Nghề đóng ghe, tàu ở Kim Bồng
VHO - Từ thế kỷ XVII-XVIII, Hội An với nhiều yếu tố thuận lợi đã nhanh chóng phát triển thịnh vượng trở thành đô thị thương cảng quan trọng tại Đàng Trong, tập trung rất nhiều thuyền buồm đến từ khắp các vùng miền trong và ngoài nước.
Đặc biệt, trong không gian của “văn hóa ghe bầu” (thuyền buồm) đặc trưng của xứ Quảng có sự đóng góp rất lớn của thợ mộc Kim Bồng ( xã Cẩm Kim, TP Hội An) với tài nghệ đóng ghe bầu nổi tiếng.
Ghe bầu xứ Quảng có mũi và lái nhọn, bụng bầu, độ ngấn nước sâu, xỏ lái xuyên trực tiếp vào bánh lái , dùng loại buồm hình tứ giác bố trí ở mũi, khoang và lái nên hút gió, có khả năng vươn mạnh, di chuyển nhanh, xa và chống chọi được sóng gió, giữ an toàn. Mắt ghe khắc hình khá dài, trước tròn, đuôi mắt dài nhọn.
Theo khảo sát, trước đây nghề đóng ghe, tàu lớn đi biển như ghe giã, ghe mành, ghe trường, ghe bầu, các loại tàu đánh bắt xa bờ rất phát triển, đáp ứng nhu cầu đóng mới, bảo dưỡng các loại ghe tàu đi biển. Ngoài ra còn đóng các loại ghe mê, ghe săn đi sông phục vụ cho việc đánh bắt hải sản cũng như cho việc vận chuyển, đi lại bằng đường biển.
Những người thợ liên kết với nhau theo từng nhóm để lập thành các xưởng đóng ghe, hoặc đi đóng ghe thuê. Mỗi nhóm thợ có một thợ cả, là người có tay nghề cao, tính toán giỏi đứng ra tập hợp và điều hành công việc của nhóm. Dưới thợ cả tùy theo tay nghề chia làm các loại thợ nhất, thợ nhì, thợ ba…
Ở làng mộc Kim Bồng, những cơ sở đóng tàu thuyền đều có giữ nghề truyền thống 4-5 thế hệ. Theo dòng thời gian, nghề đóng ghe bầu mai một dần, thợ làng mộc Kim Bồng lại tìm tòi, phát triển nghề đóng tàu cá cho ngư dân, tàu phục vụ du lịch.
Mới đây, thành phố Hội An đã chính thức triển khai hoạt động hướng dẫn tham quan tại làng mộc Kim Bồng thuộc dự án “Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn giá trị văn hóa bản địa và hệ sinh thái tự nhiên tại làng mộc Kim Bồng”, được thực hiện từ năm 2023 – 2025.
Đây là một trong số mô hình thí điểm thuộc Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 đã được Bộ NN&PTNT phê duyệt.
Năm 2023, Hội An chính thức gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trên lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian, trong kế hoạch có đưa ra sáng kiến liên quan đến “Dự án Mộc Kim Bồng - Khơi nguồn sáng tạo”, trong đó, phát triển hơn nữa làng mộc truyền thống Kim Bồng với nghề mộc được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.