Lễ hội Cổ Loa Xuân Giáp Thìn thu hút hàng ngàn du khách
VHO - Cùng với nhiều lễ hội lớn trên địa bàn Hà Nội và cả nước, sáng 15.2 (mùng 6 tháng Giêng), Lễ hội Cổ Loa Xuân Giáp Thìn đã khai mạc, thu hút hàng ngàn người dân và du khách thập phương tham dự.
Các đại biểu thực hiện nghi thức dâng hương
Phát biểu khai mạc lễ hội, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Anh Dũng bày tỏ: “Đứng trước anh linh của Đức vua An Dương Vương, chúng ta thành tâm, đoàn kết một lòng, nguyện cùng nhau xây dựng quê hương Đông Anh ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại của Thủ đô Hà Nội, để tiếp nối nền móng vững bền của Cổ Loa thành. Chúng ta hy vọng trong tương lai không xa, Cổ Loa sẽ trở thành Di sản văn hóa thế giới, là điểm đến của du khách muôn phương”.
Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Anh Dũng khẳng định, để khát vọng đó trở thành hiện thực, mỗi người dân địa phương, lớp lớp con cháu của người dân Âu Lạc xưa đang sinh sống trên mảnh đất Cổ Loa nói riêng và huyện Đông Anh nói chung cần có trách nhiệm với lịch sử bằng những hành động thiết thực, có ý nghĩa.
Nghi lễ rước kiệu Vua tại lễ hội Cổ Loa
Tại lễ hội, các đại biểu, người dân Bát xã Loa Thành và du khách thập phương đã thực hiện nghi thức dâng lễ vào đền vua An Dương Vương, tham gia chương trình tế lễ, nghênh rước của Bát xã Loa Thành.
Các đoàn lễ làng Cổ Loa, làng Mạch Tràng, làng Ngoại Sát, làng Cầu Cả, làng Văn Thượng, làng Sằn Giã, làng Đài Bi, làng Thư Cưu cùng thực hiện các nghi thức rước kiệu, dâng lễ…
Nhiều hoạt động văn hóa - thể thao tại lễ hội, mừng Đảng - mừng Xuân Giáp Thìn năm 2024 trong khuôn viên Khu di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa (xã Cổ Loa, huyện Đông Anh) cũng được tổ chức, gồm: Tổ chức Giải Vật truyền thống năm 2024, chương trình nghệ thuật Mừng Đảng - Mừng Xuân 2024 tại sân Đình Ngự Triều Di Quy; biểu diễn nghệ thuật trình diễn dân gian tuồng cổ tại sân khấu trung tâm; biểu diễn múa rối nước Đào Thục - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại khu vực ao ngã tư di tích; tổ chức trò chơi đu tiên; giải thi đấu cờ người năm 2024 tại sân vận động trung tâm; hát quan họ thuyền rồng tại khu vực Giếng ngọc, Hồ Đền...
Nhân dân bát xã Loa Thành thực hành nghi thức tế, lễ tại lễ hội Cổ Loa năm 2024
Trải qua mấy ngàn năm lịch sử, Cổ Loa được chứng kiến biết bao sự đổi thay của đất nước, nhưng với người dân Đông Anh vẫn còn lưu giữ kho tàng huyền thoại về An Dương Vương xây thành Ốc, chuyện nàng tiên gánh đất xây thành, chuyện diệt Bạch Kê tinh ở núi Sái hay tướng Cao Lỗ chế nỏ thần diệt quân xâm lược…
Mỗi câu chuyện mang một ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Trong lòng đất Cổ Loa đến nay vẫn là kho lưu trữ hồ sơ lịch sử vô cùng phong phú, giá trị. Mỗi lớp đất là một trang sách đời mà chữ viết là trống đồng, mũi tên đồng, mảnh gốm thô, rìu đá, chì lưới, cùng với nét văn hóa truyền thống cổ xưa được mỗi người dân Cổ Loa gìn giữ và phát huy.
Với những giá trị, ý nghĩa sâu sắc về văn hóa, lịch sử, năm 1962, di tích Cổ Loa được xếp hạng cấp quốc gia. 50 năm sau, năm 2012, Cổ Loa vinh dự được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt - Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ Cổ Loa. Năm 2021, Lễ hội Cổ Loa được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
MAI PHƯƠNG