Lễ hội Vì Hòa bình 2024 tại Quảng Trị:

Nơi hội tụ văn hóa và tinh thần đoàn kết

HOÀNG OANH

VHO - Lần đầu tiên được tổ chức tại Quảng Trị, Lễ hội Vì Hòa bình 2024 đã trở thành nơi hội tụ văn hóa và tinh thần đoàn kết, lan toả thông điệp hòa bình từ Việt Nam ra khắp thế giới.

Nơi hội tụ văn hóa và tinh thần đoàn kết - ảnh 1
Lễ hội Vì Hòa bình tỉnh Quảng Trị

 Thấu hiểu giá trị hòa bình và tinh thần đoàn kết

Có lẽ, vì chịu quá nhiều mưa bom, bão đạn; chia cắt đất nước; loạn lạc, chia ly; quá nhiều những đau khổ, mất mát do chiến tranh gây ra nên Quảng Trị là nơi người ta hiểu rõ cái giá của hòa bình lớn thế nào. Nhìn rộng ra, trong lịch sử hàng nghìn năm, qua nhiều cuộc kháng chiến chống ngoại xâm để bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc, dân tộc Việt Nam luôn thể hiện tình đoàn kết và yêu chuộng hòa bình.

Sở dĩ Chính phủ đồng ý để tỉnh Quảng Trị phối hợp với Bộ VHTTDL, Bộ Ngoại giao tổ chức Lễ hội Vì Hòa bình với quy mô quốc tế, theo ông Hoàng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, Trưởng ban tổ chức Lễ hội Vì hòa bình lần thứ nhất là do “Quảng Trị đã hội đủ nhiều yếu tố, nhiều câu chuyện về hòa bình suốt dặm dài lịch sử của đất nước mà không nhiều nơi có được”. Lễ hội đã góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh của đất nước, con người Việt Nam; xây dựng Quảng Trị trở thành một không gian văn hóa vì hòa bình, là điểm đến vì hòa bình, nơi hội ngộ của bạn bè bốn phương yêu chuộng hòa bình.

Trong bối cảnh hiện nay, thế giới đang có nhiều cuộc xung đột, việc tổ chức Lễ hội Vì Hòa bình 2024 trên vùng đất đã từng bị tàn phá bởi chiến tranh như Quảng Trị đã một lần nữa khẳng định những thông điệp mạnh mẽ về sức sống mãnh liệt của dân tộc Việt Nam, trở thành nơi hội tụ, giao lưu của những đất nước, thành phố đã và đang trải qua sự tàn phá khốc liệt của chiến tranh. Đã có nhiều câu chuyện về chiến tranh về chặng đường gian nan của cả dân tộc để giành lấy độc lập, hòa bình được nhắc lại ở đây. Lịch sử đã ghi lại, 2 hiệp định về hòa bình gồm Hiệp định Geneve (Thụy Sỹ) về đình chỉ chiến tranh và khôi phục hòa bình ở Đông Dương (1954), Hiệp định Paris (Pháp) về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam (1972), đều liên quan mật thiết đến mảnh đất Quảng Trị.

Hai dòng sông lịch sử Bến Hải và Thạch Hãn cũng đã đi vào lịch sử, ghi lại nỗi thương đau của chia cắt và nơi đã làm nên kỳ tích của vùng đất thép nở hoa. Thị xã Quảng Trị - một thị xã bé nhỏ với diện tích vỏn vẹn chưa đầy 4 km2, chỉ trong 81 ngày đêm đỏ lửa của mùa hè năm 1972 đã phải chịu một lượng bom đạn với sức công phá lớn hơn 7 quả bom nguyên tử từng ném xuống Hiroshima. Không gì có thể kể hết được những đau thương, mất mát, tàn khốc của những ngày tháng đó. Quảng Trị - nơi khúc ruột miền Trung gian khổ, có tới 72 nghĩa trang liệt sĩ với hơn 54.000 liệt sĩ nằm lại, trong đó có 2 nghĩa trang liệt sĩ cấp quốc gia và 1 nấm mồ chung liệt sĩ mang tên Thành cổ Quảng Trị. Vẫn còn hơn 50.000 liệt sĩ còn chưa tìm thấy ở đây…

Thế nhưng, Quảng Trị cũng là nơi chứng kiến sự hàn gắn thời hậu chiến mạnh mẽ nhất. Từ tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ, đến tìm kiếm và trao trả hài cốt binh lính Mỹ mất tích trong chiến tranh (MIA), cung cấp thông tin và phối hợp tìm kiếm hài cốt liệt sĩ quân giải phóng Việt Nam, khắc phục hậu quả chất độc Dioxin, khắc phục hiểm họa, ô nhiễm bom mìn còn sót lại sau chiến tranh. Với hơn 80% diện tích đất bị ô nhiễm bom mìn, Quảng Trị là tỉnh đầu tiên được Chính phủ cho phép triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh. Nhiều sáng kiến khác về hàn gắn nỗi đau chiến tranh đã diễn ra ở đất thép Quảng Trị.

