Những giá trị quý báu tại Cụm di chỉ Vườn Chuối (Hà Nội):

Tiến độ bảo tồn, xếp hạng di tích quá chậm

lNGÂN ANH; ảnh: L.SƠN

VHO - Đợt khai quật khảo cổ tại phía Tây gò Vườn Chuối (thôn Lai Xá, xã Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội) mới đây cho thấy những kết quả lần đầu được nhận diện ở cụm di chỉ này, đồng thời cũng đặt ra phương án di dời di tích, di vật phục vụ cho việc giải phóng mặt bằng.

Tiến độ bảo tồn, xếp hạng di tích quá chậm - ảnh 1
Toàn cảnh hiện trường khai quật

 

Cuộc khai quật di dời phía Tây di chỉ Vườn Chuối dù vẫn đang được thực hiện nhưng công tác nghiên cứu sơ bộ tại hiện trường đã đưa đến những tư liệu vô cùng quý báu, có giá trị lịch sử khảo cổ sâu sắc.

Dấu vết và chứng cứ đặc sắc

Sau gần sáu tháng thực hiện công tác khảo cổ tại hiện trường với tổng diện tích 6.000m2, kết quả khai quật đã làm xuất lộ cơ bản không gian phân bố và những dấu tích quan trọng về nơi ở, nơi chôn cất người chết, và nhiều di vật tiêu biểu của di chỉ cư trú mộ táng Vườn Chuối.

Lịch sử phát hiện và nghiên cứu cụm di chỉ Vườn Chuối được phát hiện từ năm 1969, qua nhiều lần khai quật với tổng diện tích 1.250m2 đã ghi nhận đây là một phức hệ di tích thuộc loại hình di chỉ cư trú, mộ táng, tầng văn hóa phản ánh nhiều giai đoạn văn hóa phát triển liên tục trong thời đại Kim khí miền Bắc Việt Nam. Cụm di chỉ Vườn Chuối là địa điểm quan trọng, mỗi lần khai quật đều đem lại những kết quả và tư liệu mới cho công tác nghiên cứu lịch sử - khảo cổ thời tiền sơ sử ở Hà Nội và khu vực.

Tuy nhiên, trong vài thập niên gần đây, sự phát triển đô thị về phía Tây Hà Nội đã khiến cụm di chỉ Vườn Chuối chịu những tác động nặng nề. Các địa điểm gò Chùa Gio, Đình Lỗ, Cây Muỗng, Dền Rắn, Mỏ Phượng bị phá hủy nhiều và hiện thành một phần của các khu đô thị mới mà chưa được, hoặc mới chỉ được nghiên cứu khảo cổ rất hạn chế. Riêng địa điểm gò Vườn Chuối, vấn đề bảo tồn di tích đã được các nhà nghiên cứu và cộng đồng cư dân địa phương lên tiếng từ lâu. Địa điểm này cũng được chú ý nghiên cứu bảo tồn.

Tiếp nối các đợt khai quật trước đây, từ cuối tháng 3.2024 Viện Khảo cổ học, Bảo tàng Hà Nội và Khoa Lịch sử, Trường Đại học KHXH&NV (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã phối hợp thực hiện công tác khai quật hiện trường nhằm khai quật, di dời di tích, di vật, giải phóng mặt bằng nửa phía tây di chỉ Vườn Chuối phục vụ Dự án xây dựng đường Vành đai 3.5 tại khu vực gò Vườn Chuối. Kết quả sơ bộ đã phát hiện những dấu vết và chứng cứ đặc sắc, trực tiếp góp thêm nhận thức mới về quá trình cư trú, thay đổi, cải tạo và mở rộng địa bàn sinh sống của người cổ trong suốt gần 2000 năm.

Diện tích khai quật gồm 3 khu vực: Khu vực phía Bắc thuộc phạm vi đỉnh gò Vườn Chuối, khu vực giữa gò nằm ở sườn phía Nam gò Vườn Chuối, Khu vực phía Nam gò Vườn Chuối. Đợt khai quật đã phát hiện những di tích lần đầu tiên được biết đến khi nghiên cứu về thời đại Kim khí ở miền Bắc Việt Nam. Đó là mặt bằng cư trú giai đoạn tiền Đông Sơn, các khu mộ táng tiền Đông Sơn, khu mộ táng văn hóa Đông Sơn từ sớm đến muộn; dấu tích gia cố mặt bằng sinh sống thời Đông Sơn; dấu vết hố cột của các kiến trúc dạng nhà dài thời Đông Sơn và một số dấu tích của thời hậu Đông Sơn.

Đến nay, đợt khai quật đã thu được nhiều di vật thuộc các nhóm chất liệu đá, đồng, gốm, gỗ, xương, sắt… thuộc nhiều giai đoạn, từ giai đoạn Phùng Nguyên muộn đến Đông Sơn muộn. Trong số này, đồ gốm vụn có số lượng nhiều nhất với trên 10 tấn gốm đã thu về lưu trữ trong kho tạm và còn nhiều cụm gốm tùy táng vẫn đang được lưu giữ tại hiện trường.

Tiến độ bảo tồn, xếp hạng di tích quá chậm - ảnh 2
Trong đợt khai quật lần này, nhóm nhà khảo cổ phát hiện khu mộ táng của người Việt cổ cách nay hàng nghìn năm

Bổ sung tư liệu khẳng định giá trị di chỉ Vườn Chuối

Theo báo cáo sơ bộ về đợt công tác khai quật di dời phía Tây di chỉ Vườn Chuối phục vụ giải phóng mặt bằng xây dựng dự án đường Vành đai 3.5, nhiều tư liệu được bổ sung tiếp tục khẳng định giá trị lịch sử, văn hóa của di chỉ Vườn Chuối trong thời đại Kim khí ở miền Bắc Việt Nam.

Nhiều nhà khảo cổ nhận định, có thể nói, Vườn Chuối là một ngôi làng Việt cổ đã được con người thời đại Kim khí khai phá, làm chủ một cách lâu dài trên 2000 năm, phát triển liên tục từ giai đoạn Phùng Nguyên muộn - Đồng Đậu sớm đến Đông Sơn và hậu Đông Sơn. Những kết quả nghiên cứu từ đây đã góp phần cung cấp đầy đủ chứng cứ lịch sử về sự có mặt của con người từ rất sớm trên địa bàn Hà Nội. Hơn nữa, chứng minh nguồn gốc bản địa và lịch sử dân tộc Việt Nam thời tiền sơ sử, khẳng định thời đại Hùng Vương dựng nước trong lịch sử dân tộc không hề là truyền thuyết. Cuộc khai quật di dời phía Tây di chỉ Vườn Chuối mặc dù vẫn đang được thực hiện nhưng có thể nhận định công tác nghiên cứu hiện trường đã đưa đến những tư liệu vô cùng quý báu có giá trị lịch sử khảo cổ sâu sắc. Theo đó, lần này đã phát hiện mặt bằng khu cư trú thời tiền Đông Sơn; phát hiện về khu mộ táng có niên đại kéo dài từ giai đoạn Phùng Nguyên muộn - Đồng Đậu sớm đến giai đoạn muộn của văn hóa Đông Sơn. Cũng trong đợt này, những dấu tích vật chất của công trình kiến trúc liên quan đến nhà ở của người Đông Sơn lần đầu được tìm thấy tại Vườn Chuối.

Tiến độ bảo tồn, xếp hạng di tích quá chậm - ảnh 3
Các chuyên gia, nhà khảo cổ trao đổi về các di vật, hiện vật được tìm thấy

Phương án di dời các di tích, di vật khảo cổ

Hiện nay, công tác bảo quản tạm thời đang được thực hiện song song với quá trình khai quật hiện trường. Đa số các ngôi mộ sau khi làm rõ di cốt và đồ tùy táng chôn theo được để tại hiện trường phục vụ công tác đo đạc, thu thập thông tin khoa học về táng thức, táng tục và nhân chủng. Do di cốt nằm lâu trong lòng đất, công tác nghiên cứu hiện trường khiến di cốt bị phơi sáng

 một thời gian dài, trong thời tiết mưa ẩm, dẫn đến di tích phải chịu ảnh hưởng không nhỏ. Các di tích liên quan đến đời sống cư trú của cư dân Vườn Chuối như vết tích bếp, lò nấu, đúc đồng, các hố đất đen... cũng không khỏi bị tác động và rêu mốc xâm hại. Bên cạnh đó là tác động nặng nề của bão Yagi trong quá trình thực hiện khai quật hiện trường.

