Vùi lấp di tích Giếng Ngọc ở Thanh Hóa:

Thị xã Nghi Sơn vẫn… né trách nhiệm?

NGUYỄN LINH

VHO - Sau gần hai tháng kể từ khi Văn Hóa có bài “Di tích Giếng Ngọc thuộc cụm di tích lịch sử, thắng cảnh Nghi Sơn (Thanh Hóa): Di tích bị bức tử, đề nghị phục hồi bị ngó lơ”, ngày 3.8, UBND thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa) có “Báo cáo kết quả kiểm tra phản ánh của Báo Văn Hóa về di tích Giếng Ngọc Mỵ Châu - Trọng Thủy” gửi cơ quan chức năng.

Thị xã Nghi Sơn vẫn… né trách nhiệm? - ảnh 1
Ông Nguyễn Ngọc Thương, Chủ tịch UBND xã Nghi Sơn khẳng định, nơi đây chính là vị trí di tích Giếng Ngọc bị vùi lấp do quá trình thi công làm đường

 Tuy nhiên, điều dư luận đang rất trông chờ là trách nhiệm của các bên liên quan trong việc “vô tư” vùi lấp Giếng Ngọc lại không được UBND thị xã Nghi Sơn chỉ ra, nói cách khác, chủ đầu tư và đơn vị thi công “xóa sổ” di tích vẫn chưa được làm rõ để đối mặt với cơ quan có thẩm quyền.

Thừa nhận “xóa sổ” di tích nhưng không có trách nhiệm

Báo cáo dài kín hai trang do Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghi Sơn Mai Sỹ Lân ký không hề có câu từ, nội dung nào đề cập đến trách nhiệm của chủ đầu tư và đơn vị thi công khi triển khai thi công tuyến đường vào cảng nước sâu Nghi Sơn khiến di tích Giếng Ngọc bị vùi lấp hoàn toàn cách nay hơn một thập kỷ. Ngoài ra, vào các năm 2008 và 2013, UBND xã Nghi Sơn đã có văn bản đề nghị Ban Quản lý khu kinh tế Nghi Sơn, UBND huyện Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn) cho phép UBND xã Nghi Sơn quy hoạch lại mặt bằng diện tích đất trên nền móng cũ của Giếng Ngọc, đồng thời làm các thủ tục để phục hồi, tôn tạo, nhưng đến nay vẫn chưa có sự phản hồi từ cơ quan chức năng và cấp thẩm quyền, cũng chưa được các bên liên quan nói đến trong Báo cáo này.

Trong khi đó Báo cáo của UBND thị xã Nghi Sơn đã thừa nhận và thể hiện rõ việc “khai tử” di tích: Theo hồ sơ xếp hạng di tích, Giếng Ngọc Mỵ Châu - Trọng Thủy nằm trong cụm di tích lịch sử thắng cảnh Nghi Sơn (Biện Sơn) thuộc xã Nghi Sơn theo quyết định số 136/VHQĐ ngày 4.5.1995 của Giám đốc Sở VHTT (nay là Sở VHTTDL Thanh Hóa). Báo cáo của UBND xã Nghi Sơn cho hay, năm 2001 trong quá trình thi công tuyến đường đi cảng nước sâu Nghi Sơn, di tích đã bị vùi lấp. Năm 2008, một số cán bộ và nhân dân của xã Nghi Sơn đã về khu vực có di tích, tự khảo sát và tìm lại Giếng Ngọc, tự quây lại khu vực có giếng và dựng lên một tấm bia; đồng thời đề nghị với các ngành chức năng xin được tôn tạo lại di tích lịch sử Giếng Ngọc. Năm 2013-2014, tiếp tục mở rộng tuyến đường vào cảng nước sâu Nghi Sơn, thời điểm này di tích Giếng Ngọc đã bị vùi lấp và không khôi phục được.

Như vậy, việc chủ đầu tư và đơn vị thi công tuyến đường đi cảng nước sâu Nghi Sơn vùi lấp di tích Giếng Ngọc Mỵ Châu - Trọng Thủy đã quá rõ ràng, thế nhưng trách nhiệm trước pháp luật về hành vi này lại bị lờ đi, coi như không có bất cứ tổ chức, cá nhân nào phải nhận lỗi. Như Văn Hóa thông tin, câu chuyện về di tích Giếng Ngọc nằm dưới chân núi Biện Sơn ở phía Tây Nam của xã Nghi Sơn, thuộc cụm di tích lịch sử, thắng cảnh Nghi Sơn (Biện Sơn) được Sở VHTT Thanh Hóa (nay là Sở VHTTDL) xếp hạng Di tích cấp tỉnh tại quyết định số 136/VHQĐ ngày 4.5.1995 gắn liền với truyền thuyết Mỵ Châu thời Hùng Vương bị vùi lấp hơn một thập kỷ qua khi thi công tuyến đường vào cảng nước sâu Nghi Sơn khiến không ít người ngạc nhiên, chạnh lòng. Điều đáng nói, kể từ đó cho đến nay chủ đầu tư, đơn vị thi công không bị hề hấn gì trong khi di tích Giếng Ngọc đã được nhà nước xếp hạng, bảo vệ đã bị “xóa sổ” vĩnh viễn.