Nhiều đoàn ngoại giao, cựu chiến binh, du khách nước ngoài, trong đó có Đại sứ Hoa Kỳ đã đến viếng Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9 và các địa danh lịch sử trong tỉnh. Cầu Hiền Lương lịch sử đã được thắp đèn xanh để trở thành biểu tượng cho sự kết nối của các dân tộc thay vì hình ảnh của sự chia cắt hai miền Nam - Bắc trong chiến tranh. Tỉnh Quảng Trị cũng kết nối, hợp tác phát triển với các địa phương, các mảnh đất đã từng chịu nỗi đau chiến tranh trên thế giới như Hiroshima, Nagasaki (Nhật Bản); Gangwon (Hàn Quốc)… để thể hiện sự yêu chuộng hòa bình, tinh thần đoàn kết toàn thế giới.

Đề cao vai trò văn hóa và giá trị di sản trong thúc đẩy bao dung của nhân loại

Kiến tạo hòa bình trên thế giới, theo Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres, là trách nhiệm lớn nhất của nhân loại và cần hành động ngay hôm nay. Lễ hội Vì Hòa bình diễn ra tại Quảng Trị năm 2024 cũng là năm thế giới kỷ niệm 25 năm Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua Tuyên bố và Chương trình hành động về Văn hóa hòa bình, Ngày quốc tế của hòa bình (21.9).

Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay đã đánh giá cao, hoan nghênh sáng kiến nhân văn này của Quảng Trị (Việt Nam) và cho rằng sự kiện này rất phù hợp với sứ mệnh của UNESCO. Không chỉ có giá trị ở Việt Nam, Lễ hội Vì Hòa bình còn kỳ vọng đáp ứng quan tâm chung của cộng đồng quốc tế, đề cao vai trò của văn hóa, giá trị di sản văn hóa trong thúc đẩy bao dung, thúc đẩy đối thoại, liên kết hợp tác văn hóa, gắn kết cộng đồng, xã hội vì sự phát triển và một thế giới hòa bình.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam khẳng định: “Lễ hội Vì Hòa bình đã truyền tải thông điệp yêu chuộng hòa bình của Việt Nam; quảng bá sắc màu văn hóa nghệ thuật đặc trưng, lan tỏa bản sắc văn hóa lịch sử dân tộc; tôn vinh và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Không những tạo cơ hội cho các nền văn hóa gặp gỡ và hợp tác, cùng nhau xây dựng thế giới hòa bình, lễ hội còn thúc đẩy tiềm năng du lịch và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Trị”.

Với hơn 500 di tích, cụm di tích lịch sử cách mạng, trong đó có những địa danh nổi tiếng như: Đường 9, Khe Sanh, Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải; Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh; Địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh; Thành cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972… Quảng Trị được mệnh danh là “bảo tàng sinh động” nhất về di tích lịch sử chiến tranh ở nước ta. Những di tích lịch sử này đã tạo ra thương hiệu du lịch của Quảng Trị là nơi lưu giữ “Ký ức chiến tranh - Khát vọng hòa bình”. Hiện nay, các tour du lịch vùng phi quân sự (DMZ), du lịch tâm linh, hoài niệm về chiến trường xưa… là những tour du lịch đặc trưng của Quảng Trị.

Ông Hoàng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết: “Quảng Trị kỳ vọng, Lễ hội Vì Hòa bình sẽ là sản phẩm du lịch hoàn toàn mới của Việt Nam, chỉ có riêng ở Quảng Trị, do Quảng Trị khởi xướng và mọi người cùng chung tay kiến tạo nên. Hiện nay, Quảng Trị đang từng bước hình thành không gian văn hóa vì hòa bình, điểm đến vì hòa bình; thu hút nguồn lực đầu tư phát triển du lịch, nâng cao chất lượng các tour, tuyến với quyết tâm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, tạo bệ phóng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”.