Di tích Giếng Ngọc và hai chữ “trách nhiệm”

LÂM SƠN

VHO - Một di tích cấp tỉnh bị vùi lấp trong quá trình thi công làm đường từ hơn 10 năm nay nhưng ở thời điểm này, vẫn chưa thấy cơ quan, đơn vị, cá nhân nào đứng ra nhận trách nhiệm. Cơ quan quản lý nhà nước về di sản văn hóa ở địa phương cũng chưa thấy có động thái quyết liệt, làm rõ “trắng, đen”, truy trách nhiệm đến tận cùng với tinh thần thượng tôn pháp luật

 Di tích Giếng Ngọc và hai chữ “trách nhiệm” - ảnh 1

 Trong khi đó, báo chí và dư luận xã hội đã liên tục phản ánh, chính quyền sở tại nhiều lần làm văn bản kiến nghị phục hồi di tích, song cũng bị ngó lơ.

Sau gần hai tháng Văn Hóa có bài phản ánh di tích cấp tỉnh Giếng Ngọc thuộc cụm di tích lịch sử, thắng cảnh Nghi Sơn (Thanh Hóa) bị vùi lấp, chính xác là bị đơn vị thi công tuyến đường đi vào cảng nước sâu Nghi Sơn “xóa sổ”, không để lại bất cứ dấu tích nào trên mặt đất, UBND thị xã Nghi Sơn mới có Báo cáo gửi cơ quan chức năng để “nói lại” về hiện trạng và kiến nghị, đề xuất. Trong Báo cáo dài kín hai trang chúng tôi không mảy may nhận thấy hai từ “trách nhiệm” và “xử lý” từ thị xã Nghi Sơn, điều đó đồng nghĩa với việc di tích Giếng Ngọc bị vùi lấp, bị “xóa sổ” hay bị “khai tử” không thể phục hồi được, không ai nhận trách nhiệm và cũng không có ai bị đưa ra xem xét, xử lý trách nhiệm, từ cấp xã cho đến cấp huyện... Và cũng từ Báo cáo của thị xã Nghi Sơn thì có thể hiểu, việc vùi lấp di tích Giếng Ngọc là do máy xúc, máy ủi vô tình san phẳng chứ không phải do... con người gây ra, vì thế không ai phải chịu trách nhiệm là lẽ đương nhiên!?

Di tích Giếng Ngọc đã được xếp hạng, được pháp luật bảo vệ, và được chính quyền địa phương, cơ quan chức năng quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị, nhưng khi di tích bị vùi lấp đến hai lần và không thể khôi phục được thì những người được giao trách nhiệm trông coi, gìn giữ lại giữ động thái “hòa cả làng”. Đến đây, dư luận đặt vấn đề có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi hủy hoại tài sản thuộc khu di tích lịch sử về tội hủy hoại tài sản không? Căn cứ Điều 345 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, văn hóa, danh lam, thắng cảnh gây hậu quả nghiêm trọng như sau: Tội vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, văn hóa, danh lam, thắng cảnh gây hậu quả nghiêm trọng: Người nào vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam, thắng cảnh, gây hư hại di tích lịch sử, văn hóa, danh lam, thắng cảnh có giá trị từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; hủy hoại, làm thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh cấp tỉnh hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm...

Ngoài ra, theo khoản 3 Mục I Công văn 206/TANDTC-PC năm 2022 có hướng dẫn về vấn đề này: Người có hành vi hủy hoại tài sản thuộc khu di tích lịch sử, văn hóa hoặc danh lam thắng cảnh có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên thì phạm tội “Vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 345 Bộ luật Hình sự hay tội “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” theo Điều 178 Bộ luật Hình sự hay cả hai tội? Trường hợp người có hành vi hủy hoại tài sản thuộc khu di tích lịch sử, văn hóa hoặc danh lam thắng cảnh mà hành vi hủy hoại đã làm cho tài sản của khu di tích bị hư hỏng hoặc mất giá trị sử dụng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo quy định tại Điều 178 của Bộ luật Hình sự nếu có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm. Trường hợp người có hành vi hủy hoại tài sản thuộc khu di tích lịch sử mà hành vi hủy hoại đã làm cho tài sản của khu di tích bị hư hỏng hoặc mất giá trị sử dụng thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hủy hoại tài sản nếu có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm.

Dẫn ra những quy định trên để thấy rằng, việc vùi lấp di tích Giếng Ngọc là có dấu hiệu của hành vi huỷ hoại tài sản. Vì thế, các cơ quan chức năng, các cấp có thẩm quyền cần vào cuộc kiên quyết để xem xét, xử lý theo đúng quy định của pháp luật về di sản văn hóa, không để vụ việc “chìm xuồng” như mười năm qua.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc