Phát hiện trảng muối cổ cách nay hàng nghìn năm?

ĐỒNG NHƯ

VHO - Trảng muối được phát hiện thuộc xóm Cỏ, thôn Long Thạnh 2, phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ (Quảng Ngãi) có diện tích khoảng 10 ha. Đây là nơi sản xuất muối biển phơi nước trên đá của cư dân văn hóa Sa Huỳnh khoảng hơn 2.000 năm trước.

 Phát hiện trảng muối cổ cách nay hàng nghìn năm? - ảnh 1

 TS Đoàn Ngọc Khôi (bìa phải) phát hiện ra trảng muối nơi người Sa Huỳnh cổ làm muối

Bà Bùi Thị Vân, xóm Cỏ, xã Long Thạnh 2, phường Phổ Thạnh cho biết, người dân vẫn giữ kỹ thuật làm muối của tổ tiên. Theo bà Vân, nước biển dâng lên các bãi đá từ thủy triều đọng lại được “phơi nắng” để tăng thêm độ mặn. Sau đó bà con sẽ đưa nước biển từ khu vực phơi nắng đổ vào các ảng muối trên các tảng đá đã được be bờ bằng đất sét, đồng thời thêm nước liên tục vào các ô đá tạo độ dày cho muối. Sau ba ngày, nước biển trong các ô đá bốc hơi kết tinh tạo muối trắng.

“Trung bình một ô đá thu hoạch được từ 2-3 kg muối trắng. Số muối này phục vụ sinh hoạt hằng ngày. Hiện, nhiều du khách đến tham quan xóm Cỏ rất hào hứng, thích thú khi được thấy những hạt muối sạch làm trên đá bazan. Tôi mong rằng kỹ thuật làm muối của tổ tiên bà con gìn giữ sẽ sớm được bảo tồn, phục hồi, tạo sản phẩm du lịch độc đáo cho địa phương”, bà Vân bày tỏ.

Trảng muối có diện tích khoảng 10 ha, một bên giáp biển, một bên giáp núi, cách nơi cư trú của người Sa Huỳnh cổ 800m và cách nơi có mộ táng 500m. Người Sa Huỳnh cổ đã tận dụng nền đá bằng phẳng, cứng chắc cùng nguồn nước biển sẵn có để tự làm ra muối sử dụng trong cuộc sống hằng ngày. Truyền thống làm muối biển ở đây đã được kế tục kéo dài từ thời Sa Huỳnh đến Champa và Đại Việt không bị đứt quãng. Ngày nay, vẫn còn một số ít hộ dân là cư dân bản địa, ở xóm Cỏ vẫn thực hành cách làm muối của tổ tiên.

 Phát hiện trảng muối cổ cách nay hàng nghìn năm? - ảnh 2

Bà Bùi Thị Vân (bìa phải) đang thêm nước vào các ô đá tạo độ dày cho muối

TS Đoàn Ngọc Khôi, Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi là người đã phát hiện ra trảng muối nơi người Sa Huỳnh cổ làm muối trong quá trình tìm kiếm các di tích khảo cổ của nền văn hóa Sa Huỳnh. Theo TS Khôi, muối được người dân xóm Cỏ kế thừa sản xuất trên đá bazan rất trắng, sạch, có tinh thể lấp lánh, vị mặn vừa, có hậu ngọt. Đây là phát hiện ý nghĩa góp phần làm rõ kỹ thuật làm muối sớm của người tiền sử. “Trong nghiên cứu về văn hóa Sa Huỳnh, các nhà nghiên cứu rất quan tâm đến kỹ thuật làm gốm, muối của người Sa Huỳnh. Tuy nhiên, trước đây, các nhà khảo cổ chỉ khai quật được mộ chum và di tích Long Thạnh chứ chưa phát hiện dấu vết về nghề làm muối”, TS Khôi nhấn mạnh.

 Muối được người dân xóm Cỏ kế thừa sản xuất trên đá bazan rất trắng, sạch, có tinh thể lấp lánh, vị mặn vừa, có hậu ngọt. Đây là phát hiện ý nghĩa góp phần làm rõ kỹ thuật làm muối sớm của người tiền sử.

Trong nghiên cứu về văn hóa Sa Huỳnh, các nhà nghiên cứu rất quan tâm đến kỹ thuật làm gốm, muối của người Sa Huỳnh. Tuy nhiên, trước đây, các nhà khảo cổ chỉ khai quật được mộ chum và di tích Long Thạnh chứ chưa phát hiện dấu vết về nghề làm muối.

(TS ĐOÀN NGỌC KHÔI)

Theo nghiên cứu, cư dân Sa Huỳnh có ba cách làm muối. Thứ nhất là phơi nước biển trên đá tạo muối kết tinh, thứ hai nấu nước biển làm muối trong các nồi gốm và thứ ba làm muối trên các cánh đồng. Kỹ thuật làm muối trên đá tại xóm Cỏ, thôn Long Thạnh 2 rất độc đáo. Các nhà nghiên cứu tiếp tục thu thập mẫu hiện vật sử dụng phương pháp phân tích trong phòng thí nghiệm để tìm niên đại chuẩn của nghề làm muối. Việc phân tích có thể bắt đầu từ các mẫu sò thu thập được tại các trảng muối hoặc phân tích thạch học để biết cấu trúc mặt nền của trảng muối, độ mài mòn của đá. Bên cạnh đó cũng sẽ phân tích thành phần hóa học của muối được xuất trên đá chứa đựng những nguyên tố gì. Với hàng loạt các mẫu phân tích trong phòng thí nghiệm góp phần làm rõ, kết luận chính xác niên đại của khu vực làm muối của người tiền sử. Cũng theo TS Đoàn Ngọc Khôi, việc phát hiện trảng muối của người Sa Huỳnh cổ có ý nghĩa lớn, là căn cứ quan trọng để so sánh khu vực làm muối của cư dân tiền sử Sa Huỳnh và các vùng làm muối ở khu vực Đông Nam Á, châu Á.

“Làng muối Sa Huỳnh nằm trong không gian di tích quốc gia đặc biệt văn hóa Sa Huỳnh và là thành tố không thể tách rời với nền văn hóa khảo cổ này. Truyền thống làm muối biển liên tục kéo dài từ Sa Huỳnh - Chămpa - Đại Việt không bị đứt quãng. Do đó, cần nghiên cứu quy hoạch địa điểm trảng Muối nằm trong Công viên di sản văn hóa muối Sa Huỳnh”, TS Khôi cho biết.