Đề cao đạo đức và văn hóa kinh doanh

PGS.TS BÙI HOÀI SƠN

VHO - Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị ra đời trong bối cảnh đầy ý nghĩa, đã không chỉ xem kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế, mà còn đặt ra yêu cầu nâng cao chuẩn mực đạo đức, văn hóa kinh doanh, coi đây là “chìa khóa vàng” để doanh nghiệp Việt Nam hội nhập thành công.

 Đề cao đạo đức và văn hóa kinh doanh  - ảnh 1
Không chỉ thừa nhận, Nghị quyết 68 còn trân trọng, nuôi dưỡng tinh thần kinh doanh, khẳng định vai trò của doanh nhân là những người "chiến sĩ trên mặt trận kinh tế". Ảnh: VGP

Điều này càng có ý nghĩa khi đặt cạnh tinh thần Nghị quyết 66-NQ/TW về công tác lập pháp, vốn nhấn mạnh việc hoàn thiện thể chế, bảo đảm quyền tự do kinh doanh, tạo sân chơi bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, đặc biệt qua việc chuẩn hóa hành lang pháp lý phù hợp với thông lệ quốc tế. 

Trong bối cảnh đó, đạo đức và văn hóa kinh doanh không còn là khẩu hiệu mang tính hình thức, mà là nền tảng để xây dựng niềm tin - tài sản quý giá nhất trong thời đại hội nhập.

Một doanh nghiệp có thể có vốn lớn, công nghệ hiện đại, chiến lược sắc bén, nhưng nếu thiếu niềm tin từ khách hàng, đối tác, xã hội, tất cả đều dễ sụp đổ. Niềm tin ấy chỉ có thể được vun đắp bằng hành vi kinh doanh trung thực, minh bạch, tuân thủ pháp luật, thực hiện đúng cam kết, quan tâm tới lợi ích cộng đồng và coi trọng giá trị con người.

Trong các nền kinh tế phát triển, đạo đức và văn hóa kinh doanh luôn được coi là trụ cột. Hãy nhìn vào Nhật Bản, quốc gia nổi tiếng với khái niệm “Monozukuri” (nghệ thuật chế tác) không chỉ chú trọng đến chất lượng sản phẩm, mà còn gắn với sự tận tâm, tôn trọng khách hàng và môi trường.

Hay Đức, cường quốc công nghiệp châu Âu, nơi “Made in Germany” đã trở thành biểu tượng toàn cầu của uy tín, một phần nhờ văn hóa kinh doanh lấy trách nhiệm xã hội làm trung tâm.

Ở Mỹ, các tập đoàn như Microsoft, Apple, Google đều đầu tư hàng tỉ USD mỗi năm cho các quỹ từ thiện, phát triển cộng đồng, nâng cao hình ảnh thương hiệu bền vững.

Những bài học ấy nhắc nhở doanh nghiệp Việt Nam rằng, để bước ra biển lớn, không thể chỉ mang theo khát vọng, mà phải mang theo cả những giá trị chuẩn mực.

Nghị quyết 68 đã xác lập bộ tiêu chí đánh giá doanh nghiệp tư nhân theo chuẩn quốc tế: Tuân thủ pháp luật, giải quyết việc làm, đóng góp ngân sách nhà nước, tham gia hoạt động an sinh xã hội.

Đây không chỉ là thước đo thành công, mà còn là “tấm hộ chiếu” giúp doanh nghiệp Việt Nam chinh phục niềm tin của thị trường quốc tế. Những câu chuyện thành công trong nước đã chứng minh điều đó. Vinamilk với chiến dịch “Quỹ 1 triệu cây xanh cho Việt Nam”, Vingroup với hàng loạt dự án giáo dục, y tế phi lợi nhuận, TH True Milk với cam kết sản xuất xanh, giảm phát thải carbon… tất cả đều là minh chứng sống động cho tinh thần gắn kết kinh doanh với trách nhiệm xã hội.

Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều thách thức. Theo Tổng điều tra kinh tế 2024, phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam vẫn coi nhẹ yếu tố đạo đức và văn hóa kinh doanh, tập trung ngắn hạn vào lợi nhuận, thiếu chiến lược bền vững.

Đây là “gót chân Achilles” cản trở sự lớn mạnh của khu vực kinh tế tư nhân. Vì thế, thúc đẩy đạo đức kinh doanh không thể chỉ dừng ở lời kêu gọi, mà cần trở thành một phong trào xã hội, một “chuẩn mực mới” được lan tỏa từ giáo dục, truyền thông, đến chính sách.

Nghị quyết 68 kêu gọi khẩn trương đưa chương trình đào tạo khởi nghiệp, kinh doanh vào các cơ sở giáo dục, nhằm sớm hình thành tư duy kinh doanh có đạo đức trong giới trẻ. Điều này hết sức cấp thiết.

Một thế hệ doanh nhân trẻ chỉ giỏi làm giàu nhưng thiếu tinh thần trách nhiệm xã hội, thiếu bản lĩnh tuân thủ pháp luật, không thể tạo ra một nền kinh tế bền vững.

Ngược lại, một thế hệ doanh nhân mang trong mình khát vọng vươn lên, gắn bó với cộng đồng, trân trọng giá trị lao động, sáng tạo sẽ là những người dẫn đường đưa Việt Nam bứt phá. Để đạt được điều đó, không thể thiếu vai trò của Nhà nước kiến tạo.

Tinh thần Nghị quyết 66-NQ/TW về lập pháp đã nhấn mạnh sự cần thiết phải hoàn thiện khung pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, đồng thời nghiêm khắc xử lý các hành vi gian lận, cạnh tranh không lành mạnh, thao túng chính sách.

Chỉ khi “sân chơi” được thiết kế minh bạch, công bằng, đạo đức kinh doanh mới thực sự trở thành lợi thế cạnh tranh chứ không phải là gánh nặng. Về phía doanh nghiệp, cần chủ động chuyển mình, xây dựng văn hóa nội bộ dựa trên các giá trị trung thực, tôn trọng, hợp tác, đổi mới.

Đào tạo nhân viên về đạo đức nghề nghiệp, thiết lập hệ thống quản trị tuân thủ (compliance), công khai báo cáo trách nhiệm xã hội (CSR report), áp dụng bộ tiêu chuẩn môi trường - xã hội - quản trị (ESG) đang dần trở thành yêu cầu tất yếu.

Đây cũng chính là cách các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Mỹ khẳng định vị thế trên thương trường quốc tế. Khi đạo đức và văn hóa kinh doanh trở thành nền tảng, doanh nghiệp Việt Nam không chỉ chinh phục niềm tin trong nước, mà còn có thể bước ra thế giới, trở thành những thương hiệu quốc gia đáng tự hào.

Đó không chỉ là câu chuyện của một vài tên tuổi lớn, mà phải là chuyển động đồng bộ của cả cộng đồng doanh nghiệp, từ siêu nhỏ, nhỏ, vừa đến lớn. Đó cũng không chỉ là nhiệm vụ của riêng doanh nghiệp, mà là trách nhiệm của toàn xã hội, từ người tiêu dùng, các hiệp hội, truyền thông, đến cơ quan quản lý nhà nước.

Trong kỷ nguyên hội nhập đầy cạnh tranh và biến động, tài sản lớn nhất của một doanh nghiệp không phải là vốn liếng, không phải là nhà xưởng, máy móc, mà chính là niềm tin của xã hội. Và để xây dựng được niềm tin ấy, không có con đường nào bền vững hơn con đường đạo đức và văn hóa kinh doanh.

Nghị quyết 68 đã mở ra cánh cửa lớn - giờ đây, nhiệm vụ của chúng ta là bước qua cánh cửa ấy với khát vọng, bản lĩnh và sự trung thực, để không chỉ làm giàu cho chính mình, mà còn làm giàu cho đất nước, làm đẹp hình ảnh Việt Nam trên bản đồ kinh tế toàn cầu.