Kỷ niệm 80 năm khởi nghĩa Ba Tơ (11.3.1945 - 11.3.2025):
Súng trường Nhật đánh Pháp
VHO - Cụ Phan Em, sinh năm 1923 đọc một tràng tiếng Nhật hiệu lệnh bắt lính Nhật đầu hàng. Đối với cụ, học tiếng Nhật là quá khó, vì lúc nhỏ học chữ Nho, lớn hơn thì học chữ quốc ngữ, bản cửu chương vẫn đọc bằng chữ Hán: “Bát cửu bát nhị/Thất cửu lục tam/Lục cửu ngũ tứ…”. Kỷ niệm 80 năm khởi nghĩa Ba Tơ, hầu hết những người lính cùng thời với cụ đều đã qua đời.

Bên dòng sông Trà
Năm 1935, cậu Em 12 tuổi (Phan Em, bí danh Phan Đệ) và bạn bè có trò chơi hằng ngày là chạy quanh bờ xe nước. Nhà của cậu ở xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh. Lớn lên bên cạnh dòng sông Trà, hình ảnh in đậm trong tâm trí của lũ trẻ thời đó là âm thanh tạch… tạch…xào…xào của bờ xe nước.
Những cỗ bánh xe khổng lồ bằng tre quay suốt ngày đêm và được ông trùm, bảo cử chăm sóc để đưa nước lên đồng ruộng. Các ông này vẫn để mái tóc dài, vấn búi trên đầu.
Mãi tới hơn 10 tuổi thì cậu Em mới được gia đình đưa đến học ở trong ngôi nhà tranh vách đất của thầy Nguyễn Biếc. Lớp học 18 học sinh. Ông thầy giáo mặc áo dài đen, khăn đóng, tóc để búi trên đầu. Thầy luôn ca ngợi chữ Nho là của thánh hiền, mặc dù trong làng đã có nhiều người học chữ Quốc ngữ và tiếng Pháp để thi lấy bằng prime.
Sau này ông Em nghĩ lại và cho biết, thời đó đã bỏ thi Hương rồi (từ năm 1919), nhưng ở làng quê thì các ông giáo vẫn không chịu bỏ chữ Nho và luôn miệng chửi “chữ quốc ngữ là thứ chùi đ…, chữ Nho là chữ Thánh hiền”.
Dù cổ hủ, nhưng các thầy Nho thường ấp ủ trong lòng tinh thần dân tộc, học trò thân mật lắm thì mới được thầy kể cho nghe câu chuyện về biểu tình đòi chính quyền bảo hộ giảm sưu thuế, phong trào Đông Du của cụ Phan Bội Châu, vụ Hà Thành đầu độc và 13 người bị xử án chém đầu.
Dòng sông Trà vào thời đó đầy ắp nước và là một tuyến giao thông tấp nập thuyền bè, giao thương. Những người sống ở ven sông có điều kiện tiếp xúc với nhiều thành phần xã hội, những người có học thức, một tờ báo được chuyền tay.
Và cũng nhờ đó, các ông thầy Nho ở trong làng thêm được nhiều câu chuyện về Nhật Bản. Có bữa vào giờ học, thầy giáo kể về Trung Hoa và Nhật Bản đánh nhau và quân Nhật Bản thừa thắng đang tiến về Bắc Kinh.
Bên Trung Quốc thời đó gọi giặc Nhật Bản là oa khẩu, có nghĩa là giặc lùn đến từ biển. Cậu Em và đám học trò nghe oa khẩu mạnh quá nên ai cũng tò mò. Sau này thầy giáo giảng giải rằng, giặc oa khẩu có máy bay, có tàu sân bay.(phản lực A5M và tàu sân bay Hosho, Ryujo).
Rồi cậu Em phải bỏ học giữa chừng vì người cha qua đời vào năm 1935. Cậu xin phép thầy có dịp được quay trở lại để nghe kể về giặc Nhật. Vì bạn bè của cậu nói, không biết giặc Nhật và Pháp thì bên nào mạnh hơn.
Đối mặt: Pháp, Nhật
Thanh niên sống ở những ngôi làng dọc theo dòng sông Trà thường được tiếp cận tin tức thời sự nhanh hơn những người sống ở các vùng quê nằm sâu bên trong. Những tờ báo Tiếng Dân, tờ truyền đơn phổ biến bài viết của cụ Phan Chu Trinh được chia sẻ.
Cậu Em nghe người lớn nói về Viện Dân Biểu Trung Kỳ để có tiếng nói của người dân, nhưng cụ Phan Chu Trinh đấu tranh đòi Toàn quyền Đông Dương phải bố trí người Việt Nam trong Bộ Thuộc Địa ở Pháp để bảo vệ quyền lợi xứ bảo hộ. Cuốn sách được phổ biến khá nhiều là “Trung Kỳ dân biến thỷ mạt ký”.
Năm 1941, nhiều người cập ghe, vào làng kể chuyện Nhật lùn và đọc bài thơ Chiêu hồn nước của cụ Phan Chu Trinh: “…Nên mau mau dậy ngay kẻo muộn!/ Mà xót thương đến chốn Nhị, Nùng/ Xưa kia vẫn lắm anh hùng/ Dọc ngang trời đất vẫy vùng bể khơi…”. Về chi tiết này, Lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi đề cập “quân Nhật đóng quân tại Châu Ổ, Cổ Lũy, Sa Huỳnh và tuyên truyền sang giúp người Việt Nam”.
Phong trào cách mạng, những nhân vật sớm tham gia vào Việt Minh vào thời đó phần nhiều xuất thân từ ngôi làng nằm ven sông Trà. Cách làng cụ không xa, tại làng rèn xã Tịnh Minh có anh em ông Phạm Kiệt (sau này là Trung tướng Phạm Kiệt) tham gia Thanh niên Cách mạng đồng chí hội và bị Tây bỏ tù, nổi bật nhất là tại xã Tịnh Giang đã thành lập đội du kích 80 người và được Tỉnh ủy Quảng Ngãi phổ biến 2 tờ báo Bẻ Xiềng Xích. Hai số báo này và một số tài liệu được Xứ ủy Trung Kỳ chuyển đến.
Trong lúc cậu Em và bà con trong làng đang bàn tán về luận điệu tuyên truyền của binh lính Nhật Bản về chủ trương “Đại Đông Á” thì có một sự kiện bước ngoặt. Cán bộ Việt Minh thông báo: “Nhật, Pháp đều là kẻ thù của Đông Dương”.
Tin tức trên xuất phát từ Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 được tổ chức vào cuối năm 1941. Năm đó cậu Em 18 tuổi. Trong dịp kỷ niệm 70 năm khởi nghĩa Ba Tơ (năm 2015), ông nói: “Nhật là kẻ thù, nhưng sau đó lại là bạn, dựa vào Việt Minh”.
Từ năm 16 tuổi, cậu thanh niên Phan Em đã tham gia vào các hoạt động của Việt Minh, cậu tỏ ra phấn khởi khi có tin truyền đơn bắt đầu xuất hiện trên đường với lời kêu gọi “tham gia Việt Minh, cùng đánh đuổi Pháp, Nhật”.
Ngày 9.3.1945, Nhật đảo chính Pháp và chính quyền thông báo lệnh giới nghiêm, tuyên bố hủy bỏ các hiệp ước đã ký (Hòa ước Giáp Thân 1884) giữa triều đình nhà Nguyễn với Chính phủ Pháp. Cùng thời điểm đó, tin tức bùng nổ khắp các làng quê là du kích Ba Tơ đã nổi dậy thành lập vùng tự do vào ngày 11.3.1945.

Lính Nhật: Kẻ thù và bạn
Theo các tài liệu lịch sử, năm 1945, có một tiểu đội lính Nhật đóng tại thị trấn Đức Phổ (nay là thị xã), tại thị trấn Sa Huỳnh (nay là phường Phổ Thạnh) có hai tên lính Nhật được trang bị súng máy và chốt tại Sở Thương Chánh, tại tỉnh lỵ
Quảng Ngãi có 1 tiểu đoàn lính Nhật đồn trú. Kể từ ngày Nhật đảo chính Pháp đến ngày Nhật tuyên bố đầu hàng (5 tháng 5) quân đội Đồng Minh vào ngày 14.8.1945. Trước đó hơn 4 tháng, vào ngày 4.4.1945, người thanh niên Phan Em đã chính thức nhập ngũ vào đội du kích Ba Tơ, thuộc đại đội Phan Đình Phùng, buổi lễ tuyên thệ diễn ra ban đêm tại chợ Thạch An, thuộc địa phận xã Bình Mỹ, huyện Bình Sơn.
Trận đầu tiên đi đánh đồn Nhật vào tháng 5.1945, tốp lính trẻ được phân công đi đánh có tên là Quy, Long, Ly, Hổ, Đệ, Thời. Khi bơi ghe sang sông và bắt đầu tấn công vào lô cốt, cả nhóm bị bắn chìm ghe và ông Em (Đệ) lặn xuống nước bị rong quấn cổ.
Ông kể, cứ nghĩ mới đi đánh lần đầu mà chết vầy là uổng mạng cha sinh mẹ đẻ, nhưng rồi may mắn là ngoi lên được và bơi vô bờ. Đánh giặc lúc đó vẫn theo chiến thuật của thời xưa, đó là một người đứng bên bờ với con ốc u, khi nghe tiếng thổi thì có nghĩa là lệnh rút quân.
Mới công đồn Nhật được 2 lần thì có tin quân Nhật đầu hàng Quân đội Đồng Minh và Thủ tướng Trần Trọng Kim cùng với Chính phủ bù nhìn đều từ chức. Mới ngày hôm qua lính Nhật là kẻ thù, nhưng hôm sau đã trở thành những người cầu viện sự che chở của Việt Minh.
Một số lính Nhật chạy về phía cách mạng và trở thành giáo viên dạy môn chiến thuật để đánh Pháp. Cụ Em kể “lính Nhật có vũ khí mạnh, rồi chiến thuật cũng rất giỏi, nó huấn luyện mà mình không thể theo kịp, vì quá nhanh”.
Những người lính Nhật dạy cho ông Em và đồng đội bài ôm súng trường Type 99 Arisaka dọc theo thân người và lăn tròn, bắn 1 - 2 viên đạn là phải lăn 3 - 4 vòng để tránh đạn của giặc Pháp. Những người lính Nhật này đều được đặt 1 cái tên kiểu Việt Nam.
Có một người lính Nhật sau này khá nổi tiếng là Choji Suzuki, SN 1919, võ sư Karate (tên Việt Nam là Phạm Văn Phúc). Ông trở thành huấn luyện viên võ thuật cho du kích, ông cũng rất giỏi các nghề rèn, nấu thủy tinh. Trong cuốn sách về du kích Ba Tơ có hình ảnh của Choji Suzuki, sau này ông trở thành tổ sư Karate Việt Nam.