Khảo sát, trao đổi kinh nghiệm xây dựng hệ giá trị văn hóa, gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam
VHO - Ngày 27.11, Sở VHTT Hà Nội phối hợp với Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) tổ chức chương trình khảo sát, trao đổi kinh nghiệm tại tỉnh Nam Định. Đây là hoạt động nhằm đẩy mạnh tuyên truyền hệ giá trị văn hóa, gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới, từ đó, góp phần xây dựng hình ảnh người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Tham gia đoàn khảo sát có ông Lương Đức Thắng, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL); bà Trần Thị Vân Anh, Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội. Tiếp đoàn công tác có ông Vũ Đức Thọ, Giám đốc Sở VHTT Nam Định.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTT&DL) Lương Đức Thắng chia sẻ, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định rõ yêu cầu xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ mới, nhằm làm sâu sắc các giá trị văn hóa và đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Nhằm cụ thể hóa nhiệm vụ trên, Bộ VHTTDL đã ban hành Kế hoạch số 2074/KH- BVHTTDL, nhấn mạnh 4 thành tố cốt lõi của hệ giá trị, bao gồm: Hệ giá trị văn hóa (Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học); Hệ giá trị gia đình (Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh); Hệ giá trị con người Việt Nam (Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo).
Với vai trò là trung tâm văn hóa của quốc gia, Hà Nội đóng vai trò đặc biệt trong việc xây dựng hệ giá trị văn hóa Việt Nam. Thủ đô không chỉ đối mặt với gia tăng dân cư và quá trình đô thị hóa mà còn phải nỗ lực bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống; đồng thời, chú trọng xây dựng tiêu chí "người Hà Nội thanh lịch, văn minh".
Ông Lương Đức Thắng ghi nhận và đánh giá cao chương trình khảo sát, trao đổi kinh nghiệm từ các tỉnh, thành phố, do Sở VHTT Hà Nội chủ trì. Qua đây, Hà Nội cùng các địa phương có cơ hội chia sẻ, học hỏi các giải pháp hiệu quả trong việc xây dựng hệ giá trị con người Việt Nam trong thời kỳ mới.
Chia sẻ kinh nghiệm về công tác triển khai các giải pháp thực hiện tuyên truyền về hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới, Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho biết, thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về việc “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, cùng với Kế hoạch số 2074/KH-BVHTTDL của Bộ VHTTDL, Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động như: hội thảo, tọa đàm... nhằm xây dựng chuẩn mực con người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Thành phố cũng đã xây dựng 2 Bộ quy tắc ứng xử tại nơi công sở và nơi công cộng; đồng thời, thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng để phát triển công nghiệp văn hóa.
Những nỗ lực này thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Thủ đô trong xây dựng hệ giá trị gia đình và chuẩn mực người hiện nay. Trong đó, hướng tới xây dựng con người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, tiêu biểu cho phẩm giá và lương tri con người Việt Nam; đồng thời, tạo ra thế hệ trẻ trở thành chủ nhân của Thủ đô văn hiến, văn minh và hiện đại, bà Trần Thị Vân Anh cho biết thêm.
Về phía Sở VHTT Nam Định, Giám đốc Sở VHTT Nam Định Vũ Đức Thọ bày tỏ, trong thời gian qua, Sở đã chủ động triển khai, thực hiện các Nghị quyết của Trung ương về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam như: Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”…
Sở VHTT Nam Định đã tham mưu và phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, địa phương; chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương, định hướng xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam.
“Các chương trình tuyên truyền về hệ giá trị Việt Nam được thực hiện rộng rãi, chú trọng 8 giá trị con người, 4 giá trị gia đình và 4 giá trị văn hóa. Bên cạnh đó, Sở đã tổ chức thành công các hoạt động văn hóa thể thao, như: Liên hoan nghệ thuật quần chúng, chương trình nghệ thuật đường phố,... qua đó nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân”, Giám đốc Sở VHTT Nam Định Vũ Đức Thọ nhấn mạnh.
Tỉnh Nam Định đạt nhiều thành tựu trong xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao với 01 Bảo tàng tỉnh, 48 nhà truyền thống, 10 thư viện huyện, 175 nhà văn hóa xã, phường... Tỉnh lắp đặt 2.626 bộ dụng cụ thể dục thể thao ngoài trời, duy trì gần 900 đội văn nghệ quần chúng, thu hút 3.000 hội viên. Năm 2024, 95% khu dân cư đạt danh hiệu văn hóa và hơn 90% hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa.
Công tác tuyên truyền về hệ giá trị văn hóa, giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam đã được Sở VHTT Nam Định triển khai hiệu quả, giúp gìn giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của tỉnh.
Tổng kết buổi làm việc, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Lương Đức Thắng nhấn mạnh, các địa phương cần xác định tiêu chí văn hóa riêng, kết hợp giữ gìn giá trị truyền thống với những sáng tạo mới, đồng thời tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức cộng đồng.