Môi trường văn hóa báo chí ngày càng phải được thiết lập

THÙY TRANG

VHO - Theo nhiều nhà báo, việc “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí” đang là đòi hỏi bức thiết để góp phần rèn luyện bản lĩnh, nâng cao phẩm chất đạo đức, hướng đến những tác phẩm chất lượng, giàu trữ lượng văn hóa…

 Môi trường văn hóa báo chí ngày càng phải được thiết lập - ảnh 1
Bất chấp nguy hiểm về đại dịch Covid - 19, nhiều phóng viên, nhà báo vẫn lăn xả tại hiện trường. Ảnh: T.NGHĨA

 Tại Hội Báo toàn quốc năm 2024 lần đầu tổ chức tại phía Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh nhấn mạnh, trong bối cảnh khó khăn, thách thức chung của thế giới, khu vực và đất nước, có những thách thức chưa từng có tiền lệ, báo chí vẫn luôn là lực lượng xung kích trên mọi mặt trận.

“Công tác thông tin, tuyên truyền trên báo chí về việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị, các vấn đề kinh tế, xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh… được quan tâm, chú trọng, có chiều sâu, tạo sức lan tỏa tích cực. Tuyên truyền về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, đấu tranh với các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, mang lại hiệu quả cao. Tuyên truyền về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam ngang tầm với tuyên truyền phát triển kinh tế theo đúng định hướng chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021…”, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh.

Để có nhiều tác phẩm báo chí chất lượng, mang hơi thở cuộc sống và giàu tính nhân văn, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã nhấn mạnh, Hội Nhà báo các cấp cần định hướng các cơ quan báo chí bám sát thực tiễn sự nghiệp đổi mới, phát triển của đất nước, các vấn đề thời sự; phản ánh sâu sắc, sinh động hơi thở, nhịp đập của cuộc sống để có nhiều tác phẩm báo chí chất lượng, khách quan, chân thực, có tính chiến đấu cao, giá trị nhân văn sâu sắc. Mỗi tác phẩm báo chí phải là một thông điệp thuyết phục, tác động vào cả trí óc và trái tim công chúng, từ đó định hướng dư luận, tạo đồng thuận xã hội, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo, cần thúc đẩy mạnh mẽ và quyết liệt hơn đổi mới, sáng tạo trong báo chí, tìm kiếm và triển khai các mô hình tòa soạn số với phương thức tổ chức, quản lý nhằm phát huy mạnh mẽ sức sáng tạo của nhà báo, đồng thời nghiên cứu tìm giải pháp hạn chế những bất cập, những nguy cơ khiến nhân lực và vật lực ngành báo chí bị ảnh hưởng tiêu cực bởi trí tuệ nhân tạo, robot và các công cụ số và các yếu tố kỹ thuật, công nghệ tiên tiến khác. Bên cạnh đó, chú trọng công tác kiểm tra, giám sát hội viên để khắc phục hiện tượng một số cấp Hội và cơ quan báo chí còn xảy ra hiện tượng vi phạm pháp luật và đạo đức nghề nghiệp người làm báo phải xử lý kỷ luật... Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị Hội Nhà báo các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, Quy tắc đối với hội viên, nhàbáo khi tham gia mạng xãhội; phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí”.

Trao đổi về sự cấp thiết của việc xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí, nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định, “đời sống báo chí càng biến động, môi trường văn hóa báo chí càng phải được thiết lập, càng phải là bệ đỡ vững vàng để báo chí Việt Nam phát triển lành mạnh, đúng định hướng, chuyên nghiệp, hiện đại nhưng phải thực sự nhân văn”.

 Môi trường văn hóa báo chí ngày càng phải được thiết lập - ảnh 2
Trong điều kiện mưa lũ, nhiều phóng viên đã vượt qua khó khăn để ghi hình, đưa tin. Ảnh: P.V

Nhà báo Đào Xuân Hưng, Tổng Biên tập Tạp chí Tài nguyên môi trường nhận định, thực trạng hiện nay cho thấy vẫn còn tình trạng người làm báo có xu hướng thương mại hóa, lợi ích nhóm, tự chuyển biến, tự chuyển hóa, gây ảnh hưởng uy tín của cơ quan báo chí và sự phát triển chung của tòa soạn. Ông cho rằng, một nhà báo đúng nghĩa phải hội tụ đầy đủ các yếu tố, trong đó có trình độ học vấn nói chung và chuyên ngành nói riêng cùng với đó là có tri thức hiểu biết đúng đắn về văn hóa… Nhà báo Đoàn Minh Long, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Khánh Hòa cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc nâng cao nhận thức về văn hóa, xây dựng và tạo lập không gian văn hóa trong hoạt động báo chí, xây dựng cơ quan báo chí và bản lĩnh người làm báo văn hóa là một yêu cầu cấp thiết.

Theo nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, “đừng nghĩ xây dựng môi trường văn hóa chỉ là một phong trào, mà đây phải trở thành một cuộc vận động sâu rộng trong các cơ quan báo chí và các cấp hội được thực hiện thường xuyên, liên tục, lâu dài thì mới đạt được những hiệu quả thực sự cho nghề báo Việt Nam. Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa chỉ đạo cần tiếp tục đẩy mạnh phong trào xây dựng cơ quan báo chí văn hóa và người làm báo văn hóa. Việc này cần đi vào chiều sâu, phải trở thành thói quen văn hoá hằng ngày của từng nhà báo, hội viên, trong mọi hành vi tác nghiệp, từ đó góp phần sáng tạo ra nhiều sản phẩm báo chí có chất lượng, giàu giá trị văn hóa tốt đẹp, khơi dậy, định hướng những dòng chảy văn hóa tích cực trong đời sống xã hội.

Với mỗi người làm báo, cần nhận thức sâu sắc hơn nữa vai trò, vị trí, chức năng và nhiệm vụ của mình trong nền báo chí cách mạng Việt Nam; không ngừng trau dồi, nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn, kỹ năng công nghệ; rèn luyện tài, đức để “mắt sáng, lòng trong, bút sắc”, xứng đáng là người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Phát huy truyền thống 99 năm báo chí cách mạng Việt Nam, tiếp tục những thành công của báo chí trong sự nghiệp đổi mới, báo chí cách mạng Việt Nam cần tích cực chuyển đổi số mạnh mẽ hơn nữa, tăng cường đào tạo nhân lực về chuyên môn nghiệp vụ, đào sâu nghiên cứu công chúng và xu hướng báo chí truyền thông hiện đại.

Cần đảm bảo tác phẩm báo chí về tính định hướng, tính chuyên biệt, tính hấp dẫn và tính cá nhân hoá. Mỗi người làm báo phải luôn tự ý thức học tập, nghiên cứu, tự rèn mình để có bản lĩnh chính trị, nền tảng văn hóa, kỹ năng công nghệ và tinh thần tận hiến, nhân văn vì lợi ích quốc gia dân tộc, vì sự phồn vinh, hạnh phúc của nhân dân.