã không còn tồn tại, chỉ còn là bãi cỏ mọc um tùm rộng chừng 30m2, lòng giếng đã bị vùi lấp bằng phẳng. Theo người dân trong vùng, Giếng Ngọc có đường kính 1m, thành giếng được lắp ghép bằng đá, luôn có nguồn nước trong mát, được người dân sử dụng suốt bao thế hệ nay. Trước khi chết, nàng khấn “trung tín trọn tiết, bị người đánh lừa, xin hóa thành ngọc châu để rửa thù nhục này”. Máu nàng loang mặt nước biển, loài trai ăn phải hóa hạt minh châu. Trọng Thủy theo vết lông ngỗng tìm đến thấy xác vợ bên bờ biển, hối hận vô cùng nên sau khi chôn cất vợ cũng buồn đau mà nhảy xuống giếng tự vẫn. Người dân biển biết được câu chuyện bi thương của đôi trai gái nên khi bắt được ngọc trai dưới biển Đông thường đem về giếng này mà rửa cho sáng và gọi nơi ấy là Giếng Ngọc.

Cách vị trí Giếng Ngọc về phía Đông 50m có đền thờ Mỵ Nương công chúa (hiện cũng đã không còn tồn tại do quá trình thi công làm đường), dưới đền là Vũng Ngọc. Đời Lê, đây vốn là khu vực khai thác lấy ngọc trai, ngọc lấy được phải rửa bằng nước giếng Ngọc thì mới sáng, và di tích có tên Giếng Ngọc có lẽ từ ngày đó. Một di tích những tưởng đã tồn tại hàng nghìn năm gắn với câu chuyện lịch sử, in dấu trong lòng người dân, vậy mà giờ đây lại như lạc lõng giữa Khu kinh tế Nghi Sơn sầm uất và bị xóa sổ một cách không thương tiếc.

Ông Trần Minh Khơ, 70 tuổi, một người dân ở thôn Nam Sơn, xã Nghi Sơn, người đã có thâm niên gắn bó với Giếng Ngọc cho biết, di tích là niềm tự hào của người dân làng Nam Sơn, có lịch sử rất lâu đời nhưng không hiểu vì sao trong quá trình thi công đường vào cảng nước sâu Nghi Sơn, đơn vị thi công lại vùi lấp Giếng Ngọc. Việc này đã làm cho nhân dân trong vùng mất đi một chỗ dựa tâm linh, nơi đã gắn bó với họ hàng nghìn năm nay. “Thú thật, lòng tôi rất xót xa mỗi khi nghĩ tới Giếng Ngọc, niềm tự hào của người dân làng Nam Sơn không còn tồn tại. Nhân dân mòn mỏi chờ đợi di tích sớm được tôn tạo và phục hồi để trả lại giá trị vốn có của di sản. Nhưng càng chờ càng thấy nó xa vời quá, vì di tích đã không còn qua hơn một thập kỷ rồi”, ông Khơ tâm sự.

Trao đổi với phóng viên Văn Hóa, ông Nguyễn Ngọc Thương, Chủ tịch UBND xã Nghi Sơn cho biết, di tích Giếng Ngọc nằm ở vị trí đặc biệt, dưới chân núi Biện Sơn và cạnh biển. Trước đây, nơi này vẫn thường được người dân ghé thăm thường xuyên. Tuy nhiên, kể từ khi dự án Cảng nước sâu Nghi Sơn đi vào thực hiện, cùng với đó là việc mở rộng đường ra cảng thì di tích bị vùi lấp. Ông Thương cho biết thêm, Giếng Ngọc đã bị vùi lấp từ năm 2001, đến năm 2008, một số người dân đã tự khảo sát và tìm lại được Giếng Ngọc. Sau đó, họ đóng góp tiền của, công sức khôi phục lại Giếng Ngọc và dựng lên một tấm bia. Tuy nhiên, đến năm 2014, sau khi triển khai mở rộng đường thì Giếng Ngọc một lần nữa bị vùi lấp hoàn toàn.

Liên quan đến vấn đề này, vào các năm 2008 và 2013, UBND xã Nghi Sơn đã có văn bản đề nghị Ban Quản lý khu kinh tế Nghi Sơn, UBND huyện Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn) cho phép UBND xã Nghi Sơn quy hoạch lại mặt bằng diện tích đất trên nền móng cũ của Giếng Ngọc đồng thời làm các thủ tục để phục hồi, tôn tạo, nhưng đến nay vẫn chưa có phản hồi từ cơ quan chức năng và cấp thẩm quyền.

“Thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục có văn bản đề nghị các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để có các phương án cụ thể nhằm phục hồi, tôn tạo và phát huy giá trị di tích quan trọng này”, ông Thương cho hay. 

 Vào các năm 2008 và 2013, UBND xã Nghi Sơn đã có văn bản đề nghị Ban Quản lý khu kinh tế Nghi Sơn, UBND huyện Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn) cho phép UBND xã Nghi Sơn quy hoạch lại mặt bằng diện tích đất trên nền móng cũ của Giếng Ngọc đồng thời làm các thủ tục để phục hồi, tôn tạo di tích quan trọng này, nhưng đến nay vẫn chưa có phản hồi từ cơ quan chức năng và cấp thẩm quyền.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc