Hà Nội:
Nâng cao chất lượng giáo dục, định hình chuẩn mực con người
VHO - Để triển khai thực hiện Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025, ngành giáo dục Thủ đô đã tập trung nhiều nguồn lực, nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Trong đó, nhiều giải pháp được tập trung triển khai có đóng góp quan trọng trong xây dựng, phát huy các hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người gắn với đặc thù của Thủ đô.
Sáng 17.12, đoàn kiểm tra kết quả thực hiện Chương trình 06 do Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà làm trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra kết quả thực hiện chương trình tại Sở GD&ĐT Hà Nội.
Đào tạo nhân lực gắn với các hệ giá trị
Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Hà Nội, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, đóng góp vào việc xây dựng chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới, ngành giáo dục Thủ đô đã triển khai nhiều giải pháp và đạt được những kết quả tích cực.
Trong đó, đối với các Đề án, kế hoạch về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, ngành giáo dục Thủ đô đã chú trọng triển khai thực hiện, đạt nhiều thành tựu quan trọng. Từ đó, tạo dựng môi trường giáo dục lành mạnh, tiên tiến, đồng thời phát huy hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực người Hà Nội.
Các hoạt động bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc và lối sống lành mạnh được triển khai rộng rãi, điển hình như cuộc thi Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các lớp tìm hiểu về Đảng, bồi dưỡng tư tưởng chính trị cho học sinh….
Các chương trình giáo dục di sản, trò chơi dân gian, các cuộc thi an toàn giao thông đã góp phần giáo dục toàn diện cho học sinh. Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao như Liên hoan hợp xướng, Hội khỏe Phù Đổng… tạo không khí thi đua sôi nổi trong học sinh.
Đặc biệt, nhiều quận, huyện đã triển khai mô hình phát triển văn hóa đọc và chương trình Sáng mãi nét đẹp thanh lịch, văn minh; góp phần nâng cao ý thức học tập suốt đời và giáo dục giá trị văn hóa truyền thống, con người.
Điểm sáng trong ngành giáo dục, thành phố đã chú trọng xây dựng môi trường văn hoá trong nhà trường, văn hóa học đường; đảm bảo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng, chống bạo lực học đường.
Mỗi giáo viên chủ động đưa nội dung về văn hoá ứng xử vào các bài học phù hợp trong các môn hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp, giáo dục lịch sử địa phương, giáo dục công dân, lịch sử, ngữ văn.
Nhiều trường học đã mời chuyên gia về phổ biến cho giáo viên các kỹ năng ứng xử với phụ huynh và học sinh; tổ chức các chuyên đề cho học sinh như ứng xử trên không gian mạng, sử dụng mạng internet an toàn, giáo dục về lòng biết ơn, phòng chống bạo lực học đường…
Tập trung xây dựng môi trường văn hoá trong nhà trường
Theo đánh giá của đoàn kiểm tra, các hoạt động đều hướng đến định hình chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh; lồng ghép với tuyên truyền, thực hiện các nội dung liên quan đến các hệ giá trị. Các nội dung được thực hiện trên tinh thần dễ nhớ, dễ hiểu để các em học sinh dễ nắm bắt, thực hiện.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương chia sẻ, nhiều hoạt động không chỉ góp phần bồi dưỡng đạo đức, lối sống lành mạnh cho học sinh mà còn thúc đẩy việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; từ đó tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của Thủ đô.
Phát biểu tại Hội nghị kiểm tra, Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Đỗ Đình Hồng, cơ quan thường trực Chương trình 06 nhận định, trong thời gian qua, Sở GD&ĐT Hà Nội, ngành giáo dục Thủ đô đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; hình thành nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh.
Đây cũng là những kết quả ngành giáo dục thành phố thu về được trong phát huy hệ giá trị văn hoá, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam gắn với những đặc trưng về văn hoá, con người Thủ đô.
Tại Hội nghị, bên cạnh những kết quả đã làm được, các đại biểu cũng đề xuất, kiến nghị các cấp học của Thủ đô cần tăng cường tổ chức các hoạt động xây dựng, phát triển môi trường văn hoá trong trường học theo hướng đổi mới, sáng tạo, khơi dậy được hứng khởi trong đội ngũ thầy và trò; nhân rộng các mô hình hay trong xây dựng trường học hạnh phúc…
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, một trong những nội dung được Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà nhấn mạnh là chú trọng xây dựng môi trường văn hoá trong trường học.
Theo Phó Chủ tịch Vũ Thu Hà, xây dựng môi trường văn hoá trong giáo dục chính là xây dựng nhà trường văn hoá. Từ quá trình xây dựng văn bản đến triển khai thực hiện, đây là nội dung được lãnh đạo thành phố đặc biệt quan tâm. Việc xây dựng môi trường văn hoá trong trường học phải gắn liền với xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; góp phần xây dựng chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới.
“Hiện tại, chúng ta đã có Đề án “Xây dựng văn hoá ứng xử trong trường học giai đoạn 2021 – 2025”. Dù việc thực hiện thời gian qua đã tạo nhiều chuyển biến tích cực nhưng một số hoạt động khi tổ chức vẫn chưa làm rõ được những nội dung về xây dựng môi trường văn hoá trong học đường. Xây dựng môi trường văn hoá trong nhà trường phải đầy đủ các yếu tố an toàn, nhân văn, lành mạnh; có sự đổi mới, sáng tạo để tạo hiệu ứng lan toả”, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà nêu rõ.