Du lịch khảo cứu, vì sao vẫn bị lãng quên?

THỤY BẤT NHI - TẠ ĐÌNH DŨNG

VHO - Hơn mười năm trước, khi du lịch Đà Nẵng - miền Trung bắt đầu khởi sắc, các chuyên gia đã đặt câu hỏi, từ những đoàn du khách trải nghiệm nhanh vội, du lịch địa phương đã nên lưu ý đầu tư vào du lịch khảo cứu hay không?

 Du lịch khảo cứu, vì sao vẫn bị lãng quên? - ảnh 1
Rất nhiều du khách đến Hội An để tìm hiểu lịch sử văn hóa vùng đất này

Lý do để các chuyên gia lịch sử, văn hóa đặt vấn đề, là nhìn vào hành trình phát triển dải đất miền Trung. Từ chuyện khai hoang mở cõi thuở Lý Trần, đến vương triều Nguyễn nhất thống sơn hà, luôn là cảm hứng để bao người muốn tìm đến, đặt chân trên từng tấc đất đẫm máu xương tiền nhân, mà cảm thấu tâm tình.

Bỏ quên hay chưa đến lúc?

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng nhìn nhận, thành phố này đã có một cơ hội phát triển rực rỡ ngay sau lựa chọn du lịch làm kinh tế mũi nhọn, với lượng du khách không ngừng tăng, từ đó thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư. Đến nay, hiện trạng phát triển du lịch Đà Nẵng đã rất rõ ràng, từ hạ tầng, nhân lực, dịch vụ, đến định hướng đầu tư cơ hội…

Tuy nhiên, trong quá trình đó, giai đoạn đầu tiên Đà Nẵng hướng vào nhu cầu trải nghiệm điểm đến của du khách, chọn đầu tư bề rộng, với hạ tầng, dịch vụ đa dạng, số lượng lớn. Gần đây, địa phương chuyển mạch đầu tư, nhắm vào các nhu cầu du khách thưởng thức, cảm thụ chọn lọc hơn những sản phẩm du lịch đặc thù, du lịch chuyên đề như MICE, thể thao văn hóa… Hướng vận động sẽ đến của địa phương là xây dựng những sản phẩm du lịch đặc hữu hơn, đi sâu vào những nhu cầu, nhóm du khách đặc biệt, thật sự tinh tế, trong đó có du lịch khảo cứu, du lịch khám phá các tầng văn hóa xã hội chuyên biệt.

Theo ông Cao Trí Dũng, như vậy tiến độ phát triển du lịch địa phương là có sự cân nhắc, phù hợp định hướng bền vững và từng giai đoạn thị trường. Thấy rõ vấn đề, địa phương cần có sự chuẩn bị chu đáo, tích cực, để khi mở hướng khai thác du lịch mới, sẽ liệu được các xu hướng, hoàn cảnh thực tế để ứng phó phù hợp. “Chúng tôi không phải bỏ quên, mà là xác định chưa đến lúc, không nên vội vàng đầu tư ngay, nhất là với những khía cạnh du lịch độc đáo như du lịch khám phá, khảo cứu. điền dã…”, ông Dũng nhấn mạnh.

Điểm mấu chốt theo ông Dũng, là khái niệm du lịch khảo cứu nghe qua rất mới, nhưng không hề lạ với hoạt động du lịch bên ngoài. Những nước phát triển đã có lịch sử lâu năm về mảng du lịch đặc thù này, với nhiều nhóm đối tượng du khách khác nhau, gồm cả những nhà nghiên cứu, học sinh, sinh viên, đến những người dân bình thường muốn hiểu biết sâu hơn về một địa hạt, vấn đề nào đó. Những câu chuyện về doanh nhân này “mua suất” bay lên vũ trụ, hay thuê tàu ngầm thám hiểm biển sâu… thực tế chính là du lịch khảo cứu mà nhiều người rất muốn được trải nghiệm. Nhìn ở góc độ này, miền Trung cũng là một địa chỉ hứa hẹn cho đầu tư phát triển du lịch khảo cứu.

