Xung quanh phát hiện “bất ngờ” tranh gương từng treo ở điện Cần Chánh

VHO - LTS: Mới đây báo chí phản ánh về sự “bất ngờ” phát hiện tranh gương ở Đại học Khoa học Huế là tranh quý từng treo ở điện Cần Chánh, gây sự quan tâm, chú ý của dư luận. Vậy sự thực về điều “bất ngờ” này như thế nào, người trong cuộc đã chính thức lên tiếng.

Xung quanh phát hiện “bất ngờ” tranh gương từng treo ở điện Cần Chánh - Anh 1

 Bức tranh gương ngự chế “Trì lưu liên phảng” (Thuyền sen dừng lại trên hồ)

 Cách đây hơn 20 năm, khi thống kê các loại hình tranh gương (tranh kính) cung đình ở cố đô Huế, tôi đã có cơ may đến xem và chụp lại bức tranh gương quý được trưng bày tại Bảo tàng Dân tộc học thuộc Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Huế (nay là Trường Đại học Khoa học Huế), sau đó công bố trên tạp chí Nghiên cứu & Phát triển với bài viết Tổng quan về tranh gương cung đình Huế và sau in lại trong sách Dấu ấn Nguyễn trong văn hóa Phú Xuân. Tôi cũng đã ghi chú về hai bức tranh này, tuy nhiên vẫn còn sơ sài. Nay, nhân để phục vụ cho việc phân tích, bổ sung tư liệu cho dự án trùng tu, phục hồi điện Cần Chánh, tôi xin nói rõ hơn về hai bức tranh trên.

Tranh gương cung đình Huế là một loại tranh độc đáo, do triều Nguyễn đặt hàng với các nghệ nhân vùng nam Trung Quốc vẽ lại từ tranh mộc bản do triều đình khắc in. Tranh được các nghệ nhân tài hoa thực hiện theo bút pháp phản họa (vẽ ngược, vẽ mặt sau, âm bản) trực tiếp lên mặt gương, kính. Mặc dù lấy mẫu từ tranh mộc bản của triều Nguyễn gửi sang, nhưng khi thể hiện vẫn mang dấu ấn cá nhân của nghệ nhân, và điểm khác biệt lớn nhất so với tranh mộc bản là được vẽ bằng nhiều gam màu phong phú (khác tranh mộc bản là tranh đen trắng). Hiện tại, theo thống kê của tôi, tại Huế còn giữ được hơn 80 bức tranh gương cung đình thuộc nhiều thể loại: Tranh minh họa thơ ngự chế đề vịnh cảnh đẹp kinh đô và về điển tích cổ, tranh vẽ tĩnh vật…, trong đó đại đa số là được lưu giữ, trưng bày tại quần thể di tích cố đô Huế như điện Long An (Bảo tàng cổ vật cung đình Huế), cung Diên Thọ, điện Sùng Ân (lăng vua Minh Mạng), điện Biểu Đức (lăng vua Thiệu Trị), điện Hòa Khiêm, Lương Khiêm (lăng vua Tự Đức), điện Ngưng Hy (lăng vua Đồng Khánh)…

Xung quanh phát hiện “bất ngờ” tranh gương từng treo ở điện Cần Chánh - Anh 2

 Bức tranh gương ngự chế “Lang tập quần phương” (Hồi lang hội tụ hương thơm)

Tại Bảo tàng Dân tộc học thuộc Khoa Lịch sử (Trường Đại học Khoa học Huế) hiện nay đang trưng bày hai bức tranh gương thuộc dòng tranh minh họa thơ ngự chế của vua Thiệu Trị (1841-1847), đó là bức Lang tập quần phương Trì lưu liên phảng. Đây cũng là hai cảnh trong vườn Cơ Hạ, một ngự uyển nổi tiếng nằm ở góc Đông Bắc bên trong Hoàng thành, ngự uyển này được vua Thiệu Trị nâng cấp tôn tạo và thường xuyên lui tới đề vịnh. Trong 5 khu vườn ngự uyển bên trong Hoàng thành (Ngự viên, Thiệu Phương, Cơ Hạ, Hậu Hồ và cung Trường Ninh), Cơ Hạ là khu vườn rộng nhất (hơn 4,5 mẫu, tức khoảng 2,3 ha) với một hệ thống công trình kiến trúc phong phú bao gồm điện, đình, lầu, tạ, các, hồi lang, sông đào, hồ, ao, non bộ…, trong đó nổi bật là hồi lang Tứ Phương Ninh Mật chạy vòng quanh cả khu vườn. Trong loạt thơ ngự chế đề vịnh về vườn Cơ Hạ của các hoàng đế triều Nguyễn, chùm thơ vịnh 14 cảnh vườn Cơ Hạ (Cơ Hạ viên thập tứ cảnh) là tiêu biểu và nổi bật hơn cả, Lang tập quần phương Trì lưu liên phảng là 2 trong số 14 cảnh thuộc chùm thơ này.

Theo khảo sát và phân tích từ hình ảnh tư liệu, trước khi điện Cần Chánh bị thiêu hủy (tháng 2.1947), trong ngôi điện này có treo một số bức tranh gương và tất cả các bức tranh này đều là loại tranh gương cung đình cao cấp minh họa các bài thơ ngự chế của vua Thiệu Trị trong đó có các bức vịnh cảnh hồ Tịnh Tâm như Tịnh hồ hạ hứng, Oanh đê xuân sắc … và một số thắng cảnh khác. Riêng với vườn Cơ Hạ thì có bức Trì lưu liên phảng và có thể có cả bức Lang tập quần phương. Điều đáng tiếc là 2 bức tranh vịnh cảnh hồ Tịnh Tâm và một số bức khác nay đã không còn, vì vậy những bức tranh gương còn lại như Trì lưu liên phảng Lang tập quần phương càng trở nên quý giá.

Trong tương lai gần, sau khi điện Cần Chánh được trùng tu phục hồi, nhất thiết cần đưa các bức tranh gương này quay trở lại vị trí nguyên thủy của chúng. Đó cũng là yêu cầu chính đáng và phù hợp của công cuộc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa truyền thống của Huế. 

 TS PHAN THANH HẢI; ảnh: NGỌC LINH

 

Ý kiến bạn đọc