Khánh Hòa:
Phát huy giá trị di sản văn hóa Tháp Bà Ponagar gắn với du lịch bền vững
VHO - Ngày 27.4, tại TP Nha Trang, UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội thảo “Phát huy tiềm năng giá trị di sản văn hóa Tháp Bà Ponagar với phát triển du lịch bền vững”.
Hội thảo có sự tham gia của hơn 200 đại biểu, trong đó có 30 nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa thuộc các Bộ, ngành Trung ương và khoảng 180 đại biểu ở địa phương là cán bộ quản lý, nghệ nhân, cộng đồng Nhân dân địa phương.
Hội thảo có nhiều thạm luận, trong đó đang chú ý là các tham luận: Những giá trị lịch sử nghệ thuật kiến trúc Tháp Bà Ponaga của PGS.TS Ngô Văn Doanh; Tín ngưỡng và thực hành thờ Mẫu Thiên Y A Na/Ponagar từ quan điểm công ước 2023, UNESCO của GS.TS Nguyễn Thị Hiền, Trưởng Khoa học Liên ngành và Nghệ thuật, Đại học quốc gia Hà Nội; Không gian thờ Mẫu Thiên Y A Na ở miền Trung của TS. Trần Đình Hằng, Viện trưởng Viên Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế…
Tại đây, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và đại diện các cơ quan quản lý địa phương đã cùng nhau trao đổi, thảo luận, đóng góp ý kiến về việc phát huy tiềm năng giá trị di sản văn hóa Tháp Bà Ponagar gắn với phát triển du lịch bền vững…
Phát biểu tại Hội thảo, ông Đinh Văn Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nêu: “Khánh Hòa là Xứ Trầm Hương. Non cao, biển rộng, người thương đi về".
Câu ca dao trên đã đi vào lòng người không chỉ riêng ở tỉnh Khánh Hòa mà Nhân dân cả nước đều nghe, đều biết về thiên nhiên, về vùng đất của núi - rừng - biển - đảo, xứ sở của Trầm Hương.
Xứ Trầm Hương nơi đây còn gắn với đời sống văn hóa tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu Thiên Y A Na, một sự tiếp biến và sáng tạo đặc sắc của người Việt trong quá trình cộng cư, hòa cư và định cư ở miền Trung Việt Nam.
Với những thăng trầm của quá trình hình thành và gắn bó với người dân Xứ Trầm Hương, các thực hành tín ngưỡng thờ Thiên Y A Na khá đa dạng, thể hiện trong tâm thức tín ngưỡng của người Việt.
Tại Khánh Hòa, có trên 200 di tích thờ và phối thờ Mẫu Thiên Y A Na, trong đó Tháp Bà Ponagar là trung tâm của tín ngưỡng này. Tin ngưỡng thờ Thiên Y A Na mang đậm dấu ấn văn hóa của người Việt với truyền thuyết và quá trình huyền thoại hóa riêng, tồn tại cộng sinh song hành với tục thờ Thần Mẹ Xứ sở của người Chăm trên mảnh đất Kauthara xưa kia.
Trên cơ sở chủ trương, định hướng của Tỉnh ủy Khánh Hòa tại Nghị quyết số 34-NQ/TU ngày 22.12.2023 về phát huy các giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch và các nhiệm vụ, giải pháp tại Kế hoạch số 3566/KH-UBND ngày 04.4.2024 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 34-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “Phát huy các giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững tỉnh Khánh Hòa đến 2025 tầm nhìn 2030”.
Hội thảo lần này được tổ chức vào dịp Lễ hội via Bà ở Tháp Bà Ponagar Nha Trang là diễn đàn tri thức, hội tụ các nhà khoa học ở Trung ương và địa phương; các nhà quản lý cơ quan chuyên môn của tỉnh.
Thông qua Hội thảo là dịp giới thiệu, quảng bá tiềm năng giá trị di tích Tháp Bà Ponagar trong việc đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, nghệ thuật; các loại hình dịch vụ góp phần đẩy mạnh phát triển ngành Du lịch tỉnh Khánh Hòa trong thời gian đến; đưa ra những ý kiến góp ý cho tỉnh Khánh Hòa cũng như ngành Văn hóa những định hướng, giải pháp phát huy giá trị di tích tốt hơn.
Ông Đinh Văn Thiêu lưu ý: Từ Hội thảo này trách nhiệm ngành Văn hóa và Thể thao Khánh Hòa phải tiếp thu đầy đủ các ý kiến quý giá của các nhà khoa học để vận dụng một cách có hiệu trong việc cụ thể hóa Nghị quyết của Tỉnh ủy và sự chỉ đảo của UBND tỉnh tại các văn bản nói trên.
Đồng thời sớm xây dựng hoàn thành hồ sơ Di tích quốc gia đặc biệt Tháp Bà Ponagar Nha Trang theo quy trình xin ý kiến Bộ VHTTDL, Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia xem xét trình Thủ tướng công nhận. Hội thảo là một sự kiện quan trọng trong chuỗi các hoạt động nhân dịp Lễ hội vía Bà năm 2024.
Theo Sở VHTT tỉnh Khánh Hòa: Từ ngày 28.4 – 1.5 (tức từ ngày 20 đến 23.3 Âm lịch), tại di tích Tháp Bà Ponagar Nha Trang (Đường 2/4, phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang) sẽ diên ra Lễ hội Tháp Bà Ponagar năm 2024.
Lễ hội lần này sẽ có nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc như: Lễ thay y Mẫu; lễ thả hoa đăng trên sông Cái; nghi thức rước kiệu từ Tháp Bà đi qua các tuyến đường trong khu dân cư; lễ cầu quốc thái dân an; lễ cúng Ngọ; lễ dâng hương Mẫu; lễ tế cổ truyền; lễ khai diên và lễ tôn vương. Hằng năm có hàng triệu lượt người dân, du khách tới Tháp Bà Ponagar tham quan, dâng hương tưởng nhớ Thánh Mẫu Thiên Y A Na.
Lễ hội Tháp Bà Ponagar Nha Trang được Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 5079/QĐ-BVHTTDL ngày 27.12.2012. Đây là lễ hội tín ngưỡng thờ Mẫu tiêu biểu được tổ chức định kỳ hằng năm tại thành phố Nha Trang, Khánh Hoà, là dịp để tưởng nhớ công ơn Bà Thiên Y Ana (Nữ thần Yang Pô Inư Nagar) – Người Mẹ Xứ sở.
Thông qua việc tổ chức lễ hội cũng nhằm góp phần nêu cao tinh thần trách nhiệm của các cấp, các ngành và Nhân dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thông tiêu biểu, điển hình ở Khánh Hoà đến với Nhân dân, du khách trong nước và quốc tế.
Tháp Bà Ponagar là quần thể kiến trúc đền tháp Chăm được xây dựng từ giữa thế kỷ thứ VIII và do có vị trí quan trọng trong đời sống tôn giáo, tín ngưỡng ở vương quốc cổ Chăm, bởi vậy đấy là một thánh đường được triều đình trung ương quan tâm xây dựng trong nhiều thế kỷ.
Quần thể di tích kiến trúc Tháp Bà Ponagar nằm trên đồi Cù Lao, phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang với tổng diện tích là 57.000m2, kéo dài theo hướng Đông – Tây, cách bờ biển khoảng 200m. Cụm di tích này có giá trị tiêu biểu về nhiều mặt, như: lịch sử, kiến trúc, điêu khắc, bia ký, tôn giáo…
Với những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật tiêu biểu, từ năm 1979, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) đã xếp hạng Tháp Bà Ponagar là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.