Thảo luận giải pháp nâng cao hiệu quả ngành Quản lý văn hóa

THÙY TRANG

VHO - Hội thảo khoa học sinh viên, học viên ngành Quản lý văn hóa (mở rộng) năm 2024 vừa được tổ chức tại Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, thu hút sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp và đông đảo sinh viên, học viên. Sự kiện do Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật tổ chức, nhằm tạo cơ hội để các nghiên cứu, ý tưởng mới trong lĩnh vực quản lý văn hóa được chia sẻ và thảo luận.

Thảo luận giải pháp nâng cao hiệu quả ngành Quản lý văn hóa - ảnh 1
Các đại biểu tham gia hội thảo

Theo TS Vũ Thị Phương, Trưởng khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật, Trưởng BTC: Ngành văn hóa hiện đang đối mặt với cả cơ hội và thách thức trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi số. Sự phát triển của công nghệ mới, như trí tuệ nhân tạo và kỹ thuật số, đã thay đổi cách tiếp cận và quản lý văn hóa, chuyển từ bảo tồn sang khai thác văn hóa như một nguồn lực kinh tế… 

Vì thế, yêu cầu đặt ra là các nhà quản lý văn hóa không chỉ am hiểu nghệ thuật và di sản, mà còn phải thành thạo công nghệ và chiến lược kỹ thuật số để ứng phó với sự phức tạp ngày càng tăng.

TS Vũ Thị Phương cho biết, hội thảo lần này là một trong các hoạt động hướng tới kỷ niệm 50 năm thành lập Trường ĐH Văn hóa TP.HCM vào năm 2026. Hội thảo nhằm đánh giá tình hình nghiên cứu, giảng dạy và học tập ngành Quản lý văn hóa, nghệ thuật suốt 50 năm qua.

Đây là dịp không chỉ để nhìn lại những thành tựu mà còn thảo luận về các vấn đề như công nghiệp văn hóa, hội nhập quốc tế, giáo dục văn hóa và các khía cạnh lịch sử, hiện đại. Đặc biệt, hội thảo mong muốn làm nổi bật tính ứng dụng trong quản lý văn hóa và tìm ra các giải pháp thực tiễn để nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành.

Thảo luận giải pháp nâng cao hiệu quả ngành Quản lý văn hóa - ảnh 2
PGS.TS Phan An - Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ chia sẻ ý kiến tại hội thảo

Trường ĐH Văn hóa TP.HCM đào tạo ngành Quản lý văn hóa bậc đại học từ năm 2006. Năm 2011, trường triển khai đào tạo trình độ thạc sĩ, và năm 2022, khóa tiến sĩ đầu tiên được tuyển sinh. Chương trình đào tạo đại học ngành Quản lý văn hóa của trường đã được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng vào năm 2023.

Theo các chuyên gia, ngành Quản lý văn hóa hiện đang đối mặt với nhiều thách thức. Một trong những yêu cầu quan trọng là mở rộng phạm vi quản lý văn hóa, đặc biệt là cần phát triển tư duy tích hợp văn hóa với các lĩnh vực khác như kinh tế, công nghệ và phát triển bền vững để đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ hội nhập toàn cầu.

Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ trong quản lý văn hóa đang trở thành yếu tố then chốt. Công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) và các nền tảng kỹ thuật số giúp các nhà quản lý có thể tương tác hiệu quả hơn với khán giả toàn cầu.

Thảo luận giải pháp nâng cao hiệu quả ngành Quản lý văn hóa - ảnh 3
Chuyên gia cho rằng ngành Quản lý văn hóa cần tập trung thúc đẩy các sáng kiến đổi mới, xây dựng chiến lược phát triển toàn diện

Một thách thức khác là sự chuyển đổi phương pháp quản lý, khi các mô hình hành chính truyền thống cần được thay thế bằng các mô hình sáng tạo và chiến lược linh hoạt để bắt kịp sự thay đổi nhanh chóng của thị trường và nhu cầu xã hội.

Sự cạnh tranh trên thị trường toàn cầu ngày càng gay gắt, đòi hỏi ngành Quản lý văn hóa phải không ngừng đổi mới để nâng cao giá trị sản phẩm văn hóa và đáp ứng nhu cầu đa dạng của khán giả.

Để vượt qua những thách thức này, ngành Quản lý văn hóa cần tập trung thúc đẩy các sáng kiến đổi mới, xây dựng chiến lược phát triển toàn diện, đồng thời trang bị các kỹ năng cần thiết như lãnh đạo bản thân, hợp tác với trí tuệ nhân tạo và sử dụng hiệu quả các nền tảng kỹ thuật số.

Tại hội thảo, nhiều đề tài và lĩnh vực nghiên cứu đã được trình bày, phản ánh sự đa dạng và sâu rộng trong việc nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa. Đáng chú ý, không chỉ các chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên và doanh nghiệp, mà phần lớn các nghiên cứu là của sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh.

Thảo luận giải pháp nâng cao hiệu quả ngành Quản lý văn hóa - ảnh 4
Nhiều đề tài, lĩnh vực đã được chia sẻ tại diễn đàn khoa học

Qua đây, có thể thấy sự tham gia mạnh mẽ của thế hệ trẻ trong công tác nghiên cứu và bảo tồn văn hóa, đồng thời thể hiện sự quan tâm sâu sắc và trách nhiệm của họ đối với việc gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống.

Các nghiên cứu tập trung vào bảo tồn tài liệu cổ, như nghiên cứu về tài liệu cổ của Nguyễn Đình Chiểu và các giá trị di sản văn hóa tại địa phương.

Ngoài ra, các đề tài liên quan đến di sản văn hóa gắn với du lịch, như chuyển đổi giá trị di sản trong hoạt động du lịch và bảo tồn di sản trong bối cảnh phát triển du lịch bền vững, cũng được nhấn mạnh.

Những nghiên cứu về nghệ thuật truyền thống, như bảo tồn nghệ thuật múa bóng rỗi, nhạc Khmer, hay các hoạt động trưng bày tại bảo tàng, cho thấy sự quan trọng của việc giữ gìn những giá trị văn hóa độc đáo trong xã hội hiện đại.

Bên cạnh đó, các đề tài về giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực văn hóa, giá trị văn hóa các tộc người, chính sách phát triển ngành văn hóa, văn hóa đối ngoại và hội nhập quốc tế,… cũng được thảo luận nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong ngành văn hóa, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững và bảo tồn giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc.

Các nghiên cứu này cũng làm nổi bật vai trò của giáo dục trong việc truyền đạt và phát huy các giá trị văn hóa, đặc biệt là trong việc giảng dạy về văn hóa các tộc người thiểu số, cũng như nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn di sản văn hóa.

Thảo luận giải pháp nâng cao hiệu quả ngành Quản lý văn hóa - ảnh 5
Các chuyên gia cũng chia sẻ nhiều mô hình, kinh nghiệm quốc tế để nghiên cứu áp dụng tại Việt Nam

Các đề tài nghiên cứu tại hội thảo không chỉ mang tính lý luận mà còn có giá trị ứng dụng thực tiễn, giúp định hướng các giải pháp cụ thể trong việc bảo vệ và phát triển di sản văn hóa, đồng thời kết nối văn hóa với các lĩnh vực khác như du lịch, giáo dục và phát triển bền vững.

Dịp này, Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật cũng đã trao Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2024; khen thưởng sinh viên có thành tích nghiên cứu khoa học xuất sắc nhất năm 2024 và trao giải Minigame về cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học 2024.