Khai mạc Lễ hội Vì Hòa bình 2024: Chung tay kiến tạo thế giới hòa bình
VHO - Tối 6.7, tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, tỉnh Quảng Trị phối hợp với Bộ VHTTDL, Bộ Ngoại giao tổ chức khai mạc Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024 với chủ đề “Chung tay kiến tạo thế giới hòa bình”.
Dự lễ khai mạc có Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương trong nước và các cơ quan ngoại giao, đại diện các địa phương của Lào, Thái Lan, Hàn Quốc… Phía Bộ VHTTDL có Thứ trưởng Hồ An Phong.
Lễ hội diễn ra vào dịp kỉ niệm 70 năm Ngày ký kết Hiệp định Giơnevơ, kỉ niệm 77 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ và hướng đến kỉ niệm 50 năm Ngày thống nhất đất nước. Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024 còn là hoạt động kỉ niệm 25 năm Ngày Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua Tuyên bố và Chương trình hành động về Văn hóa hòa bình; Ngày quốc tế hòa bình và hưởng ứng “Năm của hòa bình và Niềm tin quốc tế 2025” của Liên Hợp Quốc.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân nhấn mạnh: Từ bao đời nay, hoà bình luôn là khát vọng thiết tha của toàn thể nhân loại. Các quốc gia, dân tộc trong tiến trình phát triển luôn khao khát và không ngừng đấu tranh để đạt được nền hòa bình bền vững. Hoà bình không chỉ mang giá trị nhân văn sâu sắc mà còn là điều kiện căn bản, là nền tảng thiết yếu, là đích đến cuối cùng cho sự phát triển bền vững và thịnh vượng trên toàn thế giới cũng như từng quốc gia, khu vực. Hòa bình cũng là mục tiêu cao nhất của hợp tác quốc tế và là giá trị chung của nhân loại.
Trong suốt lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã trải qua chặng đường dài đấu tranh kiên cường và gian khổ để kiến thiết và bảo vệ nền hòa bình, độc lập, tự do của nước nhà. Tinh thần hoà hiếu, nhân nghĩa, đạo lý “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo” đã thấm sâu trong dòng máu của mỗi người dân nước Việt.
Trong bản di chúc để lại trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện khát khao cháy bỏng về một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ giàu mạnh, đó cũng là ước nguyện của toàn dân tộc Việt Nam.
“Từ Quảng Trị - vùng đất bị hủy diệt bởi chiến tranh đã và đang mạnh mẽ hồi sinh, Lễ hội sẽ truyền đi thông điệp về sức sống mãnh liệt của dân tộc Việt Nam yêu chuộng hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển, qua đó góp phần kêu gọi cộng đồng quốc tế chung tay xây dựng và bảo vệ nền hòa bình bền vững cho các quốc gia, dân tộc trên toàn thế giới. Đặc biệt, việc tổ chức Lễ hội Vì Hòa bình thành công sẽ góp phần làm sâu sắc thêm hệ giá trị quốc gia và cũng là mục tiêu phấn đấu cao cả của dân tộc ta: Hoà bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc, mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã xác định đó là bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam”, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân khẳng định.
Ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị chia sẻ: Quảng Trị là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử. Trong những năm tháng đấu tranh giành độc lập của dân tộc, Quảng Trị gánh chịu nhiều đau thương, hy sinh mất mát, chứng kiến bao cảnh tàn khốc, hủy diệt của chiến tranh. Nhưng, Quảng Trị cũng chính là vùng đất mang khát vọng hòa bình bất diệt của dân tộc Việt Nam, từng làm lay động mạnh mẽ, sâu sắc lương tri của nhân loại yêu chuộng hòa bình.