Thị xã Nghi Sơn vẫn… né trách nhiệm? - ảnh 2
Văn bản Báo cáo về vùi lấp di tích

Bao giờ mới khôi phục di tích?

Trước phản ánh của Văn Hóa, UBND thị xã Nghi Sơn đã tiến hành kiểm tra hiện trạng di tích và làm việc với UBND xã Nghi Sơn, Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và Các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa (là chủ đầu tư dự án tuyến đường vào Cảng nước sâu Nghi Sơn), sau đó có báo cáo gửi các cơ quan chức năng. Trước thực trạng di tích Giếng Ngọc bị lấp, tháng 11.2014, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chấp thuận cho Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng công trình Mê Kông thực hiện dự án đầu tư Xây dựng Khu dịch vụ du lịch, thương mại tổng hợp đầu tư tôn tạo, bảo tồn di tích Giếng Ngọc, đền Mỵ Châu Công chúa tại xã Nghi Sơn, diện tích dự kiến thực hiện khoảng 3,5 ha.

Lý giải về việc kể từ khi bị vùi lấp cho đến thời điểm hiện tại dự án đầu tư tôn tạo, bảo tồn di tích Giếng Ngọc vẫn chưa triển khai và khôi phục, đại diện phòng Quản lý Đầu tư, Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa cho biết, sau khi điều chỉnh mở rộng Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1699/ QĐ-TTg ngày 7.12.2018, chủ đầu tư đã nghiên cứu triển khai dự án. Tuy nhiên quá trình xây dựng tuyến đường đi cảng Nghi Sơn ảnh hưởng đến địa chất xung quanh khu vực, mặt khác do địa hình địa chất đồi núi phức tạp, một số vị trí dễ bị sạt trượt nên việc nghiên cứu đầu tư gặp nhiều khó khăn. Chủ đầu tư sau đó đã thuê đơn vị tư vấn nghiên cứu vị trí thực hiện dự án, đánh giá tính khả thi trong công tác thi công, xây dựng dự án làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo. Mặt khác chỉ tiêu đất thương mại dịch vụ của thị xã Nghi Sơn không đủ, dự án hiện không phù hợp với điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 thị xã Nghi Sơn được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1505/QĐ-UBND ngày 17.4.2024, không có trong kế hoạch thực hiện năm 2024.

Sau khi hoàn thành việc đánh giá về địa hình địa chất tại vị trí dự án, xây dựng phương án đảm bảo các yêu cầu về an toàn trong quá trình thi công dự án đồng thời chỉ tiêu sử dụng đất thương mại dịch vụ được UBND thị xã Nghi Sơn phân bổ làm cơ sở để chủ đầu tư thực hiện các công việc tiếp theo. Tại Báo cáo này, UBND thị xã Nghi Sơn một lần nữa nhấn mạnh, Giếng Ngọc là di tích cấp tỉnh do đó việc khôi phục di tích là cần thiết để phát huy giá trị trong giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa cũng như đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân. UBND thị xã Nghi Sơn đề nghị Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và Các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa, UBND xã Nghi Sơn tiếp tục làm việc với nhà đầu tư để xác định rõ tiến độ triển khai dự án, tăng cường quản lý nhà nước về các di tích lịch sử trên địa bàn, đồng thời phát huy tác dụng của các di tích để giáo dục truyền thống cho nhân dân trên địa bàn; nghiên cứu phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất thương mại dịch vụ theo nhu cầu của dự án.

Một báo cáo theo tinh thần né trách nhiệm, tất cả “hòa cả làng” khiến những người quan tâm đến di tích Giếng Ngọc không khỏi bức xúc. Thiết nghĩ, UBND tỉnh Thanh Hóa cần có những chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm vùi lấp Giếng Ngọc, một di tích lịch sử cấp tỉnh để có hướng xử lý theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa. 

 Một báo cáo theo tinh thần né trách nhiệm, tất cả “hòa cả làng” khiến những người quan tâm đến di tích Giếng Ngọc không khỏi bức xúc. Thiết nghĩ, UBND tỉnh Thanh Hóa cần có những chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm vùi lấp Giếng Ngọc, một di tích lịch sử cấp tỉnh để có hướng xử lý theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc