Ngũ Hành Sơn- nơi hội tụ di sản văn hóa
VHO - Hiếm có nơi đâu mà trên một không gian nhỏ hẹp, chỉ khoảng vài cây số vuông thôi, lại hội tụ đến 4 di sản văn hoá quốc gia và quốc tế như danh thắng Ngũ Hành Sơn, T.P Đà Nẵng.
Bằng chứng nhận của UNESCO ghi danh Bia ma nhai, ngày 26.11.2022
Nơi đây, năm 2014, Bộ trưởng Bộ VHTTDL ra quyết định ghi danh Nghề đá Mỹ nghệ Non Nước vào danh mục di sản Văn hoá phi vật thể quốc gia; năm 2021, tiếp tục ghi danh Lễ hội Quán Thế Âm cũng vào danh mục di sản Văn hoá phi vật thể quốc gia; năm 2018, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định xếp hạng danh thắng này là Di tích quốc gia đặc biệt.
Mới đây, ngày 26.11, Uỷ ban Khoa học, Giáo dục và Văn hoá Liên Hợp Quốc (UNESCO) ghi danh Bia ma nhai (văn khắc trên vách đá) Ngũ Hành Sơn vào danh mục di sản Tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới, khu vực châu Á- Thái Bình Dương. Đây là di sản văn hoá mang tầm quốc tế đầu tiên của thành phố. Theo các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Văn hoá Phật giáo Liễu Quán (Huế), tại danh thắng Ngũ Hành Sơn hiện có khoảng 90 văn bản Bia ma nhai được khắc trên vách đá tại các hang động, bằng chữ Hán, chữ Nôm của các vua quan, các cao tăng, tu sĩ, tao nhân mặc khách từ đầu thế kỉ XVII đến giữa thế kỉ XX. Nó có giá trị lớn trong việc nghiên cứu lịch sử, văn hoá xứ Đàng Trong.
Ma nhai khắc trên vách đá tại các hang động Ngũ Hành Sơn
Với mức độ đậm đặc về di sản văn hoá, Ngũ Hành Sơn đã và đang trở thành một điểm đến hấp dẫn cho nhân dân, giới nghiên cứu và đặc biệt là du khách bốn phương đến thưởng ngoạn phong cảnh hữu tình, trên sơn dưới thuỷ, để chiêm bái nơi chùa chiền trong các hang động huyền bí, và để tìm hiểu văn hoá và lịch sử về một vùng đất… Chắc chắn Ngũ Hành Sơn sẽ trở thành một địa chỉ đỏ trên bản đồ du lịch không chỉ ở Đà Nẵng mà còn ở cả con đường di sản miền Trung.
Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Thị Anh Thi (áo dài) nhận Bằng chứng nhận của UNESCO tại Hàn Quốc, tổ chức ngày 26-11-2022
Vấn đề đặt ra là làm thế nào để Ngũ Hành Sơn vừa bảo tồn được giá trị di sản văn hoá vừa thu hút ngày càng nhiều du khách để phát triển toàn diện. Trước hết, cần xác định rõ quan hệ giữa bảo tồn di sản văn hoá và phát triển du lịch nên như thế nào.
Di sản là trầm tích của quá khứ, là kết tinh quá trình lao động sáng tạo liên tục của bao lớp tiền nhân. Nếu con người không hiểu biết về di sản, không tựa vào quá khứ thì có khả năng mất phương hướng trên con đường đi tới tương lai. Bảo vệ, gìn giữ, tu bổ, phát huy giá trị di sản văn hoá- lịch sử chẳng những là trách nhiệm mà còn là đạo lý của chúng ta hôm nay. Ứng xử với quá khứ, với di sản như thế nào thì con cháu chúng ta sau này cũng ứng xử như vậy, thậm chí còn tệ hại hơn. Raxun Gamzatov từng dẫn lời Abu Talip nói rằng: “Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn vào anh bằng đại bác!”