Hợp tác giữa du lịch và bảo tàng?

Theo ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, du lịch khảo cứu thực sự là cơ hội rất tốt để tăng cường quan hệ hợp tác giữa ngành du lịch với văn hóa, thông qua các bảo tàng, điểm đến di tích di chỉ. Đây chính là mấu chốt để hiện nay Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam… đang đặt vấn đề nghiêm túc về đầu tư các bảo tàng theo hướng mở, đưa nội dung bảo tàng, công tác bảo tồn ra với công chúng, thu hút sự quan tâm của cộng đồng vào hoạt động bảo tàng.

“Không phải tự nhiên để du khách nước ngoài có những lựa chọn khác chúng ta khi đi đến một vùng đất, địa danh nào mới với họ. Nơi đầu tiên họ chọn đến tham quan, luôn là bảo tàng của nơi đó, để họ biết rõ hơn lịch sử địa phương, từ đó có cái nhìn chính xác, thông tin dữ liệu đúng nhất”, ông Quốc Thiện nói. Cũng theo ông Thiện, du lịch các địa phương nên lưu ý điều này. Nhất là miền Trung, tỉnh thành nào cũng là cả một pho sử dày về quá trình phát triển, sự pha trộn, hòa nhập nhiều kiến thức văn hóa khác nhau, từ nếp sống tác phong đến ẩm thực trang phục.

Giải thích rõ về các vùng đất, điểm đến chính là công tác của ngành văn hóa bảo tàng, song lan tỏa những thông tin ấy đến cộng đồng, là câu chuyện nên đầu tư của ngành du lịch. Biến những dữ liệu lịch sử, hiện vật thời gian thành câu chuyện hấp dẫn du khách, rồi đưa du khách tiếp cận, thưởng thức những sáng tạo, biến cải từ các dữ liệu ấy vào đời sống, là cả một quá trình đầu tư, triển khai phải thật nhuần nhuyễn giữa những người làm bảo tồn và hợp tác du lịch.

Với cách suy nghĩ này, rõ ràng các tỉnh thành miền Trung cần nhận diện rõ cơ hội và khởi động đầu tư, tìm kiếm du khách về du lịch khảo cứu. Từ những câu chuyện lịch sử ở thành Điện Hải, đến thất thủ Kinh đô Huế; từ những chuyến ghe tàu buôn bán về Hội An, đến lịch sử Lai Viễn Kiều; từ lịch sử chữ quốc ngữ ở dinh trấn Thanh Chiêm, đến kỳ thi hương cuối cùng ở Kinh thành Huế… đó đều là những dấu ấn văn hóa, lịch sử bất hủ mà bất kỳ ai, khi biết đến, cũng ao ước một lần được diện kiến, tham gia tìm hiểu, trải nghiệm cảm xúc khảo cứu thực tiễn, “nghe, thấy, nhìn và ngửi”.

Giám đốc một đơn vị lữ hành văn hóa Huế chia sẻ, không phải đến lúc này, vấn đề du lịch khảo cứu mới đặt ra. Hơn 10 năm qua, Kinh thành Huế là địa chỉ đón rất nhiều đoàn, nhóm du khách đặc thù, là sinh viên các ngành học lịch sử, văn hóa của nhiều nước đến tìm hiểu, tra cứu các dữ liệu, vấn đề mà họ quan tâm. Mỗi năm Huế, Hội An vẫn lặng lẽ đón nhiều nhóm du khách, là các gia đình tri thức, học giả, đến từ châu Âu, Nhật Bản… để lần về quá khứ, thực chứng tận mắt những lời lẽ ghi chép trên giấy, trong sách vở của họ.

Mở rộng những nhóm đối tượng này, tiếp nhận thêm những đoàn du khách khảo cứu đến với miền Trung, là câu chuyện mà bảo tàng và du lịch phải làm được.