Sóc Trăng:
Trao bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Chrôi Rum Chêk
VHO - Ban Tổ chức Lễ hội Phước Biển thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng vừa long trọng khai mạc Lễ hội và công bố Quyết định của Bộ trưởng Bộ VHTTDL về việc đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Lễ hội Chrôi Rum Chêk (Lễ hội Phước Biển) của người Khmer thị xã Vĩnh Châu.

Lễ hội Phước Biển theo tiếng Khmer là Chrôi Rum Chêk, ở Phường 2, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng có lịch sử hình thành lâu đời (khoảng 300 năm), được duy trì, bảo tồn và trao truyền qua nhiều thế hệ.
Lễ hội được diễn ra trong ba ngày hai đêm, tức là vào ngày 14, 15 và sáng ngày 16.2 âm lịch hằng năm.
Lễ hội Chrôi Rum Chêk mang ý nghĩa cầu an cho ngư dân, mong cho người đi biển được thuận buồm xuôi gió, đánh bắt được nhiều hải sản và tạ ơn biển cả đã ban tặng nguồn lợi tôm cá dồi dào.
Với niềm tin vào thần cá Ông, vị thần bảo vệ và độ trì cho người dân vùng biển, họ tin rằng nếu cá Ông không cứu được những người gặp nạn trên biển, thì sẽ gặp phải "lụy".
Vì vậy, khi cá Ông chết dạt vào bờ, người dân trong vùng tổ chức lễ cầu nguyện và thực hiện nghi lễ truyền thống để tôn vinh và chôn cất cá Ông, như một cách tri ân và bảo vệ linh thiêng của biển cả.

Phát biểu tại Lễ công bố, ông Sơn Pô, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Sóc Trăng nhấn mạnh: Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của Lễ hội Phước Biển, đồng thời tạo ra sản phẩm phục vụ phát triển du lịch địa phương, cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng.
Trước hết, cộng đồng, chính quyền địa phương và Ban quản trị chùa Sê Rây Cro Săng cần tổ chức Lễ hội hằng năm theo đúng quy định của pháp luật. Các cơ quan chức năng cũng cần phối hợp chặt chẽ để đảm bảo việc tuân thủ pháp lý trong suốt quá trình tổ chức.
Lãnh đạo địa phương cần phối hợp với các đơn vị chuyên môn và cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực văn hóa để tiến hành kiểm kê, nghiên cứu và đánh giá khoa học về thực trạng bảo tồn cũng như các giá trị độc đáo của lễ hội.
Cùng với đó, cần nghiên cứu xây dựng đề án đưa Lễ hội vào chương trình quy hoạch phát triển văn hóa, xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội bài bản hơn, kết hợp với các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu lễ hội cầu ngư nhằm khai thác du lịch và quảng bá bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương.
Ông Sơn Pô cũng đề nghị phối hợp với các đơn vị chuyên môn để xây dựng Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của Lễ hội Phước Biển.
Song song đó, chính quyền địa phương cần xây dựng quy chế quản lý và tổ chức lễ hội, làm tốt công tác phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng thực hiện các biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị di sản, góp phần tích cực trong sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa dân tộc.