Quy hoạch Di tích quốc gia đặc biệt Địa điểm về Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ thành điểm du lịch thăm quan về nguồn đặc sắc
VHO - Phó Thủ tướng Lê Thành Long ký Quyết định số 1677/QĐ-TTg ngày 27.12.2024 phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Địa điểm về Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu lập quy hoạch nhằm nhận diện, bảo tồn và gìn giữ lâu dài các giá trị hiện hữu của Di tích quốc gia đặc biệt Địa điểm về cuộc khởi nghĩa Ba Tơ cùng các di sản văn hóa liên quan, bảo đảm hài hòa giữa công tác bảo tồn di tích với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.
Hoàn chỉnh ranh giới, phạm vi khoanh vùng bảo vệ di tích. Xác định chức năng, chỉ tiêu sử dụng đất cho khu di tích, khu dân cư và khu vực bảo vệ môi trường. Định hướng tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan và bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật phù hợp trong khu vực lập quy hoạch.
Hình thành điểm du lịch thăm quan về nguồn đặc sắc, nơi tìm hiểu, tuyên truyền, giáo dục tinh thần yêu nước, truyền thống đấu tranh cách mạng của Nhân dân ta, kết hợp với thăm quan các khu vực cảnh quan tự nhiên, văn hóa truyền thống của địa phương. Đưa Di tích quốc gia đặc biệt Địa điểm về cuộc khởi nghĩa Ba Tơ trở thành một trong những điểm đến quan trọng trên tuyến đường kết nối thành phố Quảng Ngãi - Nghĩa Hành - Ba Tơ; tạo lập mối liên kết chặt chẽ giữa các điểm của di tích và với các tuyến du lịch khác của địa phương.
Định hướng lộ trình, các nhóm giải pháp tổng thể về quản lý, bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích gắn với phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch của địa phương; phát huy giá trị di sản và nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ di sản văn hóa, khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên gắn với du lịch bền vững, bảo vệ môi trường.
Đồng thời, xác lập cơ sở khoa học, căn cứ pháp lý để quản lý, bảo vệ di tích; thu hút, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển bền vững tại khu vực di tích; lập, thẩm định, phê duyệt và triển khai các dự án thành phần bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích. Xây dựng quy định để quản lý, kiểm soát không gian quy hoạch kiến trúc cảnh quan di tích và các khu vực liền kề.
Nhiệm vụ lập quy hoạch
9 nội dung Nhiệm vụ lập quy hoạch gồm:
Xác định yêu cầu nghiên cứu, khảo sát, đánh giá hiện trạng di tích; nghiên cứu, đánh giá yếu tố kinh tế - xã hội và môi trường tự nhiên liên quan đến nội dung quy hoạch;
Xác định đặc trưng và giá trị tiêu biểu của di tích: Nhận diện đặc trưng, yếu tố cấu thành di tích; cấu trúc không gian cảnh quan, các giá trị tiêu biểu khác của di tích; những hạn chế, khó khăn và các vấn đề cần giải quyết trong Quy hoạch;
Xác định quan điểm, mục tiêu và tầm nhìn quy hoạch;
Xác định các chỉ tiêu, dự báo phát triển của khu vực lập quy hoạch: Chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương và dự báo phát triển đô thị, du lịch; dự báo dân số và sức ép gia tăng dân số lên khu vực di tích; về lượng khách du lịch, nhu cầu du lịch và các dịch vụ du lịch; chỉ tiêu hạ tầng kỹ thuật;
Xác định nội dung và định hướng bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích;
Định hướng tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan, xây dựng công trình mới và hạ tầng kỹ thuật;
Định hướng phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch;
Đánh giá hiện trạng, xác định các vấn đề môi trường khu vực quy hoạch;
Kế hoạch thực hiện quy hoạch.
* Khởi nghĩa Ba Tơ là cuộc khởi nghĩa từng phần đầu tiên trong cả nước nổ ra và giành thắng lợi, là một trang ngời sáng trong lịch sử Quảng Ngãi và lịch sử cả nước.
Đội du kích Ba Tơ là một trong những lực lượng vũ trang cách mạng ra đời trong thời kỳ tiền khởi nghĩa và trở thành lực lượng nòng cốt của quần chúng cách mạng ở Quảng Ngãi trong những ngày tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, góp phần xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng ở Thừa Thiên Huế và vùng Nam Trung Bộ. Nhiều thành viên của đội du kích Ba Tơ về sau trở thành tướng lĩnh của Quân đội nhân dân Việt Nam, như các ông Phạm Kiệt, Nguyễn Đôn, Trần Quý Hai, Võ Thứ...
