Nỗ lực triển khai thực hiện hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình, vì hạnh phúc của nhân dân

ĐÌNH TOÁN

VHO - Ngày 28.11 tại tỉnh Thái Nguyên, Sở VHTT Hà Nội phối hợp với Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) tổ chức chương trình khảo sát, trao đổi kinh nghiệm trong đẩy mạnh các giải pháp thực hiện, tuyên truyền triển khai về các hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam.

Tham gia đoàn khảo sát có ông Lương Đức Thắng, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL); bà Trần Thị Vân Anh, Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội. Tiếp đoàn công tác có Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Thái Nguyên Vũ Thị Thu Hường.

Nỗ lực triển khai thực hiện hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình, vì hạnh phúc của nhân dân - ảnh 1
Đoàn tiến hành hội nghị trao đổi kinh nghiệm

Phát biểu tại buổi trao đổi kinh nghiệm, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Lương Đức Thắng nhấn mạnh, công tác xây dựng văn hóa, chuẩn mực con người Việt Nam trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc giữ vai trò đặc biệt quan trọng.

Để triển khai thực hiện hiệu quả các hệ giá trị cũng như công tác tuyên truyền, ông Lương Đức Thắng cho hay cần làm rõ nội hàm của các hệ giá trị. Cùng với đó, phát triển những thành tố của hệ giá trị sao cho phù hợp với thực tiễn tại địa phương.

Nỗ lực triển khai thực hiện hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình, vì hạnh phúc của nhân dân - ảnh 2
Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Lương Đức Thắng phát biểu

“Mỗi địa phương có những đặc thù riêng, vì vậy có những giá trị văn hóa riêng. Theo đó, các địa phương cần bám sát theo các tiêu chí chung của Bộ VHTTDL. Đồng thời, nhận diện rõ các lợi thế, đặc điểm, điều kiện đặc thù của từng đơn vị để có đề xuất xây dựng các tiêu chí cụ thể, phù hợp với địa phương mình. Hà Nội, Thái Nguyên có thể học tập các mô hình hay, cách làm sáng tạo của nhau”, ông Lương Đức Thắng nêu.

Ông Lương Đức Thắng cũng lưu ý, trong quá trình triển khai xây dựng hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người, các địa phương cần chú trọng khai thác, phát huy có chọn lọc những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp; kiên quyết đấu tranh, loại bỏ những hành vi phản văn hóa.

Cùng với đó, có những cách tuyên truyền sáng tạo, mang đậm yếu tố văn hóa để khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, khát vọng cống hiến của người dân trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Nỗ lực triển khai thực hiện hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình, vì hạnh phúc của nhân dân - ảnh 3
Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Thái Nguyên Vũ Thị Thu Hường chia sẻ kinh nghiệm thực hiện của địa phương

Về phía địa phương, theo báo cáo của Sở VHTTDL tỉnh Thái Nguyên, để nội dung trên được phổ biến đến toàn dân, Sở VHTTDL tỉnh đã tham mưu kịp thời cho UBND tỉnh ban hành các văn bản liên quan; phối hợp chặt chẽ cùng các cấp, ngành tổ chức tuyên truyền về hệ giá trị văn hóa, gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới.

Qua đó huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và sự tham gia ủng hộ của toàn dân trong xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, góp phần vào sự phát triển bền vững của tỉnh và đất nước.

Không chỉ lắng nghe những ý kiến từ chuyên gia, tỉnh cũng tiếp thu ý kiến từ chính người dân trên tinh thần cầu thị. Từ đó, đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện triển khai hiệu quả các hệ giá trị phù hợp với tình hình địa phương.

Nỗ lực triển khai thực hiện hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình, vì hạnh phúc của nhân dân - ảnh 4
Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Trần Thị Vân Anh khẳng định việc triển khai các hệ giá trị là vì hạnh phúc của người dân

Trong những năm tới, Sở VHTTDL tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền và đầu tư phát triển văn hóa; khuyến khích sự sáng tạo, đổi mới trong công tác bảo vệ và phát triển hệ giá trị văn hóa, gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Tiếp tục phối hợp với các cấp, các ngành tổ chức tuyên truyền, đảm bảo hài hòa giữa các giá trị truyền thống và hiện đại được song hành phát triển.

Chia sẻ thêm về mô hình triển khai hệ giá trị văn hóa, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Thái Nguyên Vũ Thị Thu Hường cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải.

Đây là khu bảo tồn theo kiểu nhà sàn mang đậm nét văn hóa đặc trưng của các đồng bào dân tộc Tày tại Thái Nguyên. Bắt đầu xây dựng năm 2002, tiếp đón du khách đến tham quan từ năm 2014, Thái Hải sở hữu quy mô diện tích lên tới 25 ha với núi đồi, cỏ cây, hoa lá và hồ nước lớn, đặc biệt là 30 ngôi nhà sàn có tuổi đời hàng trăm năm.

Các ngôi nhà sàn này đều được di chuyển về từ ATK Định Hóa và phục dựng, giữ nguyên bản để gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa một cách tốt nhất.

Nỗ lực triển khai thực hiện hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình, vì hạnh phúc của nhân dân - ảnh 5
Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Trần Thị Vân Anh tặng quà và ấn phẩm lưu niệm cho Sở VHTT tỉnh Thái Nguyên

Năm 2022, đây cũng là khu bảo tồn nhận giải Làng du lịch tốt nhất do Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) trao tặng.

Phát biểu trao đổi kinh nghiệm với đoàn Thái Nguyên, Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Trần Thị Vân Anh thông tin sau khi tiếp cận và nghiên cứu kỹ lưỡng các văn bản chỉ đạo của Trung ương và Bộ VHTTDL, thành phố đã có những chương trình đặc thù, chú trọng vào đầu tư công trong lĩnh vực văn hóa.

Cùng với đó, thành phố nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng về chuyển tư duy làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa.

Nhờ chuyển biến về tư duy, sự nghiệp phát triển văn hóa trên địa bàn Thủ đô đã có nhiều khởi sắc. Đời sống tinh thần của người dân Thủ đô không ngừng được nâng cao nhờ được thụ hưởng các giá trị.

Nỗ lực triển khai thực hiện hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình, vì hạnh phúc của nhân dân - ảnh 6
Đoàn tiến hành khảo sát tại Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải

Bà Trần Thị Vân Anh nêu rõ, việc thực hiện triển khai hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam chính là vì hạnh phúc của nhân dân; phải lấy nụ cười của người dân làm thước đo về tính hiệu quả trong triển khai xây dựng, thực hiện các hệ giá trị.

Cũng theo bà Trần Thị Vân Anh, Hà Nội đang chú trọng nghiên cứu, triển khai xây dựng bộ tiêu chí người Hà Nội thanh lịch, văn minh năm 2024 trên địa bàn thành phố.

Bộ tiêu chí đảm bảo các yếu tố trong xây dựng người Hà Nội hào hoa, phong nhã, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh; tiêu biểu cho lương tri, phẩm giá con người Việt Nam. Các tiêu chí cũng được xây dựng trên tinh thần dễ nhớ, dễ làm, dễ kiểm tra, dễ giám sát. Các địa phương hoàn toàn có thể xây dựng các bộ tiêu chí tương tự dựa trên đặc thù về văn hóa – xã hội của địa phương.