Huyện đoàn Ba Tơ ra mắt công trình “số hóa” địa điểm di tích lịch sử

VHO - Huyện đoàn Ba Tơ (Quảng Ngãi) vừa ra mắt công trình “số hóa” địa điểm di tích lịch sử - Nhà lưu niệm đồng chí Trần Toại nằm ở thôn Trường An, xã Ba Động, huyện Ba Tơ.

Huyện đoàn Ba Tơ ra mắt công trình “số hóa” địa điểm di tích lịch sử - Anh 1

Ra mắt công trình “số hóa” địa điểm di tích lịch sử - Nhà lưu niệm đồng chí Trần Toại

“Số hóa” địa điểm lịch sử là hoạt động thể hiện tính tiên phong, đổi mới, sáng tạo của tuổi trẻ Quảng Ngãi trong đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, góp phần thúc đẩy du lịch thông minh trên địa bàn huyện. “Số hóa” giúp bảo tồn, lưu giữ di tích của cha ông gắn với phát triển kinh tế từ du lịch và giáo dục truyền thống cách mạng. Du khách chỉ cần quét mã QR-cod để tìm kiếm thông tin.
Anh Lê Hữu Phẩm, Phó Bí thư Huyện đoàn Ba Tơ chia sẻ, đây là công trình tuổi trẻ huyện Ba Tơ hưởng ứng chuyển đổi số năm 2023 với chủ đề “Tuổi trẻ Ba Tơ tiên phong chuyển đổi số”. Sau di tích Nhà lưu niệm đồng chí Trần Toại, Huyện đoàn sẽ tiếp tục thực hiện, triển khai công trình “số hóa” các địa điểm, di tích lịch sử trên địa bàn huyện nhằm quảng bá các di tích lịch sử văn hóa thu hút sự quan tâm của khách du lịch trong và ngoài huyện.

Huyện đoàn Ba Tơ ra mắt công trình “số hóa” địa điểm di tích lịch sử - Anh 2

Du khách chỉ cần quét mã QR-cod để tìm kiếm thông tin

Được biết, Nhà lưu niệm đồng chí Trần Toại là di tích lịch sử cấp tỉnh tọa lạc bên dòng sông Liên, xã Ba Động. Du khách một lần ghé thăm Nhà lưu niệm đồng chí Trần Toại sẽ hiểu hơn lòng kiên trung của người chiến sĩ cách mạng trong những năm đầu của cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ.
Nơi đây, đồng chí Trần Toại (1890 - 1948), người làng Thi Phổ Nhất, xã Đức Lân (Mộ Đức) lên dựng nhà, khai hoang, trồng dâu dọc bờ sông Liên, nuôi tằm và dạy học, để xây dựng lực lượng chống Pháp. Vợ của đồng chí là bà Huỳnh Thị Trâm chăm lo việc nhà, việc đồng áng. Nguồn lợi thu từ nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt vải đã giúp ông có nguồn tài chính phục vụ cho việc vận động xây dựng phong trào cách mạng, tổ chức các hội quần chúng.
Tại ngôi nhà của mình, ông đã mở lớp dạy chữ quốc ngữ, khai sáng dân trí. Những “Hội khai hoang”, “Hội đi buôn đường, lá nón”, “Hội trồng dâu nuôi tằm”, “Hội học chữ quốc ngữ”... ra đời từ đây. Đồng chí Trần Toại cùng với các chí sĩ yêu nước Nguyễn Quang Mao, Trần Hàm, Huỳnh Thanh, Huỳnh Cư... tiếp tục đưa dân từ các huyện Mộ Đức, Đức Phổ, Nghĩa Hành lên lập nghiệp; đồng thời đi khắp các làng Hrê vận động, giác ngộ đồng bào đi theo cách mạng.

NHƯ ĐỒNG

Ý kiến bạn đọc