Từ năm 1985, tượng đài kỷ niệm và nhà Bảo tàng khởi nghĩa Ba Tơ đã được xây dựng bên cạnh địa điểm trước đây là sân vận động và đồn Ba Tơ. Các điểm di tích đều có bia bảng chỉ dẫn. Nhà ông Trần Quý Hai, nơi diễn ra cuộc họp của Tỉnh ủy mở rộng quyết định khởi nghĩa, đã được phục dựng.
Quần thể các địa điểm di tích về cuộc khởi nghĩa Ba Tơ và Đội du kích Ba Tơ được Bộ Văn hoá Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) công nhận, xếp hạng và cấp Bằng di tích lịch sử- văn hóa quốc gia tại Quyết định số 92-VHTT/QĐ ngày 10.7.1980.
Năm 2010, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ chống Pháp cho Đội du kích Ba Tơ.
Tháng 8.2013, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định công nhận các xã Ba Vinh, Ba Giang, Ba Động, Ba Chùa, Ba Thành và thị trấn Ba Tơ thuộc vùng An toàn khu của Trung ương ở Quảng Ngãi trong thời kỳ chống Pháp.
Ngày 25.12.2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định về việc xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với Di tích lịch sử Địa điểm về cuộc khởi nghĩa Ba Tơ (huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi), bao gồm 11 điểm di tích:
Khúc sông Liêng (thị trấn Ba Tơ), phía sau đồn Ba Tơ, nơi các chiến sĩ cách mạng giả bệnh lao, đòi sống cách ly dưới thuyền, che mắt địch để in ấn truyền đơn, tài liệu tuyên truyền vận động cách mạng. Cũng tại khúc sông này, đêm 11.3.1945, du kích địa phương dùng thuyền chở vũ khí và chiến lợi phẩm ở đồn Ba Tơ về căn cứ.
Lò gạch Nước Năng (thị trấn Ba Tơ), nơi thành lập Tỉnh ủy Quảng Ngãi vào cuối tháng 12.1944.
Nhà đồng chí Trần Quý Hai (thị trấn Ba Tơ), nơi Tỉnh ủy lâm thời tổ chức cuộc họp bất thường (10.3.1945) quyết định khởi nghĩa cướp chính quyền.
Chòi canh Suối Loa (xã Ba Động), nơi Tỉnh ủy Quảng Ngãi họp khẩn cấp vào trưa ngày 11.3.1945 để quyết định chuyển hướng khởi nghĩa giành chính quyền tại huyện lỵ Ba Tơ.
Đồn Ba Tơ, nơi trú đóng của đội lính do tên đồn trưởng người Pháp chỉ huy, kiểm soát châu Ba Tơ, bị quân khởi nghĩa đánh chiếm trong đêm 11.3.1945.
Nha kiểm lý (thị trấn Ba Tơ) là nơi vào đêm 11.3.1945 các lực lượng nổi dậy vây bắt viên kiểm lý Bùi Danh Ngũ, thu toàn bộ ấn triện, hồ sơ, tài liệu, vũ khí; giành chính quyền về tay nhân dân.
Sân vận động Ba Tơ (thị trấn Ba Tơ), nơi tổ chức cuộc mít tinh lớn của hàng ngàn đồng bào Kinh - Thượng vào đêm 11.3.1945, do đồng chí Phạm Kiệt chủ trì, thề quyết tâm bảo vệ thành quả cách mạng vừa giành được. Đây cũng là nơi Đội du kích Ba Tơ được thành lập và là địa điểm vào sáng ngày 12.3.1945 Ban chỉ huy cuộc khởi nghĩa tổ chức cuộc mit tinh lớn, tuyên bố xoá bỏ chính quyền thực dân phong kiến, thành lập chính quyền cách mạng.
Bãi Hang Én (xã Ba Vinh), dưới chân núi Cao Muôn, là nơi vào đêm 14.3.1945, đội du kích Ba Tơ tổ chức tuyên thệ “Hy sinh vì Tổ quốc!”.
Bến Buôn (xã Ba Thành), nơi trao đổi, buôn bán hàng hóa của nhân dân miền ngược, miền xuôi. Từ giữa tháng 3.1945, nơi đây trở thành địa điểm tiếp nhận lương thực, vũ khí do nhân dân miền xuôi quyên góp, chuyên chở bằng đường sông tiếp tế cho Đội du lích Ba Tơ xây dựng chiến khu kháng Nhật ở Nước Sung, Nước Lá.
Chiến khu Nước Lá- Hang Voọt Rệp (xã Ba Vinh), nơi Đội du kích Ba Tơ trú quân, xây dựng căn cứ, luyện tập quân sự kháng Nhật.
Chiến khu Núi Cao Muôn (xã Ba Vinh), một trong những nơi đội du kích Ba Tơ đặt căn cứ trong những ngày đầu khởi nghĩa, xây dựng lực lượng, vun đắp tình đoàn kết Kinh - Thượng