Di sản văn hoá, ở đâu cũng vậy, luôn là nguồn tài nguyên, là sản phẩm quan trọng của ngành du lịch. Quan trọng bởi vì nó phong phú, đa dạng, giàu ý nghĩa xã hội- nhân văn, và du khách đã đến rồi vẫn có thể trở lại lần sau để tiếp tục tìm hiểu, khám phá. Nó không lệ thuộc vào mùa vụ, thời tiết trong năm. Các nước phương Tây ý thức rất rõ và có nhiều kinh nghiệm trong việc khai thác di sản văn hoá- lịch sử, làm cho ngành du lịch phát triển liên tục, đem lại nguồn thu rất lớn cho đất nước, cho địa phương và người dân. Di sản văn hoá, nếu biết khai thác một cách hợp lí, có nguyên tắc để phục vụ du lịch thì sẽ càng trở nên hấp dẫn hơn, và có điều kiện để quay lại đầu tư tu bổ, phục hồi di sản. Như vậy, quan hệ giữa bảo tồn di sản văn hoá và phát triển du lịch là quan hệ hỗ tương, dựa vào nhau để mà phát triển bền vững.
Đối với danh thắng Ngũ Hành Sơn, nơi hội tụ nhiều loại hình di sản văn hoá rất có giá trị, chúng ta không phủ nhận những cố gắng của ngành văn hoá và chính quyền địa phương từ cấp thành phố đến cấp quận, cấp phường trong việc quản lí, bảo vệ di sản này. Trước đại dịch Covid-19, mỗi năm Ngũ Hành Sơn thu hút đến cả triệu du khách trong nước và quốc tế, nói lên sự hấp dẫn của một điểm đến. Tuy nhiên, từng có lúc, nơi đây chưa giải quyết hài hoà mối quan hệ nói trên, còn nặng về tập trung khai thác du lịch hơn là bảo tồn di sản. Ngay cả cái tên một thời là “Ban quản lý Khu du lịch Ngũ Hành Sơn” chứ không phải “Ban quản lý Danh thắng Ngũ Hành Sơn” như hiện nay, cũng nói lên điều đó. Và giá như lãnh đạo thành phố trước đây có tầm nhìn xa hơn, sâu hơn, không cho mở con đường Lê Văn Hiến quá rộng để có cảm giác cắt đôi quần thể danh thắng, không cho làm cái thang máy phản cảm dưới chân ngọn Thuỷ Sơn, không để một ngôi chùa ở phía Tây danh thắng nới rộng không gian quá mức, thì đứng ở góc độ bảo tồn di sản, sẽ tốt hơn rất nhiều. Gần đây, một khách sạn đồ sộ mọc lên phía biển, chắn ngang tầm mắt nhìn ta biển từ chùa Linh Ứng và từ Vọng Hải Đài, cũng khó mà chấp nhận được.
Thời gian qua, T.P Đà Nẵng và quận Ngũ Hành Sơn chủ trương đầu tư xây dựng Công viên Văn hoá- lịch sử Ngũ Hành Sơn nhưng do chưa tìm được đối tác đầu tư xứng tầm nên dự án chưa thể triển khai, làm cho không ít hộ dân trong diện giải toả, di dời gặp nhiều khó khăn. Kinh nghiệm ở thành phố Hội An cho thấy, việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá phải coi trọng vai trò của người dân; và người dân địa phương phải là một trong những chủ thể quan trọng của toàn bộ không gian di sản, phải được tham gia các dịch vụ và hưởng lợi từ các nguồn thu của di sản.
Danh thắng Ngũ Hành Sơn vinh dự là nơi hội tụ đến 4 di sản văn hoá cấp quốc gia và quốc tế, hiếm nơi đâu có được vinh dự như thế này. Nếu biết xử lý hài hoà giữa việc bảo tồn di sản văn hoá và phát triển du lịch thì hứa hẹn nơi đây sẽ trở thành một điểm đến hấp dẫn, không thể bỏ qua đối với nhân dân và du khách bốn phương. Trong khi chờ đợi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quy hoạch tổng thể di tích quốc gia đặc biệt danh thắng Ngũ Hành Sơn thì việc quản lý, bảo vệ các di sản quốc gia và quốc tế nơi đây cần được đặc biệt quan tâm.
NSND HUỲNH HÙNG
Nguyên GĐ Sở VHTT TP Đà Nẵng