Căn cứ phương án di dời và bảo quản hệ thống di tích, di vật ở phía Tây Vườn Chuối đã được phê duyệt, kế hoạch di dời các di tích, di vật tại hiện trường, bao gồm các di tích mộ táng; những vết tích cư trú, di vật khảo cổ đã được lập. Theo Viện Khảo cổ học, để công tác khai quật di dời nửa phía Tây di chỉ Vườn Chuối hoàn thành đúng tiến độ, đề nghị UBND huyện và Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Hoài Đức phê duyệt phương án xây dựng, bổ sung kinh phí xây dựng khu mồ mả phục vụ bảo quản và hoàn táng di cốt tại nghĩa trang Lai Xá; bổ sung kinh phí thực hiện di dời di tích, di vật ở khu vực các hố khai quật năm 2019 với tổng diện tích 200m2.

Viện Khảo cổ học cũng đề nghị Sở VHTT Hà Nội nghiên cứu, tham mưu trình UBND TP phê duyệt kế hoạch và bố trí kinh phí thực hiện nhiệm vụ chỉnh lý, nghiên cứu, bảo quản và xây dựng hồ sơ khoa học di tích, di vật khai quật ở phía Tây di chỉ Vườn Chuối. Thực tế cho thấy những tư liệu quý nhất tại di chỉ Vườn Chuối là hệ thống mộ táng và những di cốt hung táng còn được bảo tồn qua hàng ngàn năm lịch sử, có giá trị đặc biệt quan trọng. Vì thế, những di tích, di vật này cần được nghiên cứu chỉnh lý càng sớm càng tốt.

Di chỉ Vườn Chuối được phát hiện từ cách đây 55 năm; những nghiên cứu hơn 20 năm qua đã xác định đây là di chỉ cư trú, mộ táng có tầng văn hóa dày phát triển qua nhiều giai đoạn tiền Đông Sơn - Đông Sơn. Tuy nhiên, trái ngược với giá trị lịch sử văn hóa quý báu của Vườn Chuối, công tác bảo vệ, bảo tồn di tích lại diễn tiến khá chậm. Nói cách khác, mặc dù đã có chủ trương từ lâu về việc nghiên cứu, xếp hạng di chỉ khảo cổ Vườn Chuối bước đầu ở cấp thành phố nhưng đến nay không hiểu sao vẫn diễn ra một cách chậm chạp.

Theo giới chuyên môn, tiến độ bảo tồn cần tỷ lệ thuận với giá trị di tích. Bởi thực tế, đến nay Vườn Chuối mới chỉ được ghi vào danh mục kiểm kê di tích. Đợt công tác khai quật di dời phía Tây di chỉ Vườn Chuối phục vụ giải phóng mặt bằng xây dựng dự án đường Vành đai 3.5 là cuộc khai quật có quy mô lớn, đóng góp thêm nhiều tư liệu quý báu trong việc nghiên cứu làm rõ giá trị lịch sử, văn hóa của di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối. Những nghiên cứu này không chỉ hứa hẹn đóng góp thêm tư liệu quan trọng cho bảo tồn, phát huy giá trị di sản Vườn Chuối mà còn thêm những hiểu biết quý báu vào lịch sử Việt Nam ở thời kỳ tiền Nhà nước và giai đoạn Nhà nước sớm.

Sau giai đoạn chỉnh lý cũng như khi di chỉ Vườn Chuối được công nhận và bảo vệ, nơi đây hứa hẹn sẽ là địa chỉ nghiên cứu, tham quan dành cho các nhà khoa học và đông đảo nhân dân. 

 Có thể nói, Vườn Chuối là một ngôi làng Việt cổ đã được con người thời đại Kim khí khai phá, làm chủ một cách lâu dài trên 2000 năm, phát triển liên tục từ giai đoạn Phùng Nguyên muộn - Đồng Đậu sớm đến Đông Sơn và hậu Đông Sơn. Những kết quả nghiên cứu từ đây đã góp phần cung cấp đầy đủ chứng cứ lịch sử về sự có mặt của con người từ rất sớm trên địa bàn Hà Nội. Hơn nữa, chứng minh nguồn gốc bản địa và lịch sử dân tộc Việt Nam thời tiền sơ sử, khẳng định thời đại Hùng Vương dựng nước trong lịch sử dân tộc không hề là truyền thuyết.