Lễ hội Bà Chiêm Sơn: Xây dựng thương hiệu văn hóa, phát triển du lịch bền vững

THU HOÀI

VHO - Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam đã có công văn gửi Bộ VHTTDL đề nghị công nhận “Lễ hội Bà Chiêm Sơn” ở xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ hội Bà Chiêm Sơn: Xây dựng thương hiệu văn hóa, phát triển du lịch bền vững - ảnh 1
Lễ rước kiệu tại Lễ hội Bà Chiêm Sơn

Lễ hội, với những tên gọi khác như Lệ Bà Chiêm Sơn hay Lễ hội Dinh Bà Chiêm Sơn, được tổ chức hằng năm vào ngày mồng 10-12 tháng Giêng âm lịch.

Đây là dịp để cộng đồng tưởng nhớ và tri ân Bà Chiêm Sơn (Bô Bô Thái Dương phu nhân) - người đã có công phò trợ, vệ quốc an dân cho cộng đồng làng Chiêm Sơn và khu vực ven sông Thu Bồn.

Việc đề xuất công nhận lễ hội này không chỉ thể hiện sự tôn vinh giá trị văn hóa lâu đời mà còn góp phần bảo tồn và phát huy di sản văn hóa đặc sắc của vùng đất Quảng Nam.

Nơi hội tụ văn hóa Champa và Đại Việt

Lễ hội Bà Chiêm Sơn là tín ngưỡng tâm linh sâu sắc và là nét văn hóa độc đáo, riêng có của cư dân nơi đây, trong mối tương đồng với tín ngưỡng thờ Nữ thần của người Việt.

Việc tổ chức lễ hội được thực hiện một cách bài bản, có sự phối hợp nhịp nhàng giữa chính quyền địa phương và Ban hành lễ của cộng đồng làng Chiêm Sơn, qua đó tôn trọng các yếu tố truyền thống và đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của nhân dân.

Vùng đất Chiêm Sơn nằm tại đầu nguồn hữu ngạn sông Sài Thị, nơi giao thoa giữa hai dòng sông Vu Gia và Thu Bồn, ghi dấu lịch sử lâu đời của một làng xã đã tồn tại từ giữa thế kỷ XVI.

Chiêm Sơn, nay thuộc huyện Duy Xuyên, là một trong những cộng đồng cổ xưa với nhiều giá trị văn hóa, từng là nơi hội tụ giữa nền văn hóa Champa và Đại Việt.

Đặc biệt, Chiêm Sơn còn sở hữu những di tích lịch sử quan trọng như: Lăng Vĩnh Diên, lăng Vĩnh Diễn, chùa Vua (chùa Vĩnh An) - những công trình tôn vinh, phụng tự các vị hoàng hậu triều Nguyễn…

Ngoài ra, nơi đây còn lưu giữ nhiều phế tích Champa, như tháp Chăm Dương Bi, Gò Lồi và Triền Tranh, tạo nên một không gian văn hóa đa dạng và phong phú.

Trong hệ thống di tích này, Dinh Bà Chiêm Sơn (còn gọi là lăng Bà, dinh Bà) đóng vai trò quan trọng, không chỉ trong đời sống tín ngưỡng mà còn trong việc bảo tồn di sản văn hóa của cư dân địa phương.

Dinh Bà được xây dựng trên khu vực phế tích Champa xưa, nằm trong quần thể di tích Chiêm Sơn Tây, gần Mandapa - Gò Lồi. Theo các bô lão trong làng, ban đầu, dinh được dựng bằng tranh tre nứa lá, sau đó bà con xây thành ngôi miếu nhỏ.

Năm 2002, với sự đóng góp của cộng đồng, dân làng đã xây mới dinh Bà khang trang hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thờ cúng và duy trì lễ hội truyền thống.

Dinh Bà được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh vào tháng 2.2007, đồng thời được trùng tu và xây dựng thêm các hạng mục như cổng ngõ, tường bao, cột cờ, bình phong, nhà trù… nhằm bảo tồn và phát huy giá trị tín ngưỡng, văn hóa dân gian của địa phương.