Được sự đồng ý của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Quảng Trị tổ chức Lễ hội Vì Hòa bình nhằm tri ân các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hi sinh vì sự trường tồn của Tổ quốc; tưởng niệm các nạn nhân chiến tranh; truyền đi thông điệp Việt Nam yêu chuộng hòa bình, con người Việt Nam hòa hiếu, bao dung, nhân nghĩa và mong muốn được đóng góp vào việc kiến tạo, gìn giữ hòa bình cho nhân loại.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết: Lễ hội Vì Hòa bình sẽ giới thiệu những sắc màu văn hóa, nghệ thuật tiêu biểu của Quảng Trị và của Việt Nam; sự giao thoa sống động giữa truyền thống và hiện đại; lan tỏa vẻ đẹp văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc, giàu tính nhân văn và đầy sức cuốn hút. Đồng thời, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, tạo cơ hội để gặp gỡ, hội tụ về văn hóa giữa các vùng miền, các quốc gia.
Qua đó, thúc đẩy sự chia sẻ, hiểu biết lẫn nhau, đoàn kết, hữu nghị, hợp tác, đưa văn hoá trở thành động lực mạnh mẽ cho sự phát triển. Đến với Lễ hội Vì Hòa bình, quý vị và các bạn sẽ cảm nhận được những cảm xúc đặc biệt; cảm nhận hòa bình không chỉ là trạng thái không có xung đột, chiến tranh mà mở rộng ra còn là sự tôn trọng, bình đẳng, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển giữa các quốc gia, dân tộc; là tình yêu giữa con người với con người, giữa cá nhân và cộng đồng và giữa các cộng đồng... Hòa bình còn là khúc hoan ca, là niềm hạnh phúc, là những điều hết sức bình dị trong cuộc sống cần được nâng niu, trân trọng và gìn giữ.
Lãnh đạo tỉnh mong muốn, Lễ hội sẽ tạo động lực quan trọng để Quảng Trị không chỉ trở thành không gian văn hóa vì hòa bình, điểm đến vì hòa bình, là nơi hội ngộ của bạn bè bốn phương yêu chuộng hòa bình, mà còn góp phần quảng bá tiềm năng, thu hút đầu tư, du lịch.. đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của Quảng Trị và các địa phương trong khu vực.
Tại không gian sân khấu mở ở vĩ tuyến 17, Lễ hội Vì Hòa bình đã chính thức được khai mạc với nghi thức Hồi chuông Hòa Bình. Những tiếng chuông vang lên thể hiện sự gắn kết của mọi thành phần không phân biệt sắc tộc, tôn giáo, tầng lớp, giai cấp… cùng hướng tới mục tiêu hòa bình, bình đẳng, dựng xây kiến tạo nên một thế giới đại đồng trường tồn bất diệt.
Hình ảnh Chuông Hòa bình cũng được hiện lên trên sân khấu qua hiệu ứng công nghệ đồ họa và hình ảnh. Gần 1.000 máy bay không người lái kết hợp với nghệ thuật ánh sáng đã tạo hình chiếc Chuông Hòa bình trên bầu trời, sau đó biến đổi thành hình tượng Chim bồ câu tung cánh - cũng chính là biểu tượng của Lễ hội Vì Hòa bình.
Tiếp đó, chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề “Kết nối những nhịp cầu” đã đưa người xem chạm đến nhiều cảm xúc. Không gian sân khấu mở cùng với chương trình được xây dựng theo hình thức nghệ thuật phức hợp, câu chuyện hòa bình đã được truyền đi qua các lớp cảnh và cách kể chuyện bằng âm nhạc do nhiều ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng trong nước biểu diễn.
Lễ hội Vì Hòa là lễ hội mở, chỉ có khai mạc và không có bế mạc. Sau lễ khai mạc này, sẽ có chuỗi các hoạt động văn hóa du lịch diễn ra trong suốt tháng 7, như: Triển lãm mỹ thuật Lê Bá Đảng với chủ đề “Khát vọng hòa bình; Chương trình âm nhạc Trịnh Công Sơn với chủ đề “Khúc ca hòa bình”; Lễ hội Văn hóa Ẩm thực quốc tế “Hương vị miền hoa nắng”; Chương trình nghệ thuật chính luận “Vĩ tuyến 17 - Khát vọng hòa bình”; Hội thảo quốc tế “Bài học về hòa bình nhìn từ thực tiễn Việt Nam”; Chương trình “Ước nguyện hòa bình” với lễ cầu siêu, thả hoa đăng, tri ân các Anh hùng liệt sĩ...