Một thời nhan sắc Hà Tiên

TS NGUYỄN DIỆP MAI (Phó Giám đốc Sở VHTT Kiên Giang)

VHO - Khoảng năm, sáu thập niên đầu của thế kỷ trước, Hà Tiên từng nổi danh với nghề làm đồ huyền, một nghề thủ công tinh xảo góp phần tôn vinh vẻ đẹp dịu dàng, đoan trang của người phụ nữ phương Nam.

Một thời nhan sắc Hà Tiên - ảnh 1Thiếu nữ Hà Tiên đeo chuỗi hạt huyền (ảnh tư liệu của tác giả)

 Hình ảnh thiếu nữ với mái tóc đen cài lược đồi mồi, cổ tay đeo vòng huyền đen lánh, khoác áo dài lụa, mặc quần lãnh mướt… từng là biểu tượng của gia phong, nề nếp và phẩm hạnh.

 Đây không chỉ là chuẩn mực văn hóa, mà còn là niềm tự hào của một thời đã qua. Thế nhưng, theo dòng chảy thời gian, nghề làm đồ huyền dần lui vào quên lãng, cùng với đó, nét đẹp thanh nhã cũng mai một trong đời sống hiện đại.

Nghề xưa của đất phương Nam

Không phô trương như những làng nghề gốm hay sơn mài, nghề làm đồ huyền lặng lẽ đi vào đời sống như một nét sang trọng kín đáo. Huyền thực chất là một loại than đá màu đen bóng, ít chất carbon nên không bén lửa, nhưng gần lửa lại rạn nứt rất đặc trưng.

Kiên Giang từng có hai mỏ huyền nổi danh là mỏ Paksé lộ thiên do người Pháp tên Pellen khai thác và mỏ Rạch Tràm ẩn mình giữa núi Chúa và núi Hàm Rồng, nơi rừng dương liễu vươn mình trên cát trắng đảo Phú Quốc. Huyền Rạch Tràm được giới nghệ nhân săn lùng vì chất đá mịn, đen sâu và hiếm có.

Người tìm huyền thuở ấy không có máy móc, chỉ có đôi tay và lòng gan dạ. Họ lần theo bản đồ cổ “Sentier des mines” dẫn vào Bắc Đảo, đào giếng sâu rồi trổ hang tìm theo vân đá. Vỏ cây kiền kiền được tận dụng để chỏi đất đá, tạo đường đi như mái vòm thô sơ giữa lòng đất. Mỗi bước tiến là một lần đánh cược với số phận, vì sập hầm là chuyện thường ngày.

Huyền được phân thành ba loại: Huyền liền - loại quý nhất, sớ mịn, thuần chất; Huyền kẽm - lẫn tạp chất, khó chạm khắc; Huyền chấp - những mảnh vụn chắp nối, đòi hỏi kỹ thuật cao và tay nghề điêu luyện để không lộ vết ghép.

Để chế tác đồ huyền, người thợ cần đến cả một “gia tài” dụng cụ: Mác mài một bề như lưỡi bào; cưa lộng bằng khung dù; khoan vo làm từ thân kèo dù tròn; da cá nhám để dũa thô; giấy nhám mịn để hoàn thiện; compa sắt vẽ vòng đồng tâm và cuối cùng là dầu “Miroir” hoặc tro lá tra bồ đề để đánh bóng, tạo nên ánh đen huyền bí.

Đằng sau mỗi món đồ huyền là cả một hành trình lao động miệt mài, cực nhọc - kết tinh từ lòng đất, từ bàn tay cần mẫn và mồ hôi của những người thợ ngày đêm miệt mài trong lòng hầm tối.

Một thời thanh sắc

Muốn làm ra một chiếc vòng huyền “liền”, loại quý nhất trong ba dòng huyền, người thợ phải kỳ công ngay từ khâu chọn đá. Miếng huyền phải có sớ thịt đều, không lẫn tạp chất hay vết kẽm. Sau khi gọt phẳng mặt bằng dao mác, họ dùng compas vẽ hai vòng tròn đồng tâm rồi khoan lỗ chính giữa để xỏ lưỡi cưa, lấy phần ruột ra.

Vòng được tạo hình bát giác, sau đó dũa tròn dần bằng da cá đuối, cá nhám, rồi mài mịn bằng các lớp giấy nhám. Lá chiều được dùng để đánh trơn và công đoạn cuối cùng, quan trọng nhất, là đánh bóng bằng dầu hiệu “Miroir” hoặc tro lá tra bồ đề cho đến khi chiếc vòng ánh lên sắc đen bóng như gương.

Chiếc vòng huyền không chỉ quý bởi nguyên liệu, mà còn bởi cách đeo mang tính nghệ thuật. Vòng đẹp nhất là loại vừa khít ba ngón tay (trỏ, giữa, áp út) của người đeo, khi xỏ phải xoa tay bằng xà bông, vuốt theo chiều ngón từ ngón cái để vòng lướt qua những khớp xương, cuối cùng ôm gọn lấy cổ tay, vừa vặn, mượt mà như được “đo ni đóng giày”.

Ngoài vòng tay, nghề huyền còn tạo ra nhiều món đồ tinh xảo khác như chuỗi hạt, nhẫn, bông tai, ống điếu, tượng, cán viết, đồ dằn giấy..., mỗi món đều mang một nét đẹp giản dị nhưng đầy cá tính, đậm chất Á Đông.

Vào những thập niên đầu thế kỷ XX, hình ảnh người thiếu nữ với mái tóc dài thướt tha cài lược đồi mồi, cổ tay đeo vòng huyền, khoác áo dài lụa mềm, quần lãnh óng mượt từng là biểu tượng cho sự đoan trang, gia giáo và phẩm hạnh. Thế nhưng, cùng làn sóng Âu hóa, sắc đen của huyền dần bị gắn với màu tang tóc, khiến trang sức bằng huyền trở nên xa lạ với thị hiếu thời đại. Từ đó, đồ huyền chỉ còn xuất hiện trên tay những phụ nữ góa bụa hoặc các bà lão theo đạo Phật.

Ngày nay, nghề làm đồ huyền ở Hà Tiên chỉ còn le lói trong một vài gia đình, chủ yếu làm chơi nhiều hơn làm bán. Một di sản từng vang bóng một thời, một chuẩn mực thẩm mỹ từng nâng niu vẻ đẹp người phụ nữ Việt, nay đã lui vào dĩ vãng.

Nhưng có lẽ chính trong sự hoài niệm ấy, mỗi chiếc vòng huyền còn giữ lại một phần ký ức - nơi vẻ đẹp không nằm ở sự phô trương, mà ở sự kín đáo, thanh tao và sâu sắc như chính màu đen huyền bí của nó.