Hà Nội:
Sẽ cưỡng chế 61 hộ dân để triển khai Dự án Tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Gò Đống Thây
VHO - UBND quận Thanh Xuân, Ban thực hiện cưỡng chế thu hồi đất vừa có thông báo về việc cưỡng chế thu hồi đất để thực hiện Dự án Tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Gò Đống Thây (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội).
Theo đó, đối tượng bị cưỡng chế là 61 hộ gia đình, cá nhân không đồng thuận nhận tiền hỗ trợ và bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án dự án Tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Gò Đống Thây với diện tích 4.283m2 đất và công trình trên đất.

Trong đó có 52 trường hợp tháo dõ toàn bộ công trình, 9 trường hợp cắt xén; gồm 1 nhà B1, 2 nhà G2, 36 nhà G1, 22 nhà tạm.
Địa điểm cưỡng chế là khu đất nằm trong chỉ giới hu hồi đất giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án dự án Tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Gò Đống Thây (ngõ 12 đường Khuất Duy Tiến, phường Thanh Xuân Trung).
Dự kiến, ngày 21.5, cơ quan chức năng sẽ tổ chức cưỡng chế thu hồi đất và công trình trên đất đối với 33 hộ gia đình, cá nhân. Ngày 22.5, sẽ cưỡng chế thu hồi đất và công trình trên đất đối với 28 hộ gia đình, cá nhân.
Trước đó, ngày 28.4, UBND quận Thanh Xuân đã ban hành Quyết định phê duyệt phương án tổ chức thực hiện cưỡng chế thu hồi đất đối với trường hợp không chấp hành bàn giao mặt bằng để thực hiện Dự án Tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Gò Đống Thây.

Được biết, di tích lịch sử Gò Đống Thây đã được Bộ Văn hoá - Thông tin - Thể thao và Du lịch (nay là Bộ VHTTDL) công nhận di tích lịch sử tại Quyết định số 993-QĐ ngày 28.9.1990.
Theo sử sách để lại, sự kiện lịch sử của khu Gò Đống Thây diễn ra cách ngày nay hơn 500 năm, khoảng thời gian dài lịch sử dân tộc gần 6 thế kỷ đã đi qua.
Gò Đống Thây ngày nay là chứng tích hào hùng oanh liệt của nhân dân và dân tộc ta đã chiến thắng giặc Minh trong cuộc khởi nghĩa của người anh hùng dân tộc Lê Lợi, Nguyễn Trãi.
Di tích Gò Đống Thây là một tư liệu quý, góp phần không nhỏ cho việc tìm hiểu, quy mô và không gian thật của chiến thắng quân Minh bảo vệ thành Đông Quan năm 1426, đánh dấu sự tồn tại của một làng cổ - làng Mọc - quanh kinh thành Thăng Long xưa.
Trao đổi với Văn hóa, ông Nguyễn Mạnh Đạt, Chủ tịch UBND phường Thanh Xuân Trung cho biết, ngày 7.5 đại diện các cơ quan chức năng của quận Thanh Xuân và phường sẽ tiếp tục tổ chức cuộc họp với người dân để vận động, thuyết phục chủ sử dụng đất trong danh sách Quyết định cưỡng chế thu hồi đất.

Theo ông Đạt, có tổng cộng 63 hộ gia đình, cá nhân đã đến ở, sinh hoạt trong khu vực di tích. Từ năm 2024 đến nay, phường đã tổ chức nhiều cuộc họp, đối thoại để tuyên truyền tới người dân về việc giải phóng mặt bằng cho việc thực hiện dự án Tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Gò Đống Thây, hướng dẫn các hộ có đủ điều kiện mua, thuê nhà ở xã hội...
Đến nay, đã có 2 hộ dân đã đồng ý nhận tiền đền hỗ trợ, bàn giao đất; còn lại 61 hộ gia đình, cá nhân chưa đồng thuận; trong đó có 5 hộ được xem xét mua nhà tái định cư, và không có trường hợp nào đăng ký thuê, mua nhà ở xã hội.
“Việc giải phóng mặt bằng nhằm tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Gò Đống Thây, xây dựng thành khu công viên, văn hóa lịch sử, giáo dục truyền thống, tôn vinh chiến thắng của cha ông ta, cũng là làm đẹp thêm cảnh quan đô thị của Thủ đô. Tôi mong rằng người dân sẽ đồng tình, tuân thủ và chấp hành các quy định của pháp luật”, Chủ tịch UBND phường Thanh Xuân Trung cho hay.