Lễ hội Dinh Bà, với các nghi thức cúng tế trang nghiêm, luôn thu hút sự tham gia của người dân quanh năm, như lễ Tế Bà, lễ Mục Đồng, cúng giỗ Tiền hiền và lễ Hạ điền…

Đặc biệt, Lễ hội Dinh Bà Chiêm Sơn không thể thiếu phần giáo tuồng, nơi các phường Hát bội trình diễn những trích đoạn hay nhất dâng lên Bà.

Dù diễn ra vào đêm khuya, nhưng phần tuồng luôn được người dân chờ đón, bởi đây là dịp để họ vừa thưởng thức nghệ thuật Hát bội vừa xem “bói tuồng” đầu năm, cầu mong một năm mới an lành, hanh thông.

Lễ hội không chỉ là hoạt động tôn giáo mà còn là phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa, tâm linh của cộng đồng Chiêm Sơn, mang đậm giá trị truyền thống và di sản văn hóa quý báu của vùng đất Quảng Nam.

Lễ hội Bà Chiêm Sơn: Xây dựng thương hiệu văn hóa, phát triển du lịch bền vững - ảnh 2
Dinh Bà Chiêm Sơn

Động lực phát triển du lịch bền vững

Lễ hội Bà Chiêm Sơn, diễn ra vào ngày 12 tháng Giêng âm lịch là sự kiện văn hóa đặc sắc, tái hiện lại hành trạng linh thiêng và huyền thoại của Bà theo truyền thuyết xưa.

Đây là phần lễ chính của lễ hội, thu hút sự tham gia đông đảo của người dân và du khách, khẳng định sức sống mạnh mẽ của di sản văn hóa phi vật thể này.

Bên cạnh phần lễ trang nghiêm, sự kiện còn có phần hội phong phú và đa dạng, với các trò chơi dân gian truyền thống như kéo co, đẩy gậy, đua thuyền, ăn xôi tháng mười, hát Bài chòi, Hát bội, thả hoa đăng, cùng các chương trình văn hóa nghệ thuật sôi động khác, vừa mang lại không khí vui tươi, náo nhiệt vừa là cơ hội để cộng đồng gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Lễ hội Bà Chiêm Sơn hiện nay không chỉ là sự kiện văn hóa tinh thần mà còn có vai trò kinh tế quan trọng. Những giá trị riêng có của lễ hội đã trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, tạo nên một điểm đến hấp dẫn du khách thập phương.

Việc thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm giúp nâng cao thu nhập cho cộng đồng dân cư, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực.

Ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Nam cho biết: Để bảo tồn và phát huy giá trị của lễ hội, Sở VHTTDL đã thực hiện điều tra và xây dựng hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể “Lễ hội Bà Chiêm Sơn”.

Hồ sơ đã hoàn thành và đáp ứng đầy đủ các quy định của Bộ VHTTDL. Kết quả khảo sát và kiểm kê khoa học di sản chỉ ra rằng, việc bảo tồn lễ hội cần tập trung vào các giải pháp quản lý, sưu tầm và truyền dạy, đồng thời tăng cường công tác bảo vệ và quản lý lễ hội từ các cấp chính quyền và cộng đồng.

Để nâng cao hiệu quả bảo tồn, phát huy giá trị lễ hội, cần xây dựng thương hiệu “Lễ hội Bà Chiêm Sơn: Truyền thống và Văn minh”. Công tác tổ chức lễ hội cần được chú trọng về an ninh trật tự, bảo tồn có chọn lọc những phong tục tập quán tốt đẹp, đồng thời đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân.

Đặc biệt, việc xây dựng đề án bảo tồn lễ hội gắn với phát triển du lịch không chỉ góp phần làm đa dạng hóa sản phẩm du lịch, mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện Duy Xuyên theo hướng bền vững, hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống.