Kỷ niệm 80 năm cuộc khởi nghĩa Ba Tơ (11.3.1945 - 11.3.2025):
Đi lên từ truyền thống hào hùng
VHO - Ba Tơ là huyện miền núi nằm về phía Tây Nam của tỉnh Quảng Ngãi. Vào thời điểm trước tháng 3.1945, Ba Tơ nổi tiếng rừng thiêng nước độc, nhiều lam sơn chướng khí, là địa bàn cư trú lâu đời của người Hre, một tộc người gan dạ, bất khuất, có sự kình định dai dẳng với bộ máy cai trị thực dân - phong kiến.
Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước năm 1975, dưới sự lãnh đạo của Đảng người dân Ba Tơ phát huy truyền thống bất khuất anh hùng, ý chí quật cường, đóng góp mồ hôi, xương máu vào sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước.

Mốc son trong lịch sử đấu tranh cách mạng
Cuối năm 1940, đầu năm 1941, thực dân Pháp chuyển các nhà tù ở Ba Tơ, Di Lăng (Sơn Hà) thành Căng an trí để đày ải, câu lưu tù chính trị đã mãn hạn. Người tù khi bị đưa đến Căng an trí Ba Tơ phải tự làm lụng nuôi thân, nhưng không được đi xa đồn kiểm soát quá 500m, mỗi ngày phải đến trình diện 2 lần.
Âm mưu của bọn thực dân là đánh gục ý chí và giết dần giết mòn thể xác các chiến sĩ cách mạng bằng đói khổ và bệnh tật. Nhưng thực tế hoàn toàn trái ngược với ý muốn của chúng. Đến khoảng cuối năm 1941, tại Căng an trí Ba Tơ, một số đảng viên cộng sản (trong đó có ông Nguyễn Đôn) bí mật lập ra Ủy ban vận động cách mạng.
Đến đầu năm 1942, tại đây hình thành một chi bộ Đảng gồm 5 đảng viên do ông Huỳnh Tấu làm Bí thư. Chi bộ làm nhiệm vụ Tỉnh ủy lâm thời, tìm cách liên lạc với cơ sở, các tỉnh bạn và cấp trên. Ủy ban Vận động Cách mạng tỉnh Quảng Ngãi cũng được thành lập (đến giữa năm 1943, đổi thành Ủy ban Vận động Cứu quốc) để lãnh đạo phong trào cứu quốc trong tỉnh.
Từ cuối năm 1943 đến đầu năm 1944, lần lượt các ông Phạm Kiệt, Trương Quang Giao, Trần Quý Hai, Trần Lương bị địch đưa từ các nhà tù khác về Căng an trí Ba Tơ. Tháng 12.1944, tại một địa điểm trên suối Nước Năng, Tỉnh ủy lâm thời được thành lập, ông Trương Quang Giao làm Bí thư Tỉnh ủy lâm thời và lãnh đạo Ủy ban Vận động Cứu quốc tỉnh; ông Phạm Kiệt chịu trách nhiệm về quân sự.
Ngày 9.3.1945, Nhật đảo chính, lật đổ Pháp trên toàn cõi Đông Dương. Ngày 10.3.1945, Tỉnh uỷ lâm thời Quảng Ngãi quyết định khởi nghĩa. Đêm 11.3.1945, đội quân khởi nghĩa do Phạm Kiệt, Nguyễn Đôn, Nguyễn Khoách chỉ huy được sự hưởng ứng của đông đảo đồng bào Kinh, Thượng chiếm Nha Kiểm lý và đồn Ba Tơ.
Sáng ngày 12.3.1945, một cuộc mít tinh lớn được tổ chức tại sân vận động Ba Tơ, tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng (Ủy ban nhân dân cách mạng Ba Tơ). Đội Du kích Ba Tơ chính thức ra mắt, là một trong những đội vũ trang tập trung thoát ly đầu tiên ở miền Nam Trung Bộ. Ủy ban nhân dân cách mạng Ba Tơ ban hành các quyền tự do dân chủ, xóa bỏ sưu, thuế, các khoản nợ vay nặng lãi. Đội quân khởi nghĩa cùng với đồng bào làm “Lễ ăn thề”, đoàn kết đánh Pháp, đuổi Nhật và tay sai.
Từ Ba Tơ, làn sóng khởi nghĩa lan nhanh đến các vùng lân cận ở Đức Phổ, Nghĩa Hành. Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ là một dấu son ngời sáng của Quảng Ngãi nói riêng và Việt Nam nói chung trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.
Ngày mới trên quê hương anh hùng
Thắng lợi cuộc khởi nghĩa Ba Tơ ngày 11.3.1945 và tiếp đến là Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã thổi bùng một luồng sinh khí mới với đồng bào các dân tộc anh em sống trên mảnh đất Ba Tơ kiên cường.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Ba Tơ đứng lên làm chủ vận mệnh của chính mình, phát huy truyền thống bất khuất anh hùng, ý chí quật cường, góp mồ hôi, xương máu vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975.
Đề cập đến thành tựu của huyện trong sự nghiệp đổi mới và phát triển, ông Đinh Ngọc Vỹ, Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện Ba Tơ cho biết: “Trải qua gần 40 năm đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Ba Tơ tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, đoàn kết, nhất trí, năng động, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, kiên trì phấn đấu giành được nhiều thành tựu quan trọng.
Với việc triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ đã đưa kinh tế của huyện từng bước vượt qua khó khăn, duy trì tăng trưởng khá qua từng năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo đúng định hướng. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có bước phát triển với sự tham gia đóng góp của toàn xã hội, tạo được sự gắn kết chặt chẽ với phát triển kinh tế; các chính sách an sinh xã hội đã góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”.
Nhìn lại tình hình phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong năm 2024 ông Phạm Giang Nam, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện nhấn mạnh: “Trong năm 2024, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng huyện đã hoàn thành hầu hết các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đề ra; kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch.
Tổng giá trị sản phẩm trên địa bàn (theo giá so sánh 2010) ước đạt trên 2.308 tỉ đồng (đạt 100,19% kế hoạch); cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng; giá trị sản phẩm bình quân đầu người ước đạt 50,70 triệu đồng/người/năm”.
Về Ba Tơ hôm nay, thăm nhà Bảo tàng và quần thể di tích khởi nghĩa Ba Tơ, khách tham quan còn được chiêm ngưỡng phong cảnh thiên nhiên ngoạn mục của một huyện vùng cao với núi Cao Muôn hùng vĩ, đèo Vi ô lăk quanh co trong lãng đãng sương mờ, dòng sông Liên lững lờ như dải lụa thả về xuôi...
Ba Tơ còn có plây Teng với những cô gái Hre dệt thổ cẩm mắt đen lay láy, điệu ta lêu ngọt lịm gọi mời, tiếng chiêng Ba Nam chập chờn đêm rừng lặng. Men rượu cà rỏ mềm môi, con cá niêng thơm lựng trên bếp than hồng, vòng tay ấm áp đêm hội là lời hẹn hò những trải nghiệm dân tộc học thú vị từ mảnh đất Ba Tơ hiền hòa, hiếu khách, thăm thẳm chiều sâu văn hóa.