Sẽ đầu tư 12 tỉ đồng “cứu” di tích tháp Sáng

THU HOÀI

VHO - Tỉnh Quảng Nam dự kiến đầu tư 12 tỉ đồng cho dự án bảo tồn, tu bổ tháp Sáng thuộc di tích quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương. UBND tỉnh Quảng Nam cũng vừa có văn bản đề nghị Bộ VHTTDL thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án tu bổ, gia cố, phục hồi và phát huy giá trị tháp Sáng (xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình).

 Sẽ đầu tư 12 tỉ đồng “cứu” di tích tháp Sáng - ảnh 1
Hiện trạng tháp Sáng đang được chống đỡ bằng khung sắt

 Dự án sẽ thực hiện trong giai đoạn 2023-2025 với mục tiêu đầu tư bảo tồn, tu bổ tháp Sáng nhằm phục hồi, ổn định lâu dài cho cấu trúc kiến trúc; góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương. Hình ảnh giúp nhận dạng khu vực di tích Phật viện Đồng Dương hiện nay chỉ còn lại một mảng tường thuộc về phế tích kiến trúc được gọi tên là tháp Sáng, nằm giữa vùng đất mấp mô, chính là các đống vật liệu đổ nát đang bị vùi lấp dưới cỏ cây, thực vật dày đặc.

Tháp Sáng nằm tại vị trí gần chính giữa sân trước tòa Chánh điện trong Khu I, phía trước Phật đường, có kiến trúc tháp bốn mặt giống nhau, mặt bằng lòng tháp hình vuông. Sự khác biệt giữa tháp Sáng và các đền tháp thờ khác chính là tháp Sáng có cửa mở về bốn phía với bốn bậc cấp tương ứng từ bốn phía và trong lòng tháp không đặt bệ thờ.

Toàn bộ kiến trúc tháp được đặt trên phần đế rộng, chiều cao khoảng 2m, có bậc cấp lên từ bốn phía tương ứng với bốn cửa của tháp. Phần còn lại hiện nay của phế tích tháp Sáng, theo dự đoán là mảng tường thuộc mặt Tây của tháp, hiện đang được chống đỡ khẩn cấp bằng hệ thống dàn chống thép ống vào năm 2012. Phía mặt Bắc là bộ khung cửa bằng đá sa thạch cũng được dựng lại tại vị trí gốc,…

Về hiện trạng tháp Sáng, hai bên đế tháp hướng Đông - Tây đã bị hư hỏng nặng, tạo ra một vết lõm hàm ếch với khoảng trống khá lớn (kích thước khoảng 1,8m x 1,4m) nên dẫn đến hiện tượng sụt lún sạt lở đất đe dọa nghiêm trọng tính bền vững của toàn bộ phần thân tháp phía trên. Phần thân tháp hiện nay đã bị mất hẳn mảng tường bên trái gãy đôi, không đủ sức chống đỡ toàn bộ khối lượng gạch phía trên của chóp tháp. Trên thân tháp, vết nứt dọc kéo dài đã tạo ra hai mảng tường bên trái và phải, theo lực ly tâm bị tách rời ra khỏi phần thân tháp.

Năm 2012, Trung tâm Quản lý Di tích và Danh thắng đã thực hiện chống đỡ cấp thiết, dùng khung định hình thép bọc xung quanh để giữ cố định các khối gạch này. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời, do khung định hình thép chỉ làm giảm được lực ngang, không giảm được lực thẳng do tải trọng gây ra và hiện tượng chuyển vị bản thân.

Hiện tượng vôi hóa chất kết dính dẫn đến phá vỡ liên kết giữa các viên gạch, làm bong tách ra và rơi xuống đất. Cơ quan chuyên môn cho xếp những viên gạch Chăm rơi vãi xung quanh lại với nhau, làm bệ đỡ tạm thời để tránh tình trạng rơi đổ gạch từ thân tháp. Toàn bộ phần đỉnh tháp đã bị sụp đổ hoàn toàn.

Hiện tháp chỉ còn lại mảng tường phía Tây đang được chống đỡ bằng khung dàn sắt, chân tường xung quanh bị khuyết sâu vào trong khối xây móng dạng hàm ếch nếu không được chống đỡ bằng dàn sắt hiện hữu thì khối tường này đã đổ sập, rất nguy hại. Mảng tường phía Đông, Nam, Bắc đã mất hoàn toàn, chỉ còn nền móng bị vùi lấp dưới lớp đất đá, bậc cấp cũng đã mất hết cấu trúc, vùi lấp…

Kết quả khảo sát đánh giá tình trạng kỹ thuật của tháp Sáng cho thấy, mặc dù đã được chống đỡ nhưng các cấu trúc của phế tích xuống cấp rõ rệt so với tình trạng khi được chống đỡ. Các thành phần cấu trúc của các mảng tường mặt Tây vẫn đang tiếp tục bị xuống cấp, trong trạng thái nguy hiểm, lộ rõ nguy cơ mất ổn định chung. Bộ khung cửa đá sa thạch với những vết nứt lớn vẫn tiếp tục phát triển, rõ ràng nhất là vết cắt trên khung cửa ngang, tương đương vết gãy của tấm lanh tô cửa, gần như đã cắt rời tấm đá khung cửa. Nếu như không có cấu trúc đỡ bằng sắt ống thì có thể đã bị gãy rời, rơi xuống đất và phần cấu trúc gạch vòm cuốn phía bên trên cửa cũng bị kéo đổ theo.

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, các giải pháp kỹ thuật trùng tu di tích áp dụng trong dự án này được thực hiện trên cơ sở công tác “trùng tu khảo cổ học”, với phương châm bảo tồn tối đa tính nguyên gốc, sự xác thực của di tích và tôn trọng tình trạng hiện còn. Các nhà khảo cổ và bảo tồn cho rằng cách ứng xử phù hợp với khu phế tích kiến trúc - khảo cổ học đặc thù này là việc khai quật thận trọng từng bước kết hợp với việc gia cố cùng với tái định vị từng phần trên cơ sở một chương trình khai quật - trùng tu bảo tồn theo các chuẩn mực khoa học và kéo dài qua nhiều năm.

Trong dự án này, các quan điểm cơ bản được xem xét như sau: Di tích Phật viện Đồng Dương là một phức hợp di tích, bao gồm các yếu tố vật chất lịch sử, văn hóa, tôn giáo, kiến trúc đô thị - tín ngưỡng, dân dụng và nghệ thuật… của một quá trình tồn tại dài với những giai đoạn để lại dấu vết và dấu ấn riêng. Do đó, các hoạt động nhằm mục đích bảo tồn khu di tích cần có phương pháp tiếp cận tổng thể, đồng bộ và cân bằng về nhiều mặt, luôn đề cao tính khách quan lịch sử.

Các giải pháp áp dụng cho việc can thiệp nhằm bảo tồn di tích tháp Sáng là những thao tác được lựa chọn, cụ thể hóa trên cơ sở định hướng chung về ứng xử với khu di tích Phật viện Đồng Dương. Được thực hiện trên cơ sở các nguyên tắc của trùng tu khảo cổ học, can thiệp ít nhất, ưu tiên cứu vãn, để lại ít nhất dấu vết can thiệp, tránh sự nhầm lẫn, tránh làm giả.

Quy trình triển khai can thiệp bảo tồn đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ và hữu cơ giữa các công việc chuyên ngành (tư liệu, khai quật thăm dò, phát lộ khảo cổ học kết hợp nghiên cứu về mỹ thuật, kỹ thuật và vật liệu, gia cố, khôi phục định hình cấu trúc, bảo quản loại trừ các nguyên nhân xâm hại di tích…); các thành phần cấu thành di tích gốc sau khi được bộc lộ phải được xử lý kịp thời và thích hợp...